Lĩnh vực nào cần được ưu tiên đầu tư và phải giám sát ra sao để tránh thất thoát, lãng phí…
 

 

Ngày mai (28/11), Quốc hội sẽ biểu quyết Nghị quyết về phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016. Nhìn chung, nhiều đại biểu Quốc hội đồng ý với Chính phủ về việc tăng bội chi ngân sách cho phát hành trái phiếu Chính phủ để đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A, Quốc lộ 14; hoàn thành một số dự án lớn trọng điểm quốc gia.

Mục tiêu là vậy nhưng khoản trái phiếu này sẽ được sử dụng thế nào, có đúng mục đích hay không còn là điều khiến nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn.

Ưu tiên cho lĩnh vực nào?

Đại biểu Đồng Hữu Mạo (đoàn Thừa Thiên-Huế) cho rằng, đất nước ta đang nghèo, ngân sách bị co kéo bởi rất nhiều mục tiêu, nhiệm vụ. Nhìn vào lĩnh vực nào chúng ta cũng thấy bức xúc, lĩnh vực nào cũng cần tiền. Tuy nhiên, chúng ta cần có sự cân nhắc để ưu tiên cho những nhiệm vụ cần ưu tiên.

“Theo tôi, giảm quá tải bệnh viện là một trong những nhiệm vụ cần ưu tiên trong giai đoạn hiện nay. Chúng ta có thể giải thích cho nhân dân là chúng ta nghèo nên không thể mua được máy móc trang thiết bị hiện đại để cứu chữa cho người dân. Người dân có thể chấp nhận. Nhưng chúng ta không thể nói với nhân dân là vì nghèo nên chúng ta không thể xây đủ chỗ nằm cho bệnh nhân khi ở bệnh viện. Bởi vì ai cũng thấy các cơ quan công sở nhà nước được xây dựng khang trang. Nhiều công sở sang hơn cả khách sạn hạng sang” – đại biểu Đồng Hữu Mạo đưa ra dẫn chứng.

Đại biểu Đồng Hữu Mạo cũng bày tỏ: “Tôi không biết Quốc hội có chấp thuận 170.000 tỷ đồng Chính phủ trình ra hay không hoặc là nâng cao hay hạ thấp xuống. Nhưng dù có ít hay nhiều, tôi cũng đề nghị cần trích một phần để giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện, thực hiện nguyên mục tiêu Chính phủ đã đề ra”.

Đánh giá nguồn vốn này là quan trọng cho việc đầu tư năm 2014-2015, đại biểu Bùi Đức Thụ (đoàn Lai Châu) đề nghị, trong bối cảnh khu vực đang diễn biến hết sức phức tạp, Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt đề án đường tuần tra biên giới giai đoạn 2 để bố trí vốn, bởi vì chúng ta không làm lúc này thì sau này hết sức khó khăn. “Chúng tôi đề nghị đối với các tỉnh nghèo miền núi, nhiều đồng bào dân tộc với sự phát triển đang có nguy cơ tụt lùi thì Đảng và nhà nước tiếp tục quan tâm để đầu tư, thu hẹp khoảng cách phát triển” – đại biểu Bùi Đức Thụ nhấn mạnh.

Phải tăng cường giám sát

Bày tỏ sự thận trọng khi phát hành 170.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, đại biểu Trần Văn Minh (đoàn Quảng Ninh) đề nghị xác định bội chi ngân sách cho cả 2 năm 2014 – 2015 còn lại của kế hoạch 5 năm. Việc này liên quan đến nợ công, Chính phủ đề nghị năm 2014 bội chi ngân sách là 5,3% GDP, nợ công là 59,8% GDP. Vậy năm 2015 bội chi là bao nhiêu, nợ công ở mức nào, có an toàn không. “Mặc dù theo báo cáo của Chính phủ nợ công vẫn an toàn những tôi rất băn khoăn khi thực tế gần đây đã phải phát hành trái phiếu chính phủ để đảm bảo” – đại biểu bày tỏ băn khoăn của mình.

Từ lý do này, đại biểu Trần Văn Minh cho rằng, việc phát hành trái phiếu Chính phủ được Quốc hội phê duyệt trên cơ sở danh mục, mức đầu tư, tiến độ thực hiện cụ thể của các công trình dự án. Đồng thời, cần tổ chức giám sát quản lý chặt chẽ xử lý nghiêm các sai phạm trong đầu tư xây dựng cơ bản nói chung và sử dụng trái phiếu Chính phủ nói riêng. Không để lặp lại tình trạng thất thoát lãng phí như thời gian qua để sử dụng vốn hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm.

Đại biểu Trần Văn Minh cũng đề nghị dành tỷ lệ thích đáng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trả nợ cho doanh nghiệp để giảm nợ xấu, giúp doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi huy động vốn, phục vụ phát triển sản xuất. Đồng thời, ưu tiên giải ngân cho các dự án dở dang để nhanh chóng hoàn thành đưa vào sử dụng vừa giúp tiêu thụ hàng tồn kho vừa tránh được lãng phí do đầu tư dang dở gây ra.

Về phương án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ, đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, tính toán lại mật độ các trạm thu phí, có phương án xử lý trong trường hợp các chủ dự án BOT thiếu vốn không đảm bảo được tiến độ cùng với dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Nguồn vốn này cũng cần ưu tiên cho việc hoàn thành các dự án giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục quan trọng có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế – xã hội của cả vùng và địa phương.

Còn theo nhìn nhận của đại biểu Bùi Đức Thụ, hiện tại nguồn để huy động vốn đầu tư phát triển của chúng ta còn lớn. Tỷ lệ tiết kiệm trong nước 29%, cộng với các nguồn vốn ngoài nước thì tỷ lệ huy động có thể lên đến 35-37%. Vì vậy, cần có giải pháp để huy động các nguồn lực trong nước để phục vụ cho công việc đầu tư phát triển, trong điều kiện nền kinh tế khó khăn, sức cạnh tranh và sự hấp thụ vốn còn yếu, kênh tín dụng tăng chậm. Trong ngắn hạn, cho phép nới lỏng tài khóa có điều kiện để tập trung giải quyết một số vấn đề, khắc phục sự tăng trưởng chậm trễ của nền kinh tế. Đến khi kinh tế phục hồi và 2016 chúng ta sẽ thực hiện thắt chặt tiền tệ, đảm bảo an ninh tài chính.

Sở dĩ, các đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn của mình với việc phát hành 170.000 tỷ trái phiếu Chính phủ là vì mấy năm gần đây thu ngân sách giảm dần, tổng chi ngân sách nhà nước tăng dần, bội chi ngân sách nhà nước cũng tăng dần. Nếu như năm 2011 bội chi ngân sách nhà nước là 120.000 tỷ đồng thì năm 2013 là 195.000 tỷ đồng, còn năm 2014 là 224.000 tỷ đồng. Nợ công cũng tăng nhanh, nếu như năm 2012 là hơn 1,6 triệu tỷ đồng thì năm 2013 là gần 2,1 triệu tỷ đồng, năm 2014 là hơn 2,5 triệu tỷ đồng. Như vậy, nợ công năm 2013 gấp 2,63 lần thu ngân sách nhà nước, năm 2014 gấp 3,2 lần thu ngân sách nhà nước. Mặt khác đến năm 2015 số phải trả nợ tăng lên trong khi đó khả năng thu ngân sách nhà nước để trả nợ ngày càng khó khăn, đến nay Chính phủ đã phải vay để đảo nợ khoảng 70.000 tỷ đồng./.

Theo : Vũ Hạnh/VOV online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *