(kontumtv.vn) – Tại cuộc họp chiều 19/11 về quản lý rủi ro cho vay lại vốn vay nước ngoài và bảo lãnh của Chính phủ, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết: Với việc Việt Nam kiên định theo đuổi mục tiêu củng cố tài khóa, quản lý chặt chẽ nghĩa vụ nợ dự phòng của ngân sách từ hoạt động cấp bảo lãnh Chính phủ và vay nước ngoài về cho vay lại, các chỉ tiêu an toàn nợ công đang được kiểm soát chặt.

hop-no-cong

Đối với vốn vay được Chính phủ bảo lãnh, thời gian tới, Việt Nam tiếp tục thực hiện chủ trương hạn chế cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới.

Theo ông Trương Hùng Long, nợ công của Việt Nam hiện nằm trong giới hạn trần nợ được Quốc hội phê chuẩn và giảm dần qua các năm, góp phần bồi đắp dư địa chính sách tài khóa để ứng phó hiệu quả với các cú sốc vĩ mô như Việt Nam đối mặt trong năm 2020.

Tuy nhiên, công tác quản lý nợ vẫn cần phải được cải cách, để một mặt đáp ứng yêu cầu quản lý trong điều kiện phát triển Việt Nam có những thay đổi căn bản, mặt khác tiến dần đến thông lệ tốt của quốc tế.

Thời gian tới, Việt Nam phải đối mặt với rủi ro vĩ mô gia tăng so với thời kỳ trước như: Rủi ro tăng trưởng kinh tế chững lại, mặt bằng lãi suất gia tăng, rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng cũng như chi phí gia tăng do dân số bị già hóa. Trong khi đó, theo Bộ Tài chính, các nhà tài trợ nước ngoài đã từng bước điều chỉnh chính sách hợp tác phát triển với Việt Nam theo hướng chuyển dần từ việc cung cấp ODA sang các khoản vay với điều kiện kém ưu đãi hơn, chi phí huy động vốn của một số khoản vay tăng gấp đôi so với giai đoạn trước đây làm gia tăng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ, việc kiểm soát rủi ro, tăng hiệu quả sử dụng đồng vốn vay là cần thiết. Đặc biệt, trong điều kiện đặc thù của Việt Nam là nợ vay lại và bảo lãnh chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tổng nợ vay nước ngoài của Chính phủ và nợ công.

Ông Trương Hùng Long cho biết thêm: Trong 5 năm tới, các khoản vay vốn hợp tác phát triển chính thức (ODA) sẽ giảm dần, tiến đến kết thúc, dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn vay dài hạn, ưu đãi cho đầu tư. Do đó, Chính phủ cần huy động các khoản vay mới với điều kiện kém ưu đãi hơn nhiều, sát với thị trường để bù đắp thiếu hụt cho cân đối ngân sách, đầu tư công trung hạn, cũng như cho vay lại đối với các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập.

Đối với vốn vay được Chính phủ bảo lãnh, trong thời gian tới Việt Nam tiếp tục thực hiện chủ trương hạn chế cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới. Song, Bộ Tài chính cho rằng, các khoản bảo lãnh Chính phủ có vai trò quan trọng giúp các tập đoàn, doanh nghiệp thực hiện các dự án thiết yếu, trọng điểm quốc gia có khả năng tiếp cận nguồn vốn thương mại lớn với quy mô lớn và chi phí vay ưu đãi hơn.

Do vậy, theo Bộ Tài chính, yêu cầu đặt ra là cần có cơ cấu nợ hợp lý, cân đối giữa chi phí và rủi ro, giữa nghĩa vụ nợ trực tiếp và nghĩa vụ nợ dự phòng của chính phủ phù hợp với yêu cầu phát triển cũng như năng lực quản lý của Việt Nam. Định hướng của Chính phủ Việt Nam trong quản lý nợ công, trong đó có quản lý rủi ro cũng phù hợp với mối quan tâm của các nhà tài trợ.

 

Trong Khung cải cách tổng thể về quản lý nợ công mà Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các nhà tài trợ đã cùng Việt Nam xây dựng với sự hỗ trợ tài chính từ Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), một trong 5 trụ cột được các bên nhất trí về sự cần thiết triển khai ngay trong năm 2020 – 2021 là Quản lý rủi ro.

Kể từ khi Quốc hội thông qua Luật Quản lý nợ công năm 2017, đến nay hệ thống văn bản pháp luật về quản lý nợ công tại Việt Nam từ Luật, Nghị định và các Thông tư hướng dẫn về cơ bản đã hoàn thành.

Theo chuyên gia đến từ IMF thì bảo lãnh và cho vay lại có những rủi ro tương tự như nhau, nhưng hình thức khác nhau, nên cần được quản lý một cách phù hợp. IMF cho rằng Bộ Tài chính có thể thu nhận nhiều lợi ích từ việc xây dựng năng lực như đánh giá các đề xuất bảo lãnh/cho vay lại; đánh giá và lượng hóa các rủi ro đi kèm tại thời điểm bảo lãnh và cập nhập trong suốt thời hạn bảo lãnh, giám sát thực hiện bảo lãnh/cho vay lại. Đồng thời, cải thiện theo dõi hồ sơ và công khai thông tin sẽ giúp tăng cường tính minh bạch và tạo thuận lợi hơn cho việc quản lý.

Tin, ảnh: Minh Phương/TTXVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *