(kontumtv.vn) – Chính phủ cũng cho ý kiến về một số cơ chế đặc thù nhằm tạo bước đột phá trong lĩnh vực khoa học-công nghệ và giáo dục-đào tạo…

Trong hai ngày hôm qua và hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 nhằm đánh giá tình hình KTXH tháng 8 và 8 tháng qua, đồng thời thảo luận và thống nhất các biện pháp chỉ đạo, điều hành nhằm đạt cao nhất các chỉ tiêu đã đề ra trong cả năm nay, nhất là mức tăng trưởng GDP 5,8%. Các thành viên Chính phủ cũng thảo luận các biện pháp phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2015 cao hơn năm nay, đồng thời cho ý kiến về một số cơ chế đặc thù nhằm tạo bước đột phá trong lĩnh vực khoa học-công nghệ và giáo dục-đào tạo.

Kinh tế xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực

Các thành viên Chính phủ đã dành phần lớn thời gian đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2014, dự báo thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của cả năm 2014 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015.

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8/2014. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trên cơ sở những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực đạt được từ đầu năm đến nay, các thành viên Chính phủ bày tỏ lạc quan về mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và mức tăng trưởng cả năm 5,8% như đã đề ra. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, điều hành đạt các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế xã hội chủ yếu trong năm 2015 với tiêu chí cao hơn và bền vững hơn năm nay.

Bày tỏ đồng tình với các đánh giá, nhận định và nhiều đề xuất của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Mặc dù từ đầu năm đến nay trong bối cảnh tình hình rất phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tình hình kinh tế xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực và khá đồng đều trên các lĩnh vực, nhất là khu vực công-nông nghiệp và dịch vụ đều tăng trưởng khá và nền kinh tế ngày càng vững chắc hơn.

Thủ tướng cho rằng, dự báo 12/14 chỉ tiêu kinh tế xã hội đề ra trong năm nay sẽ đạt và vượt. Nếu không chủ quan và tiếp tục nỗ lực tập trung chỉ đạo cụ thể, điều hành quyết liệt thì khả năng đạt các chỉ tiêu đã đề ra là khả thi, nhất là tăng trưởng GDP 5,8%.

Trên tinh thần kiên định các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra với nỗ lực cao nhất để đạt kết quả cao nhất, Thủ tướng yêu cầu trong 4 tháng còn lại của năm nay, các bộ, ngành và đia phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt đồng bộ, đồng thời các biện pháp đã đề ra. Trước hết, tiếp tục tập trung tháo gỡ cụ thể khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, nhất là giảm lãi suất, tăng tổng cầu của nền kinh tế, giải ngân nhanh các nguồn vốn đầu tư, giải quyết nợ xấu gắn với tăng dư nợ tín dụng… nhằm thúc đẩy tăng trưởng, đây là gốc rễ của vấn đề và hoàn toàn trong tầm kiểm soát và điều hành của Chính phủ.

Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường các biện pháp đấu tranh với hàng giả, hàng lậu để bảo vệ và thúc đẩy sản xuất trong nước, trong đó chấm dứt ngay quy định miễn thuế nhập khẩu cho cư dân biên giới mua bán, trao đổi hàng hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng vì trên thực tế quy định này đang bị lợi dụng để buôn lậu công khai.

Tập trung tái cơ cấu đầu tư công

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu ngân hàng thương mại và tái cơ cấu nông nghiệp. Nêu rõ quan điểm “Không chấp nhận doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả,  thua lỗ, tiêu cực”, Thủ tướng yêu cầu từng bộ trưởng, trưởng ngành và lãnh đạo địa phương phải nắm chắc và chỉ đạo cụ thể tái cơ cấu từng doanh nghiệp nhà nước, không chỉ cổ phần hóa mà còn phải đổi mới mô hình quản trị, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực…Thủ tướng cũng lưu ý không tăng biên chế mà chỉ tăng biên chế đối với đơn vị thành lập mới…

Về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng nhà nước dứt khoát, dứt điểm tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém gắn với giải quyết nợ xấu, kiểm soát chặt chẽ các ngân hàng yếu kém và cần thiết thì sáp nhập, giải thể theo đúng pháp luật. Thủ tướng nhấn mạnh“ Chống tham nhũng đối với từng cá nhân là đúng nhưng chống tham nhũng bằng cơ chế mới quan trọng”.

Các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch các địa phương phải quyết liệt chỉ đạo rà soát và kiên quyết cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết nhằm tạo ra động lực để thúc đẩy sản xuất, đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.Đồng thời hoàn thiện thể chế, tạo cơ chế, chính sách thông thoáng, thuận lợi theo kinh tế thị trường và bối cảnh hội nhập kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Xã hội nào cũng phải quản lý nhà nước.Quản lý nhà nước bằng pháp luật, bằng chiến lược bằng quy hoạch mà cụ thể là bằng quy hoạch mà bây giờ quy hoạch của mình loạn xạ, chất lượng quá thấp, tốn quá nhiều tiền mà gây phiền phức, cản trở đủ thứ, tốn kém chi phí… Quy hoạch loạn xạ thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm tham mưu tổng hợp cho Chính phủ tập trung làm quy hoạch cho đất nước làm sao cho khả thi. Bây giờ cả nghìn loại quy hoạch thì dẹp bớttrong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa thì quy hoạch ở mức nào thôi…

Phấn đấu giảm thêm 10% đấu thầu giá thuốc

Cùng với tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý các bộ, ngành liên quan và các địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác giảm nghèo bền vững, nhất là đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số bằng các cơ chế, chính sách thiết thực gắn liền với cuộc sống dân sinh của người dân…

Bộ Y tế tiếp tục đề xuất và áp dụng các quy định để giảm thêm 10% đấu thầu giá thuốc, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, đồng thời có phương án để tăng thêm dự trỡ máy thở phục vụ công tác phòng chống các bệnh dịch…

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ mục tiêu tổng quát là phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, tính toán kỹ mức tăng trưởng cao hơn năm 2014 vào khoảng 6,2%, kiểm soát lạm phát tương đương năm 2014 khoảng 5%, thu ngân sách cao hơn, bội chi ngân sách khoảng 5% nhưng vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và an toàn nợ công, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,7 – 2%, riêng các huyện đặc biệt khó khăn giảm 4 % tỷ lệ hộ nghèo…

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Chính phủ hoàn thiện báo cáo để trình Trung ương và Quốc hội.

Thí điểm đổi mới cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đại học

Một trong những nội dung nhận được sự chú ý và đồng tình của các thành viên Chính phủ trong phiên họp lần này là Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2014-2017 đối với 4 trường đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo gồm: Đại học Kinh tế Quốc dân; Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Ngoại thương và Đại học Hà Nội.

Đề án xây dựng theo hướng Nhà nước trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm một cách đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính và thực hiện có lộ trình việc xóa bỏ bao cấp qua giá, phí dịch vụ. Đây là chủ trương đúng đắn phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và cũng đã được thí điểm một thời gian tại 4 trường đại học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũngnêu rõ, các trường cao đẳng, đại học công lập khác nếu thấy đủ điều kiện có thể lập đề án để thẩm định, xem xét cho áp dụng cơ chế thí điểm tự chủ. Đồng thời lưu ý trong quá trình soạn thảo đề án, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm rõ hơn vai trò quản lý nhà nước đối với các trường đại học này.

“…Đi liền với giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm không có nghĩa là không có quản lý nhà nước và quyền quản lý nhà nước có thể dừng anh ngay nếu anh làm không đúng, không có buông lỏng. Điều đó thể hiện ở chỗ: Một là, cho tự chủ, nhưng phải có đề án. Thứ hai, giao quyền đi liền với những tiêu chí, quy chế, đơn vị được  quyết nhưng quyết trên cơ sở tiêu chí đó. Ba là, phải kiểm tra, giám sát, thanh tra, nếu phát hiện không đúng đề án, không đúng phép và làm trái luật thì phải dừng. Bốn là, đối với người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số không bị gạt ra ngoài. Học giỏi được học bổng, đối tượng chính sách được miễn giảm…”.

Cũng trong phiên họp Chính phủ thường ký tháng 8, các thành viên Chính phủ cũng đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào Phương án phát hành Trái phiếu quốc tế của Chính phủ; Cơ chế ưu đãi đối với cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ đặc biệt; Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và một số vấn đề quan trọng khác…/.

Thành Chung – Tiến Cường/VOV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *