(kontumtv.vn) – Áp dụng mô hình đối tác công – tư (PPP) được đánh giá sẽ góp phần gia tăng hiệu quả xúc tiến thương mại cho hàng Việt.

Vận dụng mô hình hợp tác đối tác công – tư (PPP) được đánh giá sẽ không chỉ góp phần giảm chi từ ngân sách nhà nước mà còn tăng hiệu quả xúc tiến thương mại, phát triển thị trường cho hàng Việt Nam.

Đối tác tư nhân – nhà nước đang là một xu hướng

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, với mục đích tăng cường nguồn lực để thực hiện các dự án phát triển của nhà nước trong quá trình cải cách khu vực công; đồng thời là một giải pháp tích cực lôi cuốn khu vực tư nhân tham gia cùng nhà nước nhằm giảm áp lực chi ngân sách cho các dịch vụ công của Chính phủ, hiện nay, rất nhiều nước trên thế giới đã và đang triển khai thành công hình thức hợp tác công – tư. Các chuyên gia kinh tế khẳng định, quan hệ đối tác tư nhân – nhà nước hiện đang là một xu hướng trên thế giới và Việt Nam đang nằm trong xu hướng đó.

hop tac cong – tu tang hieu qua xuc tien thuong mai cho hang viet hinh 0
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa phát biểu tại hội thảo “Tăng cường hợp tác công – tư” vừa diễn ra ở Hà Nội. 

Tại Việt Nam, chương trình đối tác công tư cũng đã và đang được vận dụng linh hoạt trong nhiều lĩnh vực và được thể hiện thông qua nhiều văn bản pháp luật như: Quyết định số 71/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác Công – Tư, có hiệu lực từ ngày 15/01/2011; Nghị định số 15/2015 ngày 14/02/2015 về đầu tư theo hình thức PPP, và gần đây nhất là Nghị quyết số 35/2016 ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Trong những năm qua, Bộ Công Thương cùng với các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác Công – Tư nhằm hỗ trợ cho các hiệp hội doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, khuyến công quốc gia, khoa học công nghệ…

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ Trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, sự tham gia gắn kết giữa nhà nước và khu vực tư nhân không chỉ chia sẻ nhưng lợi ích mà còn giảm bớt những rủi ro trong quá trình triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của nhà nước, đồng thời giảm bớt những áp lực chi ngân sách nhà nước, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Thông qua mô hình hợp tác công tư, các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được với các chủ trương, chính sách hỗ trợ của nhà nước để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, mở rộng và phát triển mạng lưới kinh doanh.

Chứng minh đánh giá này, bà Nga dẫn cụ thể: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một trong những giải pháp quan trọng để góp phần thúc đẩy phát triển thị trường trong nước bền vững qua việc phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc; động viên các doanh nghiệp sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu góp sức giải quyết những khó khăn, bảo đảm sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước.

Để thực hiện việc đó, “vai trò liên kết hợp tác công tư trong việc tổ chức triển khai chương trình của Chính phủ là rất quan trọng, góp phần phát triển thị trường trong nước”- bà Nga nhấn mạnh.

PPP giúp “tăng sải cánh” cho hàng Việt

Từ thực tiễn áp dụng mô hình đối tác công – tư hiệu quả, bà Mai Thị Thuỳ, Chủ tịch Hội Nữ doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp trong Hội chủ yếu trực tiếp sản xuất hàng tiêu dùng đa ngành nghề như: may mặc, da giầy, thêu zen, dệt len, gốm sứ, thủ công mỹ nghệ, tranh thêu, in ấn, bao bì, cơ khí… và các doanh nghiệp thương mại dịch vụ khác. Nhờ áp dụng hợp tác công – tư mà nhiều doanh nghiệp có điều kiện tham gia hội chợ quốc tế, đi xúc tiến thương mại tại nước ngoài. Kết quả là sau mỗi chuyến đi, 100% doanh nghiệp giới thiệu được hàng hoá với khách hàng, 10% doanh nghiệp tìm được đối tác và ký hợp đồng ngay tại hội chợ.

hop tac cong – tu tang hieu qua xuc tien thuong mai cho hang viet hinh 1
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã áp dụng hiệu quả mô hình đối tác công – tư trong phát triển thị trường cho sản phẩm hàng Việt.

Còn đối với thị trường trong nước, chẳng hạn như chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Chương trình đưa hàng về nông thôn… thì Hội đã hợp tác được với cơ quan quản lý thị trường ở cấp Bộ và Sở cùng doanh nghiệp tổ chức các phiên chợ và hội nghị giao thương để doanh nghiệp giới thiệu hàng hoá, mở đại lý phân phối hàng tại nhiều tỉnh.

Cách làm này, theo nhiều chuyên gia, rất hiệu quả thiết thực, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn hạn chế rõ về quy mô, nguồn lực, kinh nghiệm phát triển thị trường… Nhờ tham gia đối tác công – tư, DNNVV có thể được hỗ trợ, hợp lực cả về nguồn lực, kỹ năng để phát triển thị trường cho sản phẩm của mình.

Ngày 16/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, trong đó nhấn mạnh mục tiêu thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển. Để thực hiện được các mục tiêu trên, trong xu thế toàn cầu hóa mạnh mẽ hiện nay, quan hệ giữa Chính phủ và doanh nghiệp cần được đẩy mạnh lên thành quan hệ đối tác. Bởi doanh nghiệp chính là những đầu mối có thể tiếp cận nhanh nhất với các thành tựu phát triển toàn cầu, làm chủ công nghệ để đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Quan hệ đối tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp cũng sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội ứng dụng sản xuất, kinh doanh trên thị trường Việt Nam và phát triển ra thị trường quốc tế. Chính phủ và doanh nghiệp cùng bàn bạc trao đổi để cùng sáng tạo, ứng dụng và làm chủ các công nghệ cốt lõi cho sự phát triển của đất nước.” –Ông Nguyễn Hồng Phong, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương.

Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga đánh giá, thông qua PPP, các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng hơn khi tiếp cận chủ trương, chính sách hỗ trợ của nhà nước thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, mở rộng và phát triển mạng lưới kinh doanh, vừa phát huy nguồn lực, sự hiểu biết của mình vào xúc tiến thương mại cho sản phẩm. Đồng thời, hợp tác công tư sẽ thuận lợi hơn trong việc đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng bán hàng, phân phối hàng hóa, xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp…

Bởi vì hiện nay, để hàng Việt đứng vững và nhiều thị phần ngay tại thị trường trong nước, theo bà Nga, thì còn nhiều việc phải làm và đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và có sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân. Thực tế kết quả bước đầu thời gian qua về hợp tác công – tư trong việc kết nối, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng được đánh giá là hiệu quả và được cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, hiện việc hợp tác công – tư trong phát triển thị trường cho hàng Việt, theo bà Nga, còn trở ngại. Đó là nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung sản xuất mà chưa chủ động tiếp cận thông tin về các chương trình, chưa đón nhận được sự hỗ trợ và khó khăn về nguồn vốn và kinh nghiệm quản lý, bán hàng. Tới đây, Chiến lược phát triển thương mại của Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 được hoàn thiện sẽ nhằm tổ chức lại thị trường trong nước, mở rộng sự tiếp cận và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nội.

Như vậy, gắn với việt phát triển thị trường cho hàng Việt, rõ ràng áp dụng một cách bài bản mô hình đối tác công – tư thì sẽ đạt được nhiều lợi ích quan trọng. Đó là nhà nước giảm áp lực chi ngân sách đầu tư mà vẫn phát triển thị trường, xúc tiến thương mại hiệu quả hơn cho hàng Việt; doanh nghiệp thì có thêm nhiều cơ hội, kiến thức, kỹ năng phát triển thị trường cho sản phẩm; nhà nước và doanh nghiệp cùng “tự tin hơn” và “khỏe hơn” để làm tăng năng lực cạnh tranh cho hàng Việt mở rộng chiếm lĩnh thị phần trong nước và quốc tế./.

Xuân Thân/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *