(kontumtv.vn) – Nhiều kẽ hở trong việc quản lý đã khiến nhiều cảng biển ở Việt Nam đang ngập trong hàng nghìn container phế liệu “vô chủ”.

Như đã đề cập ở bài trước, hiện có hàng nghìn container hàng phế liệu nhập khẩu “vô chủ” tồn đọng tại cảng biển Việt Nam gây nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của đơn vị kinh doanh cảng, tuy nhiên, lực lượng chức năng vẫn lúng túng trong khâu xử lý.

Vẫn còn kẽ hở trong chính sách

Tại điểm b Khoản 6 Điều 58 Luật Hải quan quy định: “Đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.”

khong xu nghiem vi pham, viet nam se thanh bai thai phe lieu hinh 1
Hàng nghìn container phế liệu “vô chủ” đang khiến Việt Nam có nguy cơ thành bãi rác phế liệu.

Tại điểm c khoản 2 Điều 14 của Thông tư 203/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định: “Riêng đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, chủ hàng, chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam”.

Tuy nhiên, theo đại diện Tổng cục Hải quan, hiện đã có quy định trách nhiệm chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền phải thực hiện vận chuyển hàng hóa tồn đọng gây ô nhiễm môi trường ra khỏi lãnh thổ Việt Nam nhưng chưa có quy định về chế tài xử phạt khi không thực hiện trách nhiệm nêu trên.

Bên cạnh đó, hiện còn nhiều vướng mắc trong việc quản lý phế liệu nhập khẩu. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho biết, khó khăn nhất là phát hiện hành vi gian lận vì đây là mặt hàng đặc thù, theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phải lấy mẫu ở 4,5 điểm trong 1 container hàng.

“Muốn lấy được mẫu thì cơ quan hải quan và các đơn vị liên quan phải mở tất cả các container. Nhưng nếu làm vậy, cảng không còn chỗ mà lấy mẫu và doanh nghiệp (DN) cũng không thể xếp hàng lại vào trong container sau khi kiểm tra. Việc này dẫn đến rủi ro trong việc xác định hàng có đủ chất lượng hay không”, ông Thành cho hay.

Ngoài ra, cơ quan hải quan cũng gặp khó trong việc phát hiện doanh nghiệp nào là doanh nghiệp thực sự được Bộ TN&MT cấp giấy chứng nhận nhập khẩu nguyên liệu phế liệu để sản xuất.

Theo ông Mai Xuân Thành, năm 2017, có 254 DN được cấp phép nhập khẩu phế liệu, 6 tháng năm 2018 có 240 doanh nghiệp nhưng đây mới chỉ là các doanh nghiệp do Bộ TN&MT cấp phép. Chưa kể, Sở TN&MT các địa phương cũng có thẩm quyền cấp phép nhập khẩu phế liệu. Trong khi đó, Thông tư 41/2015/TT-BTNMT quy định chỉ cần bản sao chứng thực xác nhận là đủ điều kiện nhập khẩu và một bản photo giấy thông báo lô hàng để thông quan nên dẫn tới kẽ hở DN lợi dụng để làm giả giấy tờ và vi phạm các quy định về nhập khẩu phế liệu.

“Ngày 27/7, chúng tôi đã đăng tải trên website danh mục các DN đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất trên cơ sở số liệu của Bộ TN&MT với hơn 200 DN. Nhưng trao đổi với Bộ TN&MT thì danh sách này còn thiếu những DN được Sở TN&MT phê duyệt. Do đó, cơ quan cảng, hải quan, đại lí vận tải khó khăn xác định đơn vị nào đủ điều kiện nhập phế liệu”, ông Thành cho biết.

Cần chế tài mạnh để xử lý vi phạm

Nhằm đảm bảo vệ môi trường, không để Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới, Tổng cục Hải quan đang chuẩn bị trình Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về chế tài xử phạt đối với trường hợp chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền khi không thực hiện vận chuyển hàng hóa gây ô nhiễm môi trường ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo quy định tại Điều 58 Luật Hải quan năm 2014. Ngoài ra, Tổng cục Hải quan sẽ nghiên cứu, trình Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ về việc hạn chế nhập khẩu mặt hàng phế liệu, tiến tới là cấm nhập khẩu phế liệu.

khong xu nghiem vi pham, viet nam se thanh bai thai phe lieu hinh 2
Các lô hàng phế liệu phát hiện không đáp ứng các điều kiện quy định về bảo vệ môi trường sẽ phải tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Trước tình trạng nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam thời gian qua diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, mới đây, Chính phủ đã yêu cầu điều tra, xử lý, truy đến cùng các container phế liệu đã vào Việt Nam mà không có người nhận, chiếm không gian lớn tại các cảng. Mặt khác, làm rõ nguyên nhân, khởi tố một số vụ vi phạm luật môi trường, nhập khẩu phế liệu trái phép vào Việt Nam để răn đe. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu rà soát lại tất cả các giấy phép còn hạn ngạch, đặc biệt là không cấp mới giấy phép doanh nghiệp nhập phế liệu.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, trước mắt chưa thể cấm ngừng 100% với việc nhập khẩu phế liệu nhưng phải có chiến lược sử dụng.

“Chúng ta đang tìm cách ngăn chặn, tất nhiên những hàng đã vào Việt Nam thì sẽ có những bước xử lý tiếp, còn vấn đề cấp bách là cần tìm những biện pháp để ngăn chặn lượng hàng tiếp tục đổ về Việt Nam. Đây là xu thế trở nên hiện hữu và đe dọa lớn nếu chúng ta không làm kịp thì sẽ còn đem lại hậu quả lớn hơn nữa”, ông Hải nhấn mạnh.

Ông Trần Thanh Hải cho rằng, cần xem xét tính cấp thiết của việc nhập khẩu phế liệu trong mối tương quan với khả năng gây ô nhiễm môi trường, nếu không có công nghệ xử lý an toàn thì không cho phép nhập khẩu. Đặc biệt, nếu chủ tàu nào gian lận trong nhập khẩu phế liệu thì sẽ cương quyết xử lý.

Đại diện Tổng cục Hải quan, ông Mai Xuân Thành cũng khẳng định: “Nhà nước không chi tiền để xử lý những container tồn đọng. Tất cả mặt hàng phế liệu không đủ điều kiện, có khả năng gây ô nhiễm môi trường sẽ buộc phải tái xuất, dù doanh nghiệp nhập khẩu có giấy chứng nhận của Bộ TN&MT hay không”.

Hiện Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đang triển khai kế hoạch điều tra, xác minh, xử lý vi phạm trong hoạt động nhập khẩu phế liệu. Theo đó, sẽ tổ chức điều tra, xác minh thật kỹ tất cả các trường hợp có dấu hiệu nghi vấn trong hoạt động nhập khẩu phế liệu từ tháng 1/2016 đến hết tháng 5/2018 và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, tập trung vào đấu tranh làm rõ các hành vi vi phạm làm giả giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu, sửa chữa thời gian thực hiện, khối lượng, chủng loại phế liệu được xác nhận nhập khẩu, làm giả, sửa chữa thông báo nhập khẩu phế liệu của các cơ quan có thẩm quyền./.

 

Cẩm Tú/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *