(kontumtv.vn) – Mức tăng bình quân 15,1% và đang nhận được ý kiến từ nhiều phía, bao gồm người lao động, doanh nghiệp và chuyên gia.

Hội đồng tiền lương Quốc gia đã thống nhất chọn phương án tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2015 tăng từ 300.000 đến 400.000 đồng tùy theo vùng để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Mức tăng bình quân 15,1% và đang nhận được ý kiến từ nhiều phía, người lao động, doanh nghiệp và chuyên gia.

Theo chị Nguyễn Thị Phương Thoa, công nhân Công ty lông vũ Phương Nam, tỉnh Hưng Yên, việc tăng lương tối thiểu vùng lên 15,1% vào năm tới là tín hiệu tốt nhưng cũng khó cải thiện cuộc sống gia đình chị cũng như nhiều công nhân khác.

Hiện với công việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hiện nay chị được công ty trả lương 4.600.000 đồng. Đây là mức lương đã cao hơn mức lương tối thiểu do nhà nước quy định, nhưng trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, vợ chồng chị với đứa con hơn 3 tuổi còn gặp khó khăn, do quá nhiều khoản chi phí như tiền thuê nhà, tiền điện, nước, nên chưa có tích lũy.

Mặc dù lương tăng không nhiều nhưng cũng phần nào giúp giảm bớt khó khăn của người lao động (Ảnh: KT)

Chị Nguyễn Thị Phương Thoa chia sẻ: “Bây giờ kinh tế khó khăn chung, không phải mình công ty mình khó khăn nên không thể đòi hỏi. Tăng lương lên bao nhiêu thì sẽ cố điều chỉnh mức chi tiêu của gia đình cho hợp lý trong mức lương đó.”

Còn chị Nguyễn Thị Huệ, công nhân Công ty Canon (Khu công nghiệp Bắc Thăng Long-Hà Nội) cho biết, mức lương hiện tại của chị là 3.400.000 đồng/tháng. Lương tối thiểu năm 2015 tăng không nhiều nhưng cũng phần nào giảm bớt khó khăn của người lao động, đặc biệt là những lao động phải thuê nhà trọ như chị.

Đồng tình với việc tăng lương tối thiểu mà Hội đồng tiền lương Quốc gia vừa đưa ra, bà Trần Bích Ngọc, Tổng giám đốc Công ty Number One Hà Nam, Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho rằng, doanh nghiệp phải cố gắng giữ chi phí để không ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Do vậy, công ty bày tỏ mong muốn Nhà nước sẽ hỗ trợ, bù đắp một phẩn khoản chi phí ở các công đoạn như lãi vay, thuế để đảm bảo doanh nghiệp có đủ sức để cạnh tranh không chỉ về kỹ thuật mà còn cả về vốn.

Ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc điều hành Công ty may Bắc Giang, cho biết: Hiện công ty đang áp dụng mức lương tối thiểu vùng khu vực 3 là 2.100.000 đồng/tháng/người. Do công ty trả lương theo sản phẩm, bình quân hơn 4 triệu đồng/người nên người lao động không bị ảnh hưởng nhiều.

“Đối với các doanh nghiệp, khi tăng lương thì chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Tôi nghĩ với mức tăng khoảng 15% là mức tăng doanh nghiệp có thể tìm cách thích nghi và đáp ứng được. Đã là chính sách thì không thay đổi. Doanh nghiệp không có cách nào mà chỉ có thể tìm cách giảm chi phí, tiết kiệm chi phí, giảm lợi nhuận để đảm bảo chính sách theo quy định của Nhà nước đối với người lao động. Đồng thời, lương của người lao động chỉ tăng chứ chắc chắn là không có giảm”, ông Tứ nhận định.

Còn theo ý kiến nhiều chuyên gia, trong điều kiện hiện nay, mức lương tối thiểu vùng cho năm 2015, tăng từ 300.000 đến 400.000 đồng mà Hội đồng Tiền lương Quốc gia đưa ra về cơ bản đã dung hòa được đề xuất của các bên trong điều kiện kinh tế xã hội đất nước cũng như điều kiện của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp nhiều khó khăn.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thực tế có nhiều doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh đã trả mức lương cao hơn mức lương tối thiểu nhưng cũng có đại bộ phận doanh nghiệp vừa và nhỏ trả mức lương thấp hơn. Với mức lương này thì nhiều lao động giải quyết được khó khăn trong tình hình kinh tế của chúng ta vẫn còn khó khăn trong sản xuất chung. “Đối với cá nhân tôi thì tôi nhận thấy đây là một yếu tố để kích thích người lao động sẽ có động lực hơn, yên tâm về đời sống và tiếp tục tham gia sản xuất. Chúng ta sản xuất tốt thì mức lương đạt được sẽ như mong muốn”, ông Tuấn nói./.

Kim Thanh/VOV – Trung tâm Tin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *