(kontumtv.vn) Để thực hiện chiến lược “Make in Vietnam,” cần rất nhiều quyết tâm của các doanh nghiệp Việt, cần tập trung vào 2 điều: Cam kết chất lượng và giữ uy tín.

Xung quanh vấn đề xây dựng thương hiệu Việt và xóa những rào cản, báo điện tử Vietnamnet đã có cuộc phỏng vấn với ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký HH thương mại điện tử, CEO Công ty CP Công nghệ Sapo.

– Quan niệm sinh hàng ngoại và người Việt không thể làm được cái gì gây áp lực lớn với các doanh nghiệp Việt, ông đánh giá thế nào về điều này?

Điều đầu tiên, tôi phải khẳng định rằng người Việt không thua kém bất cứ đất nước nào khác về trình độ và khả năng sáng tạo. Quan niệm sính ngoại ở một góc độ nào đó cũng là điều dễ hiểu, giống như câu nói “bụt chùa nhà không thiêng” vậy. Tuy nhiên, nếu nói cách đây khoảng 5-10 năm trở về trước thì quan niệm sính ngoại sẽ phổ biến hơn. Bây giờ, với sự phát triển của nhiều thương hiệu Việt ra tầm quốc tế, thì khoảng cách này cũng được xích gần lại.

Còn nói về áp lực với các doanh nghiệp Việt thì tôi không nghĩ như vậy, việc khẳng định đó là ‘áp lực’ chỉ khi các doanh nghiệp Việt chưa chú trọng tập trung tạo ra những sản phẩm làm hài lòng khách hàng và xây dựng thương hiệu đủ mạnh.

Thương hiệu nước ngoài có lợi thế họ nhất quán được từ lời hứa thương hiệu tới trải nghiệm tạo ra cho khách hàng, nên họ tiếp tục giữ được lòng tin của khách hàng. Thử hỏi một thương hiệu nước ngoài vào Việt Nam nhưng thái độ phục vụ của họ lại không như kỳ vọng thì khách hàng có ‘cố đấm ăn xôi’ để yêu thích thương hiệu đó cho bằng được không?

Make in Vietnam, người Việt không thua kém ai khả năng sáng tạo
Ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký HH thương mại điện tử

Ngược lại, nếu thương hiệu Việt biết cách xây dựng hình ảnh của mình, nhất quán với trải nghiệm về dịch vụ, luôn trân trọng khách hàng, có tầm nhìn như vậy thì tôi tin khách hàng dù khó tính đến mấy, có sính hàng ngoại đến mấy cũng sẽ có thiện cảm với thương hiệu này. Chưa kể, việc biết rõ nguồn gốc xuất xứ, và niềm tự hào dân tộc sẽ giúp họ cảm thấy yên tâm hơn về sản phẩm.

– Để vượt qua các rào cản trên, theo ông doanh nghiệp cần phải làm gì?

Tôi tin với một thương hiệu Việt, sản phẩm Việt chỉ cần chất lượng tốt, đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng, dần dà sẽ chiếm được cảm tình của người Việt.

Doanh nghiệp Việt đang có khá nhiều lợi thế so với doanh nghiệp nước ngoài đặc biệt là sự thấu hiểu tâm lý, hành vi của người Việt.

– Thế giới từng có “Make in” theo từng phiên bản nhất định. Nhật hay Hàn họ đều phải đi lên từ nội lực tư những doanh nghiệp trong nước, Việt Nam có nên học theo họ hay không?

Câu chuyện của Nhật, Hàn là những câu chuyện của hàng thập kỷ về trước. Với tốc độ phát triển và mọi thứ thay đổi chóng mặt như hiện nay, nếu chỉ là học theo sau thôi là không đủ, có khi vừa ra mắt đã trở nên lỗi thời.

Nên không thể chỉ thuần túy là học theo, mà còn phải tận dụng được sức mạnh của những bộ máy thiên tài trên thế giới, kết hợp lại trong một thế giới phẳng… mới mong mang tới được một sản phẩm, thương hiệu có tầm nhìn ra khỏi biên giới Việt Nam.

Make in Việt Nam là chiến lược dài hơi, cần sự quyết tâm cao độ của cả cơ quan quản lý và các doanh nghiệp Việt. Mỗi đất nước, giai đoạn sẽ cần cách làm riêng phù hợp và Việt Nam hôm nay nên có “Make in” theo phiên bản của mình. Đi sau một chút đôi khi lại có nhiều cái lợi nếu biết chọn lọc, kế thừa và phát huy.

– Thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp trong nước đã có những sản phẩm công nghệ thể hiện khát vọng khẳng địng thương hiệu Việt, theo ông đánh giá thế nào về những thành công ban đầu như vậy?

Tôi nghĩ đây là điều sớm hay muộn mà thôi. Đã đến lúc thương hiệu Việt cần vươn vai bục “lớp áo sờn vải” để làm chủ công nghệ nước nhà và xa hơn là vươn tầm ra thế giới. Có thể mất đến vài chục năm chỉ để bước những bước đi đầu tiên nhưng sẽ chẳng mấy chốc đi ngày càng nhanh càng xa. Tôi luôn có niềm tin ở những thương hiệu Việt sẽ thành công như vậy.

Các DN thành công chúng ta phải xuất phát từ chính những nhu cầu của những doanh nghiệp. Chúng ta có nhiều lợi thế để hiểu rõ khách hàng của mình đang và sẽ cần điều gì.

– Make in Vietnam sẽ mãi chỉ là một giấc mơ kỳ vĩ nếu chúng ta không quyết tâm cao. doanh nghiệp cần tập trung vào vấn đề gì để có những bước đi vững chắc?

Đương nhiên, để thực hiện chiến lược “Make in Vietnam,” cần rất nhiều quyết tâm của các doanh nghiệp Việt, trong đó theo tôi cần tập trung vào 2 điều: Cam kết chất lượng và giữ uy tín.

Thay vì cho rằng tâm lý sính ngoại và nêu cao ngọn cờ ‘người Việt Nam dùng hàng Việt Nam’, điều đó không giải quyết được gốc vấn đề. Quan trọng vẫn là nương theo tâm lý, thị hiệu, xu hướng của người dùng họ đang quan tâm tới điều gì, thì doanh nghiệp cần ‘tranh thủ’ tận dụng cơ hội để thuyết phục họ trước.

Sau sự thu hút đó, việc giữ họ bền vững vẫn là sản phẩm được thiết kế thân thiện với người dùng, cả về thiết kế, chất lượng, sự cam kết, và quá trình đồng hành cùng khách hàng.

– Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ gì từ phía cơ quan quản lý?

Doanh nghiệp cần những định hướng, sự đơn giản hóa quy trình, tạo điều kiện hết sức có thể cho các sản phẩm 100% của người Việt phát huy thế mạnh của mình.

Duy Anh/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *