(kontumtv.vn) – Khác với vẻ ngoài hoang tàn, bên trong các dự án nông nghiệp ở Măng Đen đang sôi sục sóng ngầm cho thuê, sang nhượng, thậm chí là bán đất dự án…

Như đã đề cập trong bài viết trước về nghịch lý phá sản trên ngôi vị nhất thế giới của những thủ phủ hồ tiêu, thủ phủ cà phê Tây Nguyên, hiện nhà nông nơi đây vẫn đang không đủ lực tìm ra hướng đột phá. Việc huy động doanh nghiệp, hợp tác xã để dẫn đường cho nông dân, được coi là chìa khóa mở ra kho báu nông nghiệp Tây Nguyên. Tuy nhiên, gần 20 năm qua, khi Tây Nguyên thu hút hàng trăm doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào nông nghiệp, tình hình vẫn chưa được cải thiện.

Trong bài viết này, VOV tiếp tục đề cập vấn đề “Khi doanh nghiệp làm nông như làm xiếc”, phân tích những yếu tố dẫn tới thất bại của các doanh nghiệp này, khiến tiềm năng nông nghiệp Tây Nguyên tiếp tục bị lãng phí.

nong nghiep tay nguyen: khi doanh nghiep lam nong nhu lam xiec hinh 1

Advertisement

Bên ngoài dự án Măng Đen

Là vùng đất quý với khí hậu quanh năm mát mẻ, cao nguyên Măng Đen nói riêng và huyện Kon Plông nói chung được Kon Tum xác định là vùng trọng điểm rau hoa, nông nghiệp giá trị cao của tỉnh. Còn nguyên sự tinh khiết của thiên nhiên, Măng Đen hứa hẹn sẽ sản xuất ra những nông sản an toàn hoàn hảo. 49 dự án, 1.400ha đất, tổng vốn đăng ký trên 1.600 tỷ đồng, tưởng sẽ là nguồn lực mạnh mẽ đánh thức vùng đất vàng Măng Đen. Thế nhưng thực tế diễn ra trái ngược. Măng Đen hôm nay xơ xác nhất, chính là phần đất ở các dự án, với những dây cà chua chết khô, những nhà màng hoang lạnh, những triền đồi lở lói

Cũng như nhiều người dân địa phương, ông Trần Xuân Ngọc rất bức xúc khi doanh nghiệp chỉ ủi đất rồi bỏ không, hoặc chỉ đầu tư trồng cây một cách đối phó.

“Người ta đối phó bằng cách nào? Cây ăn quả đó. Bây giờ người ta trồng từ rau hoa ra cây ăn quả. Không đúng mục đích ban đầu đề ra. Một phần đó, một phần nữa là san ủi cho sạch sẽ. Cứ cỏ lên cao là san ủi. Đất ở đây thì không thể gọi là bỏ hoang được tại vì san ủi sạch sẽ làm sao bỏ hoang?”, ông Ngọc nói.

Khác với vẻ ngoài hoang tàn, bên trong các dự án nông nghiệp ở Măng Đen đang sôi sục sóng ngầm cho thuê, sang nhượng, thậm chí là bán đất dự án. Một chủ đầu tư xin không nêu tên, phân tích: Việc đầu cơ dự án diễn ra phổ biến hơn đầu tư nông nghiệp, bởi nông nghiệp là lĩnh vực gian nan, nhiều rủi ro. Còn đầu cơ, bán sang tay, sẽ thu được lợi nhuận nhanh và nhiều.

“Tài chính bị thiếu làm cũng ít. Thiếu nhân sự thì làm cũng không được. Về điều kiện cơ sở vật chất thì có đất nhưng mà không có điện, đường đi khó khăn. Cũng có nhiều người muốn giữ đất, rao bán đất. Miếng đất của người ta rao bán vài tỷ đến vài chục tỷ, chục ha trở lên. Một ha cỡ 700 triệu đến 1 tỷ đồng”, vị chủ đầu tư nói.

nong nghiep tay nguyen: khi doanh nghiep lam nong nhu lam xiec hinh 2
Một dự án bán đất cho người dân làm nhà ở.

Bên cạnh các doanh nghiệp làm xiếc kiểu như ở Măng Đen, xí phần hàng nghìn ha đất và đất rừng, rồi đầu tư nhỏ giọt, chờ bán kiếm lời, nông nghiệp Tây Nguyên thu hút nhiều doanh nghiệp thừa tham vọng thiếu thực tế. Khi có chủ trương chuyển đổi 100 nghìn ha rừng nghèo sang trồng cao su, các doanh nghiệp gạt bỏ tất cả khuyến cáo khoa học. Họ cho rằng cao su vừa là cây dễ trồng vừa cho lợi nhuận cao, nên quyết đầu tư bằng mọi giá, dùng suất đầu tư cao để cưỡng ép tự nhiên. Nhưng thực tế không thể có cây nào dễ trồng-nhiều lợi nhuận, chẳng có sự cưỡng ép nào tạo nên bền vững.

Ông Lê Quang Trương, Phó Tổng giám đốc công ty Cổ phần Cao su Chư Sê, tỉnh Gia Lai thừa nhận, cao su rừng nghèo là một thất bại lớn. “Đa số diện tích chết rồi không phù hợp được. Mà nếu để lại để thực hiện khai thác thì không khai thác được, tại vì manh mún, nhỏ lẻ, cự ly như thế thì công nhân không thể khai thác được”, ông Trương nói.

Cùng với ảnh hưởng tiêu cực từ hàng trăm đại dự án nông-lâm nghiệp méo mó, nông nghiệp Tây Nguyên còn dính thêm nọc độc từ những hành vi đầu tư mang tính lừa đảo và những liên kết vô trách nhiệm. Từ 2013 đến nay, tỉnh nào cũng xuất hiện nhiều doanh nghiệp tư nhân liên kết với nông dân trồng các loại bí, chanh dây không cho quả; đầu tư giống-liên kết trồng gấc, trồng chuối, trồng nghệ, trồng gừng, rồi phủi tay không thu mua, khiến nông dân càng ngụp lặn trong khó khăn…

Theo bà Trần Thị Thủy, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk, chỉ trong 5 năm qua, địa phương đã 3 lần vỡ liên kết với doanh nghiệp trong trồng gấc, trồng chuối và trồng mía, gây thiệt hại kinh tế lớn, tạo cho nông dân sự hoang mang, mất lòng tin và những khoản nợ khó chi trả. Việc quy trách nhiệm trong các đổ vỡ này luôn rơi vào ngõ cụt vì hợp đồng không đủ chặt chẽ. Bà Trần Thị Thủy cho rằng, mời gọi được doanh nghiệp có tâm, có tầm, đang là điều quá khó khăn.

“Đối với Buôn Đôn, chỉ có một mong muốn, đó là có một doanh nghiệp nào đó liên kết đầu tư thật sự. Nông dân không mong chờ họ phải đầu tư cái gì, mà chỉ mong họ liên kết-thu mua sản phẩm, thì người dân đã đỡ khổ lắm rồi. Nhưng đến hiện nay thì cũng chưa có đơn vị nào vào địa phương để thu mua sản phẩm, hoặc đặt một nhà máy sơ chế, giúp đầu ra cho các sản phẩm cơ bản của huyện”, bà Thủy chia sẻ.

nong nghiep tay nguyen: khi doanh nghiep lam nong nhu lam xiec hinh 3
Bên trong dự án Măng Đen

“Trông doanh nghiệp như trời hạn trông mưa” là tình thế của nông nghiệp, nông dân Tây Nguyên lúc này. Nhưng doanh nghiệp nhà nước thì trì trệ, doanh nghiệp tư nhân thì đầu cơ nhiều hơn đầu tư, làm xiếc nhiều hơn làm nông, càng khiến nông nghiệp ở đây thêm rối rắm. Ở nhiều dự án lớn, doanh nghiệp thể hiện tầm nhìn không khác nông dân. Trong thời gian ngắn, họ đã phá cao su trồng cỏ nuôi bò, rồi phá cỏ trồng thanh long, rồi phá thanh long trồng bưởi. Hàng chục nghìn ha cao su, đang được doanh nghiệp xin chuyển đổi, hoặc ngấm ngầm chuyển đổi sang trồng cây ăn trái, đe dọa làm cho cây ăn trái Tây Nguyên cũng rơi vào vỡ quy hoạch.

Tại Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019 do Chính phủ và Ban kinh tế Trung ương vừa tổ chức, một số đại biểu cho rằng, để hạn chế những mặt trái, Nhà nước cần là tâm điểm trong chuỗi liên kết nông nghiệp, làm tốt vai trò kiến tạo, gồm tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, thiết lập luật chơi, trọng tài và chế tài.

Với thực tế cụ thể của Tây Nguyên, vai trò ấy của Nhà nước gồm thu hút những doanh nghiệp có năng lực và trách nhiệm, vun trồng, lan tỏa những doanh nghiệp, hợp tác xã thành công, chế tài doanh nghiệp vụ lợi đất và rừng. Đây là vấn đề cấp bách, có ý nghĩa quyết định trong việc tháo vòng luẩn quẩn, giúp nông nghiệp Tây Nguyên đột phá.

Nông dân Tây Nguyên đang rất cần được doanh nghiệp và nhà nước dẫn đường, để phát triển nông nghiệp một cách chủ động, hiệu quả và bền vững. “Đề cao văn hóa nông nghiệp, khích lệ tinh thần doanh nhân” – bài viết tiếp theo của phóng sự “Nông nghiệp Tây Nguyên tìm động lực cho giai đoạn mới” – sẽ đề cập những điển hình thành công của chuỗi liên kết Nhà nông-nhà doanh nghiệp, phân tích động lực chân chính thúc đẩy các liên kết này thành công bền vững.

Nhóm PV/VOV.VN

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *