(kontumtv.vn) – Lần này Thủ tướng quyết tâm làm mạnh. Nhưng, cũng phải nói thêm, quyết tâm này cũng diễn ra đúng lúc kinh tế Việt Nam khó khăn, như ngân sách tiếp tục đà khó khăn cực kỳ từ năm ngoái.

Tuần Việt Nam tiếp tục cuộc trò chuyện với bà Phạm Chi Lan.

Không CPH chỉ có phá sản

Bà cảm nhận như thế nào về quyết tâm CPH lần này của Thủ tướng?

-Qua cuộc họp vừa rồi (18.2) của Thủ tướng, tôi thấy lần này Thủ tướng quyết tâm làm mạnh. Nhưng, cũng phải nói thêm, quyết tâm này cũng diễn ra đúng lúc kinh tế Việt Nam khó khăn, như ngân sách tiếp tục đà khó khăn cực kỳ từ năm ngoái. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mức độ thua lỗ, nợ nần, càng ngày càng lấn sâu hơn với những con số khủng hơn. Tức là tình thế đã bất khả kháng.

Chính cái tình thế bây giờ không thể làm khác được của nền kinh tế VN khiến tôi tin hơn rất nhiều vào quyết tâm của Thủ tướng.

Hơn nữa, tái cơ cấu DNNN là một phần trong ba mảng tái cơ cấu mà Thủ tướng hay nói nói là ngân hàng, doanh nghiệp và đầu tư công…

-Ba mảng cần tái cơ cấu này lại liên quan chặt chẽ đến nhau. Ngân hàng bị chết bây giờ cũng một phần do DNNN (70% nợ xấu của ngân hàng là do DNNN). Vậy nếu không trị đúng cái nguyên nhân gây ra đống nợ xấu đó thì làm sao tái cơ cấu được?

Đầu tư công kém hiệu quả như vậy cũng một phần rất lớn do những dự án đầu tư công do nhà nước bỏ tiền ra cho DNNN làm. Không cải cách lại DNNN thì không thể nào lành mạnh hóa và tăng hiệu quả được đầu tư công.

Trước khi cổ phần hóa, không nói đến kỷ luật thị trường, kỷ luật nhà nước có được tôn trọng không?

– Về danh nghĩa là có, nhưng trên thực tế là hệ thống nhà nước buông, hoặc không thể giám sát nổi DNNN. Kết quả là các DNNN rất vô kỷ luật. Chính vì vậy đến lúc DNNN đổ vỡ, chúng ta không biết tại ai, như Vinashin.

Nhà nước rót một số tiền khổng lồ vào đó mà không giám sát nổi, QH trách tại sao Kiểm toán Nhà nước không vào, hay Thanh tra Chính phủ vào đến mười mấy lần mà không phát hiện ra sai phạm. Bản thân điều này ẩn chứa một thông điệp kép: DNNN không chịu sự giám sát nghiêm túc của nhà nước, và bản thân nhà nước cho thấy sự bất lực trong giám sát của mình.

Về kỷ luật thị trường thì tất nhiên DNNN không phải tuân thủ, bởi họ đâu có hoạt động theo nguyên tắc thị trường. Họ độc quyền, họ được bảo vệ và che chắn khỏi cạnh tranh cả với trong và ngoài nước.

Cải cách DN, hay CPH, sẽ buộc DN phải áp dụng hệ thống quản trị mới theo chuẩn quốc tế.

kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa
Các DNNN sẽ bị cưỡng chế cổ phần hóa

Những góp ý

Dự hội nghị ngày 18.2 vừa rồi bà thấy những vấn đề gì cần phải tiếp tục làm?

– Tôi nghĩ lần này sẽ phải nhấn mạnh thêm, rằng trong quá trình thực hiện phải xác định tiếp điều 1 trong Đề án Tổng thể về tái cơ cấu kinh tế, yêu cầu định hình lại về vị trí và vai trò của DNNN trong nền kinh tế. Tức là DNNN không thể coi là thứ gì đó siêu việt so với thị trường. DNNN phải được thu hẹp lại, tập trung vào những lĩnh vực nhà nước cần giữ thôi, như nghị quyết các đại hội vẫn nói là các lĩnh vực thiết yếu và an ninh quốc phòng.

Nhà nước cũng phải công bố công khai, đầy đủ và càng sớm càng tốt danh mục các DNNN sẽ CPH, cũng như tỷ lệ phần trăm sẽ được CPH. Có 3 loại được công bố là nhà nước sẽ giữ lại hơn 480 doanh nghiệp về lâu về dài, như Thủ tướng nói, số DN nhà nước giữ lại trên 50% cổ phần và số DN nhà nước giữ lại dưới 50% cổ phần. Tỷ lệ bán ra phải do Nhà nước qui định.

Còn về thẩm định trị giá của DNNN, theo tôi khi phân danh mục sẽ cổ phần hóa cho từng bộ ngành, địa phương thì cũng yêu cầu luôn đơn vị đó mời chuyên gia đưa ra thêm đánh giá.

Các chuyên gia độc lập xưa nay đã được sử dụng chưa?

– Tôi nghĩ là chưa.

Bà có nói đến cơn sốt CPH năm 2006 do thị trường chứng khoán liên tục tăng điểm. Vậy thị trường chứng khoán ở tình trạng cầm chừng hiện nay có ảnh hưởng nhiều đến quá trình CPH không?

-Có. Nếu CPH được tiến hành mạnh mẽ, thì thị trường chứng khoán lại thúc đẩy các DNNN có động lực về kinh tế để CPH và tham gia thị trường.

Việc cổ phần hóa lần này là “cưỡng bức từ trên xuống”, như lời của ông Trần Đình Thiên?

– Việc đặt ra 500 đơn vị sẽ CPH trong 2 năm là cưỡng bức. Và người ta sẽ áp dụng những chế tài điều chuyển công tác đối với lãnh đạo DNNN lần chần.

Theo tôi, lãnh đạo CP phải có một thông điệp, không chỉ cho lãnh đạo DNNN, mà với cả các bộ ngành, địa phương, rằng họ cũng phải chia sẻ trách nhiệm nếu DNNN không CPH được. Vì DNNN có thể nại ý kiến rằng họ đã xin chủ trương, hay định giá tài sản nhưng bộ này, hay cơ quan kia, chưa có ý kiến. Hoặc thực tế là có sự thông đồng với nhau để níu kéo CPH.

Rồi các ban Đảng, Quốc hội cũng phải lên tiếng.

Điểm gì trong kế hoạch đề ra cổ phần hóa 500 DNNN làm bà tin là nó sẽ thành công?

Tôi nghĩ bây giờ nó không còn ảo vọng về DNNN như trước được nữa, đặc biệt là tập đoàn. Thứ hai là nhà nước nếu không CPH thì chỉ có cách tuyên bố phá sản.

Tại Đại hội XI đầu năm 2011 đã đưa ra ý tưởng về tái cơ cấu, tức là thừa nhận sự bất ổn của mô hình đó rồi, nhưng quá trình thực hiện lại quá chậm, ba năm trời chưa làm được gì.

kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa
Bà Phạm Chi Lan. Ảnh Lê Anh Dũng

Kinh nghiệm nước ngoài

Bà có những kinh nghiệm của nước ngoài về CPH, tuy họ có thể gọi theo cách khác, hay không?

CPH của các nước gồm 2 vế, ngoài việc bán ra cổ phần, còn có việc tăng cường năng lực quả trị doanh nghiệp. Vì vậy trong quá trình CPH, hay CPH xong, phải áp đặt được ngay hệ thống quản trị tốt và mới, nếu không lãnh đạo doanh nghiệp CPH vẫn lại là DNNN với ông lãnh đạo vẫn được nhà nước phân công, lại còn nắm thêm cổ phần riêng nữa.

Thứ hai phải tạo thị trường ngay trong quá trình CPH. Chứ ở Việt Nam lâu nay bán cổ phần cho ai xã hội không biết.

Một ý khác là các cổ phần bán được nên thị trường hóa một cách chính thức nhanh chóng, tức là cổ phần mua xong có thể bán luôn, nhất là với cán bộ công nhân viên DNNN. Không bán được chính thức, nhiều khi vì tiền họ lại bán chui cho ông lãnh đạo DN, hoặc kẻ thu gom, họ vừa thiệt mà quá trình CPH biến thành tư hữu hóa.

DNNN và họ được cư xử như các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, bà nghĩ sao?

Tôi rất trông chờ vào điều mà tôi đề nghị từ lâu rồi, rằng muốn CPH nhanh phải thực hiện như sau:

Đầu tiên, lập danh mục rất rõ của Thủ tướng Chính phủ là đến 2010 tôi còn giữ một số lượng 1000 DNNN, trong đó có bao nhiêu giữa 100%, bao nhiêu giữ trên 50% và bao nhiêu dưới 50%; đến năm 2015 nhà nước chỉ có 500 DNNN, trong đó cũng phân chia theo tỷ lệ đó; và đến năm 2020 chỉ còn giữ 250 DNNN…

Đó là cái mốc bắt buộc cho tất cả các DNNN không nằm trong danh sách đó, và phải ra thị trường trong thời gian đó, và nhà nước không nuôi thêm bất cứ ngày nào, và từ đây đến đó nhà nước sẽ giảm dần trợ giúp mỗi năm là 20%, và sau 5 năm là hết trợ giúp. Như vậy, DNNN không thể kêu lên rằng nhà nước “đem con bỏ chợ” bất thình lình.

Với những DNNN còn lại, lãnh đạo chính phủ cũng nên tuyên bố là từ năm này trở đi sẽ áp dụng hệ thống mới về phân bổ nguồn lực, tất các dự án của doanh nghiệp đó phải được đưa ra cạnh tranh, bằng cách tạo ra một sân chơi theo kiểu bất kỳ một dự án nào thì đến vòng cuối cùng phải có ít nhất ba doanh nghiệp thuộc ba thành phần kinh tế khác nhau đấu thầu công khai và minh bạch.

Hay về vốn ngân hàng, cũng tuyên bố rõ ràng rằng từ năm này trở đi chính phủ sẽ bỏ hết bảo lãnh tín dụng cho các DNNN, các ngân hàng tự cho vay, và tự chịu trách nhiệm. Đã tuyên bố như vậy thì hết ngay cái chuyện cho vay ưu đãi một cách vô tổ chức.

QH góp sức vào bằng cách tuyên bố tất cả các dự án đầu tư công thì mọi giám định để phê chuẩn phải trên cơ sở tham vấn người dân địa phương, mời các chuyên gia tham vấn đối với một số dự án nhất định.

Điều này sẽ xóa đi tình trạng nhiều dự án đầu tư công là do DNNN “nhồi” vào, trong sự móc ngoặc với  địa phương. QH có thể khẳng định rằng họ chỉ rót ngân sách cho những dự án có tham vấn người dân và có thẩm định của các chuyên gia tư vấn, có đấu thầu đàng hoàng.

Huỳnh Phan/vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *