(kontumntv.vn) – Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện không thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, cũng không được Quỹ Bảo lãnh tín dụng hỗ trợ. DN cần vốn phục hồi sản xuất kinh doanh mà bế tắc, không biết tìm ở đâu.

Muốn giảm lãi suất sâu hơn

Mới đây, cử tri tỉnh Gia Lai đã gửi kiến nghị tới Ngân hàng Nhà nước, mong muốn cơ quan này chỉ đạo và khuyến khích các ngân hàng thương mại đồng hành, chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua việc giảm lãi suất thêm 2 điểm % trở lên cho nhóm khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo các doanh nghiệp, quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại thời gian qua là tín hiệu tích cực để phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các doanh nghiệp sụt giảm nguồn thu do ảnh hưởng bởi đại dịch thì áp lực về chi phí hoạt động là rất lớn. Do vậy, chính sách ưu đãi tín dụng cần được đẩy mạnh triển khai.

Quẩn quanh chuyện 'biết rồi nói mãi', doanh nghiệp nhỏ bế tắc
Các quyết định giảm lãi suất đến nay chưa có nhiều tác động trên diện rộng

Thực tế, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng thương mại đã công bố chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi 7%/năm (kỳ hạn ngắn). Nhưng các doanh nghiệp nhỏ rất khó được hưởng mức lãi suất này. Họ vẫn phải vay với lãi suất phổ biến trên dưới 10%/năm, thậm chí với những doanh nghiệp cần vốn gấp lãi suất cao hơn nhiều.

Chính vì vậy, các quyết định giảm lãi suất đến nay chưa có nhiều tác động trên diện rộng. Các doanh nghiệp  mong muốn lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 4-5%/năm và lãi suất cho vay dài hạn từ 8-9%/năm.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất cho vay hiện phổ biến ở mức từ 6-9%/năm với kỳ ngắn hạn và từ 9-11%/năm với trung dài hạn. Riêng cho vay ngắn hạn ở các lĩnh vực ưu tiên ở mức 5%/năm. Hiện nay, lãi suất cho vay bình quân của Việt Nam (theo Quỹ tiền tệ quốc tế – IMF) ở mức 7,7%/năm, tương đương Philippines 7,13%/năm và thấp hơn một số nước có trình độ phát triển tương đồng trong khu vực như Indonesia, Mông Cổ, Bangladesh, Ấn Độ, Myanmar,…

Việc giảm lãi suất cho vay thời gian qua chủ yếu là do các ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lương, thưởng, không chia cổ tức bằng tiền mặt,… trong khi vẫn phải trả lãi cho các khoản huy động. Việc hỗ trợ giảm lãi vay cho doanh nghiệp và người dân bị dịch Covid-19 tác động vì thế cũng là một khó khăn của tổ chức tín dụng.

Khó bảo lãnh tín dụng

Ý kiến từ giới chuyên môn cho rằng, Ngân hàng Nhà nước tới đây có thể sẽ có thêm một lần giảm lãi suất điều hành nữa. Lãi suất điều hành giảm sẽ giúp các ngân hàng thương mại có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, mức giảm lãi suất cho vay, dự báo không nhiều như mong đợi.

Muốn giảm lãi suất cho vay thì phải giảm lãi suất huy động. Công ty Chứng khoán SSI đưa ra dự báo, từ nay đến cuối năm, lãi suất huy động có thể giảm tiếp khoảng 0,5-0,7 điểm % ở kỳ hạn dưới 12 tháng và khoảng 0,2-0,3 điểm % ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Quẩn quanh chuyện 'biết rồi nói mãi', doanh nghiệp nhỏ bế tắc
Nhiều doanh nghiệp vừa qua đã tìm đến Quỹ Bảo lãnh tín dụng nhưng tình hình cũng

không sáng sủa hơn (ảnh minh họa).

Một số ý kiến khác cho rằng, lãi suất huy động giảm nhiều nhất thời gian tới chỉ đến mức 1 điểm %. Nếu giảm thấp hơn nữa, người dân sẽ rút hết tiền mặt và tìm kênh đầu tư khác, khi đó thị trường sẽ gặp rủi ro lớn và gây áp lực lên thanh khoản ngân hàng. Vì vậy, dự báo lãi suất cho vay khó giảm mạnh. Chưa kể, các điều kiện cho vay khá chặt chẽ và các ngân hàng đang kiểm soát chặt hoạt động cho vay do lo sợ rủi ro cao.

Hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện không còn tài sản đảm bảo để thế chấp vay vốn ngân hàng. Cùng với đó, lãi suất cho vay cao, thời gian xét duyệt kéo dài và số tiền vay không được như mong đợi. Vì vậy, kênh vay vốn ngân hàng không khả thi. Các doanh nghiệp mong muốn được tiếp cận những khoản vay lãi suất thấp, điều kiện nới lỏng và giải ngân nhanh.

Gặp khó trong tiếp cận ngân hàng, nhiều doanh nghiệp vừa qua đã tìm đến Quỹ Bảo lãnh tín dụng nhưng tình hình cũng không sáng sủa hơn.

Theo quy định, điều kiện để được Quỹ xem xét cấp bảo lãnh là: DN phải có dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay; dự án đầu tư hoặc phương án sản xuất, kinh doanh phải được Quỹ thẩm định và quyết định bảo lãnh; có phương án về vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% tham gia dự án đầu tư; tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, DN không có các khoản nợ thuế từ một năm trở lên và nợ xấu tại các tổ chức tín dụng,…

Trong khi đó, Quỹ Bảo lãnh tín dụng lại hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính, bảo đảm an toàn vốn. Vốn điều lệ của Quỹ tối thiểu là 100 tỷ đồng, do ngân sách tỉnh cấp.

Theo các chuyên gia kinh tế, với việc phải tự chủ về tài chính và bảo đảm an toàn vốn, cũng có nghĩa các quỹ sẽ phải kiểm soát chặt rủi ro để tránh thiệt hại, tránh làm mất vốn. Vì vậy, các quỹ sẽ rất thận trọng trong việc xét duyệt nhu cầu vay của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp  có rủi ro cao sẽ bị loại. Chưa kể, ngân sách địa phương không có nhiều để cấp cho Quỹ số tiền lớn, vì vậy, rất ít DN được bảo lãnh.

Khả năng chuyên môn của các tỉnh trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng rất hạn chế nên hoạt động của Quỹ rất yếu ớt, không tạo được sự tin tưởng từ ngân hàng thương mại để nhận sự bảo lãnh.

Do đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện khó tiếp cận được vốn ngân hàng và cũng khó được Quỹ Bảo lãnh tín dụng tại địa phương bảo lãnh. Quẩn quanh mãi, đến giờ họ vẫn khó tìm nguồn vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh và đó là câu chuyện biết rồi nói mãi và cũng chưa biết bao giờ mới dứt điểm

Trần Thủy/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *