(kontumtv.vn)  – DNNN chưa thực sự “lời ăn, lỗ chịu”, trong khi đây là một nguyên tắc và kỷ luật cơ bản của thị trường.

Câu chuyện về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước lại tiếp tục được đề cập tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2014. Trong đó, nhiều đánh giá cho rằng, việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn ì ạch; chưa đặt đúng vào” đường ray” để chạy đúng hướng và đến đích. Hệ quả là làm méo mó thị trường, sai lệch tín hiệu thị trường, nhất là giá cả, cung -cầu; làm sai lệch phân bố, quản lý và sử dụng nguồn lực; hiệu quả thấp; gấy bất lợi và thua thiệt cho các doanh nghiệp khác, nhất là doanh nghiệp tư nhân trong nước.

DNNN chưa thực sự “lời ăn, lỗ chịu”

Giải thích cho nhận định trên, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng, nội dung chủ yếu về Tái cơ cấu DNNN trong các Đề án của Chính phủ nêu rõ: Cần áp đặt đầy đủ nguyên tắc và kỷ luật thị trường đối với DNNN, buộc các DNNN phải cạnh tranh công bằng, bình đẳng như DN khác và đối mặt với  cùng điều kiện thị trường như các doanh nghiệp khác.

TS Nguyễn Đình Cung (Ảnh: KT)

Tuy nhiên, trên thực tế, đến nay vẫn chưa làm được gì và thậm chí chưa có chuyển biến về tư duy, nhận thức. Biểu hiện của ngân sách mền vẫn còn phổ biến: DNNN chưa thực sự “lời ăn, lỗ chịu”, trong khi đây là một nguyên tắc và kỷ luật cơ bản của thị trường. Vẫn còn tình trạng Chính phủ đi vay, cho DNNN vay lại-chưa buộc DNNN phải tiếp cận vốn theo đúng các nguyên tắc và điều kiện thị trường vốn quốc tế.

Không những thế, theo ông Cung, có tình trạng chưa tính đầy đủ giá vốn (chỉ cần có lãi đã được coi là bảo toàn vốn); hầu như không tính đến chi phí cơ hội trong đầu tư, kinh doanh. Khi doanh nghiệp không nộp được thuế, thì được chính phủ cho giảm, gia hạn nộp thuế; thậm chí khoang nợ thuế. Trong trường hợp không thanh toán được nợ, thì giản, hoãn nộp; khoanh nợ, giảm lãi suất phải trả hoặc chuyển chính phủ, hay doanh nghiệp khác gánh chịu.

Một loạt những bất cập khác trong việc tái cơ cấu DNNN được ông Cung chỉ ra là: khi doanh nghiệp không bán được sản phẩm, thì bộ trưởng, chủ tịch tỉnh, thậm chí phó thủ tướng chỉ đạo, hỗ trợ tiêu thụ. Đồng thời, người quản lý không bị bãi miễn, miễm nhiệm do doanh nghiệp thua lỗ, không hoàn thành kế hoạch kinh doanh…

Còn có một số doanh nghiệp “độc quyền” sử dụng tài nguyên quốc gia. DNNN chiếm giữ các độc quyền tự nhiên, mà không bị kiểm soát; tăng giá là biện pháp duy nhất (dễ nhất) để bù lỗ, bù đắp sự yếu kém trong quản lý kinh doanh.

Cũng với trăn trở về quá trình tái cơ cấu DNNN còn diễn ra chậm, hiệu quả thực tế chưa như mục tiêu đề ra, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nêu một thực trạng: Đấu giá cổ phần các Công ty, Tổng công ty nhà nước trong quý I và II năm 2014 mới đạt trung bình 27% số cổ phần chào bán trúng giá, một nửa số doanh nghiệp chỉ bán được dưới 2% tổng số cổ phần chào bán.

Không những thế, việc thoái vốn ngoài ngành còn khó khăn, mới đạt 4.164/21.797 tỷ đồng cần thoái (19%), các nhà đầu tư bên ngoài chỉ mua 267 tỷ đồng, còn lại 3.894 tỷ đồng trong nội bộ.

Do đó, theo dự báo của ông Thiên, khả năng không đạt mục tiêu cổ phần hoá vào năm 2015 là có cơ sở. Bởi vì trong 5 tháng đầu 2014, mới cổ phần hoá được 17 doanh nghiêp, tương đương 3,9% số doanh nghiệp phải cổ phần hoá 2 năm 2014-2015 và 10,4% kế hoạch năm 2014.

Mức độ độc quyền của DNNN càng cao, càng nhiều vấn đề nan giải

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng và TS. Lê Hồng Nhật (Đại học Kinh Tế Luật, ĐHQG, TP.HCM) lại chỉ ra một hạn chế nữa của DNNN trong nền kinh tế hiện nay: Xu thế giảm rõ rệt của tỷ trọng DNNN trong nền kinh tế – một điều hoàn toàn ngược lại với mục tiêu ban đầu là DNNN phải đóng vai trò chủ đạo.

Trong khi đó, cho dù có sự suy giảm rõ rệt về tỷ trọng, DNNN vẫn được hưởng ưu đãi rất lớn về tiếp cận vốn. Điều đó bao hàm rằng, so với các khu vực kinh tế khác, DNNN chủ yếu dựa vào tăng vốn để tăng trưởng. Hệ quả là suất sinh lợi trên một đồng vốn của DNNN bị giảm xuống rất thấp theo tốc độ tăng tích lũy vốn.

Từ thực tế này, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng và TS. Lê Hồng Nhật cho rằng, việc duy trì vị trí độc quyền của các tổng công ty và DNNN lớn không có nghĩa là tốt cho thu ngân sách và cũng không tốt cho mục tiêu tăng trưởng lâu bền. Vấn đề là ở chỗ, mức độ độc quyền của tập đoàn hay DNNN càng cao, thì càng làm xuất hiện 2 vấn đề nam giải: Một là, vị trí độc quyền càng được củng cố, thì càng ít chịu sức ép của thị trường để tồn tại và càng có sức mạnh lobby, giành những dự án đầu tư lớn, đòi hỏi vốn vay lớn. Khi nguồn cung vốn càng khan hiếm thì chỉ còn lại những tập đoàn, tổng công ty lớn nhất, có mức độ độc quyền cao nhất, mới có thể tiếp cận số vốn lớn vay trong nước, hoặc qua ODA, hoặc qua thị trường vốn quốc tế, do Chính phủ bảo lãnh.

Điều đó dẫn đến vấn đề thứ hai là gây hậu quả nghiêm trọng. Bởi mức độ tích tụ vốn quá lớn, làm hiệu suất sinh lời trên một đồng vốn giảm. Điều đó kích thích việc làm thất thoát vốn, hoặc đầu cơ trái ngành vào các lĩnh vực sinh lãi nhanh, như bất động sản, chứng khoán. Khi cơn sốt thị trường đang lên, thì chỉ việc ngồi thu lời. Lúc thị trường suy sụp, thì phủi tay, bỏ đi. Vì đó là sự suy sụp của cả hệ thống, nên nhà nước phải đứng ra như người bảo lãnh cuối cùng. Hệ quả  là tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu ở các tập đoàn lớn nhất bị tăng lên. Vì vậy, tỷ lệ nợ trên GDP của toàn nền kinh tế cũng tăng.

Cần cơ chế kiểm soát quyền lực và chịu trách nhiệm cá nhân

Để có thể thực hiện tái cơ cấu DNNN “đúng đường ray”, theo TS Nguyễn Đình Cung, trước hết là phải xác định DNNN chỉ hoạt động trong những lĩnh vực mà khu vực tư nhân không muốn làm. Và, điểm quan trọng nhất là cổ phần hóa phải hướng tới nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhằm góp phần tăng cường chất lượng hàng hóa, dịch vụ cho nền kinh tế, qua đó thúc đẩy quá trình cải thiện năng lực cạnh tranh và tái cơ cấu nền kinh tế nói chung.

Ông Cung còn lưu ý, thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn là cách “kéo” DNNN ra khỏi thể chế phi thị trường, chuyển sang thể chế thị trường; qua đó, thay đổi hệ thống khuyến khích và động lực thúc đẩy phân bố và sử dụng nguồn lực theo thị trường.

Còn TS Võ Đại Lược nhấn mạnh: “Muốn tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu DNNN cần phải có cơ chế rõ ràng trong việc: Kiểm soát quyền lực và chịu trách nhiệm cá nhân. Thực tế hiện nay, chúng ta vẫn chưa có công cụ kiểm soát quyền lực, cá nhân không chịu trách nhiệm. Như thế, không thể tái cơ cấu được”./.

Xuân Thân/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *