(kontumtv.vn) – Thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ đạt 33 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản hạn chế sự phát triển.

 “Dân số Việt Nam hơn 96 triệu người, trong đó có 64 triệu người sử dụng Internet; 57% dân số có tài khoản mạng xã hội. Chỉ trong năm 2018 thương mại điện tử tăng trưởng 30% với tổng doanh thu bán lẻ của thương mại điện tử đạt 8 tỷ USD. Dự kiến, đến năm 2020 con số này sẽ đạt từ 13-15 tỷ USD”.

thuong mai dien tu: "banh ngon" nhung khong "de xoi" hinh 1
Thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ đạt 33 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản hạn chế sự phát triển.

 “Miếng bánh” vàng

Thị trường kinh tế số Việt Nam được đánh giá là đang sơ khai nhưng hứa hẹn sẽ phát triển mạnh trong vài năm tới. 4 lĩnh vực gồm: di chuyển (taxi, xe ôm công nghệ, giao hàng, giao thức ăn), thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến và du lịch trực tuyến được Google và Temasek nghiên cứu có tổng giá trị khoảng 8 tỷ USD trong năm 2018.

Trong đó, lĩnh vực di chuyển có giá trị 500 triệu USD và sẽ tăng lên 2 tỷ USD trong vài năm tới. Tuy mới bắt đầu nhưng lĩnh vực gọi và giao thức ăn qua điện thoại đã đạt giá trị 33 triệu USD vào năm 2018. Dự kiến sẽ tăng lên 38 triệu USD vào năm 2020.

Hiện Việt Nam là thị trường nằm trong Top 3 sau Indonesia và Thái Lan. Tuy nhiên về tốc độ tăng trưởng, Việt Nam có cơ hội trở thành thị trường lớn thứ hai Đông Nam Á chỉ đứng sau Indonesia khi dân số vượt mốc 100 triệu trong tương lai. Qua đó, có thể thấy kinh tế số tại Việt Nam đang là miếng bánh “béo bở”, thu hút nhiều ông lớn đầu tư vào lĩnh vực này.

Câu chuyện taxi truyền thống đối đầu với taxi công nghệ (Grab) là minh chứng rõ nét nhất cho làn sóng kinh tế số đã và đang bùng nổ tại Việt Nam. Trong khi taxi công nghệ ngày càng lớn mạnh và phát triển ra nhiều mảng kinh doanh mới, thì doanh thu của các hãng taxi truyền thống như Mai Linh, Vinasun đã xuống thấp nhất 8 năm và lợi nhuận giảm hơn 50%, xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm.

Cũng giống mảng gọi xe, thị trường giao nhận đồ ăn tại Việt Nam tuy khá mới nhưng cũng vô cùng sôi động. Có thể nói, đây là cuộc chơi của các ông lớn với các tên tuổi “sừng sỏ” được đông đảo người dùng biết đến là Now, Grab Food và Go Việt. Sự thành công của các ông lớn này chính là dịch vụ giao hàng nhanh chóng với mức phí hợp lý, các chuỗi nhà hàng, đơn vị cung cấp đồ ăn nước uống đa dạng.

Cùng với đó là các chương trình ưu đãi khuyến mãi đem lại lợi ích cho người tiêu dùng. Thị phần khách hàng của các ông lớn này đang là con số ao ước của nhiều doanh nghiệp khác.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, kinh tế số có những tác động rất sâu sắc đến hiệu quả phát triển và cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của Việt Nam. Kinh tế số tạo ra nhiều cơ hội cho kinh tế vì nó có tiềm năng tạo ra sự thay đổi to lớn trong môi trường xã hội và các hoạt động kinh tế. Đồng thời, kinh tế số cho phép các doanh nghiệp trong khu vực hội nhập toàn cầu, phù hợp với xu hướng dài hạn hướng tới tự do hóa thị trường và giảm đi các rào cản thương mại.

 

Hỗ trợ phát triển kinh tế số

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, kinh tế số hứa hẹn sẽ mang lại cơ hội cho nhiều doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ ở Việt Nam. Thông qua các nền tảng thương mại điện tử đưa doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ đến với những thị trường lớn, rút ngắn khoảng cách đến thị trường, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp nằm xa các thành phố lớn.

Người dân có thể tham gia dễ dàng hơn vào nền kinh tế số thông qua việc sử dụng nhà của mình để kiếm thêm thu nhập thông qua các nền tảng lưu trú số hoặc sử dụng xe máy và ô tô của mình trên các nền tảng gọi xe dựa trên công nghệ kỹ thuật số.

Kinh tế số có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và tạo ra bước đột phá cho sự phát triển của mỗi quốc gia. Song theo các chuyên gia đánh giá, sự phát triển của kinh tế số tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, rào cản nên rất khó để có thể tăng tốc, bắt nhịp nhanh chóng cùng thế giới.

Trở lại câu chuyện của các ông lớn trong ngành thương mại điện tử và di chuyển, đây chính là hai lĩnh vực phát triển sôi động nhất trong thị trường kinh tế số Việt Nam. Thời gian qua, hai lĩnh vực này luôn diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt. Thậm chí các “ông lớn” này sẵn sàng chịu lỗ để thu hút người dùng và giành thị phần.

Đơn cử như số lỗ tiền tỷ của Grab khi mới gia nhập thị trường Việt Nam hay Lazada với số lỗ lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Còn Shopee, Tiki cũng đã ngấp nghé khoản lỗ cả ngàn tỷ đồng. Điều này minh chứng cho việc, “miếng bánh” kinh tế số tuy ngon nhưng chẳng “dễ xơi”.

Bà Natasha Beschorner, chuyên gia cao cấp về chính sách công nghệ thông tin của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã chỉ ra những hạn chế mà nền kinh tế số Việt Nam đang phải đối mặt như tỷ lệ thanh toán số thấp, thanh toán tiền mặt được ưa chuộng hơn, các chính sách về quyền riêng tư dữ liệu, an ninh mạng nhằm nâng cao niềm tin để tăng cường sự tham gia trong nền kinh tế số chưa được phối hợp chặt chẽ.

Đánh giá về sự phát triển kinh tế số tại Việt Nam, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho rằng, trong khi thương mại điện tử phát triển nhanh tại các đô thị lớn thì tại khu vực nông thôn bộc lộ nhiều hạn chế hơn. Việc tận dụng nền tảng thương mại điện tử sẽ giúp khơi thông dòng chảy của hàng hóa, sản phẩm nông sản, đẩy nhanh lưu thông hàng hóa…

Kinh tế số tạo ra cho Việt Nam nhiều cơ hội lớn, góp phần quan trọng phát triển công nghiệp, nông nghiệp và các dịch vụ khác. Song để tận dụng được cơ hội của kinh tế số, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm./.

Ánh Phương/Báo TNVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *