(kontumtv.vn) – Nguồn năng lượng tái tạo dồi dào nhất nhì cả nước tại Đắk Lắk, bước đầu được khai thác hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Từ mùa khô 2019, nắng gió Đắk Lắk bắt đầu những vụ mùa thu hoạch có thể cân đo bằng giá trị kinh tế, khi những công trình điện mặt trời, điện gió mọc lên. Nguồn năng lượng tái tạo dồi dào nhất nhì cả nước, bước đầu được khai thác hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

trien vong nang luong tai tao tai dak lak hinh 1

Điện mặt trời Sê-rê-pôk1 cho giá trị gấp 40 lần canh tác nông nghiệp.

Trong ngày đầu tháng 3 của mùa khô Tây Nguyên, giữa cái nắng rừng rực khô cháy cỏ cây, cụm công trình điện mặt trời Sê-rê-pôk1- Quang Minh rộng 120 ha, công suất 100 Mwp ở xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, sau 6 tháng khởi công, đã chính thức cắt băng khánh thành, khởi đầu cho những ngày tháng bội thu nắng, gió.

Ông Lê Quang Minh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Điện Đại Hải khẳng định: Dù mới đi vào hoạt động chưa lâu, nhưng đầu tư vào điện mặt trời ở vùng đất nghèo nắng cháy Buôn Đôn là đúng hướng.

Cụ thể, ở dự án Sê-rê-Pôk 1, mới đi vào hoạt động từ đầu tháng 2 vừa qua, đã hòa lưới điện quốc gia được 20 triệu Kw/h. Khi cả Sê-rê-Pôk 1 và Quang Minh cùng phát điện, sẽ cung cấp cho điện lưới quốc gia khoảng 150 triệu kWh mỗi năm, doanh thu khoảng 300 tỷ đồng, nộp ngân sách 30 tỷ đồng/năm cho địa phương. Điều này nghĩa là mỗi ha đất cằn ở huyện biên giới, sẽ đem lại doanh thu gần 3 tỷ đồng, đóng góp ngân sách gần 300 triệu đồng mỗi năm.

Ông Lê Quang Minh cho biết, điều này đã giải bài toán kinh tế cho vùng đất khô, cằn nhưng giàu tiềm năng điện, gió của Đắk Lăk. Việc phát triển điện mặt trời ở Đắk Lắk làm cho giá trị gia tăng trên mỗi đơn vị diện tích tăng lên 30 đến 40 lần so với cây trồng phù hợp với hiện trạng đất.

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, kết quả khảo sát những năm gần đây cho thấy, địa phương đủ điều kiện để phát triển điện mặt trời lên tới 16.000 MWp. Đến nay, tại tỉnh đã có 6 dự án đang khảo sát và bước đầu triển khai, với tổng công suất 969 MWp, chủ yếu tập trung ở hai huyện biên giới Ea Súp, Buôn  Đôn. Năm 2019 này, sau dự án Sê-rê-Pôk và Quang Minh, sẽ có 4 dự án điện năng lượng mặt trời đi vào hoạt động với số vốn hàng chục ngàn tỉ đồng…

Để khai thác tiềm năng điện mặt trời một cách hợp lý, Đắk Lắk đã rà soát và xác định thêm nhiều  dự án có tính tính khả thi cao, trên diện tích khoảng 7.500ha. Trên diện tích đó, tỉnh đã chấp thuận cho doanh nghiệp khảo sát 21 dự án với tổng công suất hơn 2.200MWp.

Điện gió tại Eahleo.

Cùng với năng lượng mặt trời, năng lượng gió của Đắk Lắk cũng bước đầu được khai mở, với dự án phong điện Tây Nguyên đang triển khai tại xã Dliê Yang, huyện Ea Hleo. Dự kiến, đến năm 2022, Công ty Cổ phần Giải pháp năng lượng gió HBRE sẽ đầu tư khoảng 13.000 tỷ đồng, hoàn thành cụm nhà máy có tổng công suất  436MW.

Ngay ở thời điểm hiện tại, Dliê Yang đã trở thành điểm check-in hấp dẫn giới trẻ, khi những cột tourbin điện gió của dự án giai đoạn 1 được xây dựng xong.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó giám đốc Công ty cho biết, bắt đầu từ tháng 3 này, các tổ máy sẽ lần lượt đi vào phát điện.

“Trong tháng 3 năm 2019 chúng tôi sẽ phát thử 5 tổ máy cung cấp điện thương mại; đến tháng 6-2019 thì 12 tổ máy sẽ đi vào sản xuất điện để hòa vào lưới điện quốc gia. Còn đối với giai đoạn 2, và giai đoạn 3 thì chúng tôi sẽ tiếp tục lập hồ sơ bổ sung quy hoạch lên UBND tỉnh; rồi thi công lắp đặt để đến năm 2022 sẽ hoàn thành toàn bộ dự án”, ông Hiệp cho hay.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ Trương Hòa Bình khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, dự Lễ Hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7, “rừng xanh đại ngàn” là tinh hoa của Đắk Lắk, địa phương cần tìm các biện pháp, các nguồn lực để phát triển hiệu quả. Nhưng Đắk Lắk cũng có những vùng đất cằn cỗi đầy nắng và gió, nắng nóng quanh năm.

Đây là khó khăn đối với sản xuất nông-lâm nghiệp, một trong những lý do khiến Đắk Lắk vẫn là tỉnh nghèo. Nhưng đây lại là thuận lợi vì có nguồn bức xạ mặt trời và gió để phát triển năng lượng vô giá, cần phải tận dụng đầu tư khai thác, đem lại hiệu quả kinh tế lớn.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, đến nay, trong cả nước, đã có 121 dự án điện năng lượng tái tạo được cấp phép, với công suất đăng ký lên đến 10.000 MW, vượt xa công suất 8000 Mw theo quy hoạch tổng thể của ngành điện đến năm 2020. Tuy nhiên, công nghệ của thế giới thay đổi rất nhanh,  giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao tỉ trọng điện năng gió, điện mặt trời trong hệ thống điện quốc gia.

Đắk Lắk có nhiều lợi thế để trở thành một trong những tỉnh đầu tiên phát huy được tiềm năng của mình, khi các bộ ngành tham mưu Chính phủ ban hành những chính sách mới.

“Đắk Lắk là một trong những tỉnh có bức xạ mặt trời cao nhất nhì cả nước. Các doanh nghiệp trên địa bàn cũng có những kiến nghị rất cụ thể về những hạn chế, vướng mắc. Bộ Công Thương sẽ có những đánh giá rất cụ thể về vấn đề này và cùng với các bộ ngành tham mưu với chính phủ thông qua. Hy vọng thời gian tới sẽ tiếp tục thúc đẩy cho đầu tư tư nhân, cũng như phát triển ngành năng lượng ở Đắk Lắk và Tây Nguyên”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Tháng 3, Đắk Lắk vào đỉnh điểm của mùa khô. Gió, nắng cháy bỏng như hút khô tất cả nhựa sống từ đất đai, khiến công cuộc giảm nghèo ở địa phương càng trở nên gian nan. Với những dự án về năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời được triển khai, tỉnh như tìm được cánh cửa mới mở ra tương lai.

Những vùng khó khăn nhất sẽ được chiếu sáng bởi ánh điện, những vùng còn lại sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của đất đỏ bazan, với những cánh rừng, những vườn cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái trù phú. Năng lượng nắng gió kết hợp với “tinh hoa đại ngàn”, sẽ giúp Đắk Lắk có bước phát triển mới./.

Nhóm PV/VOV-Tây Nguyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *