(kontumtv.vn) – Sáng 27/5, đại diện VKS đã đề nghị mức án đối với 30 năm tù giam đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên.

VKS cho rằng bị cáo Kiên có những tình tiết giảm nhẹ như chưa có TATS, đã khắc phục hậu quả. Nhưng xét hành vi phạm tội của bị cáo, cần cách ly bị thời gian dài.Trong phần tranh luận, đại diện VKS cho rằng, quá trình điều tra và tại tòa, bị cáo Nguyễn Đức Kiên không thành khẩn khai báo, thái độ coi thường pháp luật nên cần xử lý nghiêm.

bầu Kiên; Nguyễn Đức Kiên;
Quang cảnh phiên tòa – Ảnh: Nam Phong

VKS đề nghị mức án dành cho các bị cáo như sau: bị cáo Nguyễn Đức Kiên: Tội Kinh doanh trái phép: 18- 24 tháng tù; Trốn thuế: 4-5 năm; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản: 16-18 năm; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng: 14- 15 năm. Hình phạt chung là 30 năm tù.

Nhóm bị cáo bị truy tố về tội Cố ý làm trái: Bị cáo Lê Vũ Kỳ: 7- 8 năm tù; Bị cáo Trịnh Kim Quang: 6- 7 năm; Bị cáo Phạm Trung Cang: 3 năm tù treo; Bị cáo Lý Xuân Hải: 12- 14 năm; Bị cáo Huỳnh Quang Tuấn: 3 năm tù treo.

Nhóm bị cáo bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Trần Ngọc Thanh: 9- 10 năm; Bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến: 7-8 năm.

Uỷ thác gửi tiền có sai?

Trước đó, vào chiều 26/5, HĐXX cho biết chấm dứt phần xét hỏi của các luật sư.

Đến sáng 27/5, một số luật sư có kiến nghị – còn nhiều câu hỏi dành cho các bị cáo và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Để đảm bảo dân chủ và công khai, sáng 27/5, HĐXX tiếp tục dành thời gian cho các luật sư tiếp tục thẩm vấn.

bầu Kiên; Nguyễn Đức Kiên;
Bà Đặng Ngọc Lan tại tòa sáng 27/5 – Ảnh: Tuyết Nhung

Theo cáo trạng, thực hiện chủ trương ngày 22/3/2010 của Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB (gồm ông Trần Xuân Gía, Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải và Nguyễn Đức Kiên) về việc ủy thác cho các cá nhân gửi tiền tại các tổ chức tín dụng, từ ngày 27/6 đến 5/9/2011, Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB đã chỉ đạo và ủy quyền cho kế toán trưởng Nguyễn Văn Hòa thực hiện ủy thác số tiền hơn 718 tỷ đồng cho 19 nhân viên Ngân hàng ACB gửi tiền tiết kiệm vào Vietinbank, Chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank, Chi nhánh TP.HCM, toàn bộ số tiền ủy thác đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt.

Các ông Giá, Cang, Quang, Hải, Kiên, Kỳ bị quy kết làm trái quy định tại Điều 106 Luật các tổ chức tín dụng 2010, gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB số tiền hơn 718 tỷ đồng.

Sáng 27/5, trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Phạm Trung Cang cho biết: Sau ngày 31/12/2010, bị cáo chuyển từ ACB sang ngân hàng khác. Bị cáo Cang cho biết không còn nhận được thông tin nào về việc ủy thác tiền gửi. Việc Huyền Như chiếm đoạt tiền, bị cáo cũng không có thông tin.

Còn theo bị cáo Huỳnh Quang Tuấn, ông ta cho rằng, việc ủy thác gửi tiền chưa chắc đã sai.

“Luật các tổ chức tín dụng, Điều 6 có nói cho phép các tổ chức tín dụng thực hiện ủy thác. Hết 2011, NHNN chưa có văn bản nào khác quy định về việc này. Thế nên việc ủy thác gửi tiền là không sai”, lời khai của bị cáo Tuấn tại tòa.

Cũng theo lời khai của ông Tuấn: “Tôi không cho rằng tôi phải chịu trách nhiệm về việc ủy thác vì tôi không quyết định chủ trương, việc này không phải mảng tôi phụ trách.”

Đại diện Ngân hàng nhà nước cho biết: Năm 2012, đã có thanh tra ACB và phát hiện vi phạm khá nghiêm trọng, 6 cty của Nguyễn Đức Kiên đã gây thiệt hại nặng nề.

“Nhẽ ra có thể công khai kết luận này, nhưng do nhạy cảm nên thận trọng trong việc công bố”, đại diện NHNN cho biết.

Đối với hành vi trốn thuế bị cáo bị truy tố, trong phần trả lời thẩm vấn, bà Đặng Ngọc Lan, vợ Nguyễn Đức Kiên khai: “Trong trường hợp B&B vi phạm và bị cơ quan thuế cảnh báo, tôi nghĩ nếu có kết luận về việc sai phạm thì cơ quan thuế sẽ có hướng dẫn và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế.”

Ngày 26/5, trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Kiên khai rằng, cty B&B do bà Lan làm tổng giám đốc làm ăn bị thua lỗ nên việc quy kết cty trốn thuế là không chính xác.

Đến sáng 27/5, trả lời câu hỏi của HĐXX: “Bà Lan khẳng định cty lỗ trong thời gian 2009 và 2010, lời khai của Lan đúng hay sai?”, Phó tổng giám đóc B&B trả lời: “2009, 2010 là có lãi ạ”.

Đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà Nguyễn Đức Kiên bị truy tố, tại tòa, luật sư của Nguyễn Đức Kiên hỏi ông Trần Đình Long, Chủ tịch tập đoàn HP: “Ông Long cho biết ý kiến cá nhân của ông đối với tội lừa đảo của ô Kiên?” Đối với câu hỏi này, HĐXX cho rằng không cần thiết trả lời.

Luật sư cho rằng, câu trả lời của ông Long là thực sự quan trọng vì nó xác định ý chí của bị cáo Kiên.

“Nếu HĐXX không cho tôi hỏi thì làm sao tôi chứng minh hành vi khách quan”, lời ông luật sư.

T.Nhung/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *