(kontumtv.vn) – Luật quy định cơ quan Nhà nước phải đứng ra bồi thường oan, sai và cá nhân có trách nhiệm hoàn trả tuỳ thuộc vào lỗi, mức độ sai phạm…

Sau một số vụ án oan với số tiền bồi thường lên đến hàng tỷ đồng thời gian qua như vụNguyễn Thanh ChấnLương Ngọc Phi và sắp tới là vụ ông Huỳnh Văn Nén, dư luận đặt câu hỏi: Cán bộ làm sai sao lại lấy tiền thuế của dân đóng góp để bồi thường? Số tiền hoàn trả của người làm sai vì sao rất thấp so với ngân sách chi trả?

Đây cũng là một trong những vấn đề làm “nóng” nghị trường tại Kỳ họp thứ 9, kỳ họp thứ 10 của Quốc hội cũng như tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt khi Quốc hội tiến hành giám sát tối cao về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan theo quy định của pháp luật.

Ngân sách Nhà nước chi trả là chủ yếu

Trước hết cần khẳng định Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước đã có những quy định khá rõ về trách nhiệm của cơ quan công quyền cũng như của người thi hành công vụ.

Theo đó, pháp nhân Nhà nước đứng ra bồi thường và cá nhân có trách nhiệm hoàn trả, còn mức hoàn trả phụ thuộc vào lỗi cố ý hay vô ý, điều kiện kinh tế và mức độ thiệt hại.

can bo gay oan sai, ngan sach nha nuoc van phai chi boi thuong? hinh 0
Số tiền bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén có thể lên đến nhiều tỷ đồng

Lý giải vấn đề này, có ý kiến cho rằng về mặt lý luận, pháp nhân Nhà nước phải đứng ra bồi thường vì đó là quan hệ giữa thực hiện công vụ và người có quyền, lợi ích liên quan chứ không phải bồi thường “tay đôi” giữa công chức với người bị oan, sai.

Một điều quan trọng nữa là việc cơ quan Nhà nước đứng ra bồi thường trước sẽ khả thi, nhanh bù đắp, bảo đảm lợi ích cho người bị thiệt hại.

Lấy ví dụ những trường hợp được minh oan có số tiền bồi thường rất lớn như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (7,2 tỷ đồng), ông Lương Ngọc Phi (gần 23 tỷ đồng), hay sắp tới là vụ ông Huỳnh Văn Nén với mức bồi thường có thể lên đến 11 con số, thì việc cơ quan Nhà nước đứng ra khắc phục mới tránh kéo dài gây thêm thiệt hại cho những người bị oan cũng như gia đình họ.

Theo con số thống kê từ Bộ Tư pháp thì chỉ tính riêng từ đầu năm 2015, số tiền bồi thường oan, sai cũng lên đến hàng chục tỷ đồng.

Ở nhiều nước pháp luật quy định nếu chứng minh công chức mẫn cán và vô tư nhưng xảy ra sai thì Nhà nước vẫn bồi thường. Đặc biệt là công chức tư pháp được loại trừ trách nhiệm bồi thường về vật chất, để không bị sức ép khi thực hiện công vụ.

Cá nhân bị truy cứu hình sự mới hoàn trả toàn bộ

Nghị định 16/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật nêu rõ, ngay sau khi thực hiện xong việc chi trả tiền bồi thường, thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải ra quyết định thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả của cá nhân theo quy định.

Căn cứ và nguyên tắc xác định mức hoàn trả thể hiện tại Điều 16 của Nghị định quy định:Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường căn cứ vào mức độ thiệt hại gây ra, điều kiện kinh tế của người đó để quyết định họ phải hoàn trả một khoản tiền nhất định, nhưng tối đa không quá 36 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả.

Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự do việc thực hiện hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại đó thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường.

Trong trường hợp người thi hành công vụ có lỗi vô ý thì mức bồi hoàn tối đa cũng không quá 3 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả.

can bo gay oan sai, ngan sach nha nuoc van phai chi boi thuong? hinh 1
Ông Nguyễn Thanh Chấn đã được bồi thường hơn 7 tỷ đồng cho 10 năm tù oan (Ảnh: Việt Đức)

Căn cứ luật hiện hành, vấn đề nằm ở chỗ xác định lỗi “cố ý” hay “vô ý” của cá nhân. Và thực tế việc phân biệt hai lỗi này được đánh giá là khó, dẫn đến số tiền hoàn trả không đáng là bao vì hành vi vi phạm của người thi hành công vụ thường vin vào năng lực hạn chế.

Ngoài ra, việc hoàn trả vẫn phải đảm bảo cho công chức đó sống được từ lương thì có những khoản hoàn trả đến hàng chục năm cũng chả thấm gì so với số tiền ngân sách Nhà nước phải bỏ ra. Bởi nếu trả nhiều lần bằng cách trừ dần vào lương hàng tháng của người thi hành công vụ thì mức tối thiểu không dưới 10% và tối đa không quá 30% thu nhập từ tiền lương hàng tháng.

Như vậy, về nguyên tắc Nhà nước vẫn phải đứng ra bồi thường và quyền lợi của người bị oan phải được bảo đảm. Song để không còn án oan, sai và Nhà nước không phải chi ngân sách bồi thường thì công tác cán bộ một lần nữa phải đặt ra. Bởi nếu không có sự chấn chỉnh mà vẫn để lọt những người không xứng đáng vào bộ máy thì tất cả những yếu kém trong quá trình công tác đó Nhà nước và người dân phải chịu./.

 

N.T/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *