(kontumtv.vn) – Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, trực tiếp là các Bộ trưởng, cần đề cao tinh thần trách nhiệm; thực hiện tốt công tác xây dựng VBQPPL để tạo chuyển biến thực sự trong công tác này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh việc bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự án luật. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Ngày 20/3, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ tiến hành họp chuyên đề về xây dựng pháp luật.

Văn bản “nợ đọng” còn nhiều

Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe Báo cáo của Bộ Tư pháp về tình hình soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh của Chính phủ quý I, nhiệm vụ quý II/2014.

Báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết: Trong qúy I/2014, các bộ phải trình Chính phủ 10 dự án Luật.

Trong số này có 1 dự án Luật đã được Chính phủ trình UBTVQH; 1 dự án đã được Chính phủ cho ý kiến tại Phiên họp thường kỳ tháng 2.

Trong phiên họp này, Chính phủ cũng cho ý kiến đối với 7 dự án Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước vào đầu tư sản xuất, kinh doanh; Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự; Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân.

Đối với việc xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, theo chương trình phải ban hành 90 văn bản, (trong đó 58 văn bản nợ từ 2013, 32 văn bản mới phát sinh). Trong đó có 46 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của các Bộ trưởng. Tuy vậy, các bộ mới làm được 7/46 văn bản, nợ 39 Thông tư.

Bộ Tư pháp nhận định, các bộ, ngành đã cố gắng thực hiện đúng tiến độ soạn thảo. Tuy nhiên, vẫn còn dự án phải đề nghị xin lùi thời hạn trình. Tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn còn chậm, chưa bảo đảm tiến độ và yêu cầu đề ra.

Nhìn lại công tác xây dựng dự thảo luật và pháp lệnh trong quý I, Thủ tướng đánh giá các bộ, ngành đã tích cực thực hiện. Tuy nhiên đối với việc ban hành văn bản dưới luật, dù có nhiều tiến bộ (năm 2013 số văn bản nợ đọng thấp nhất từ trước tới nay), nhưng vẫn còn nợ lại 58 văn bản hướng dẫn.

Thủ tướng nhắc nhở: Chúng ta làm vẫn “chậm quá”, số văn bản “nợ đọng” còn nhiều.

Chính phủ họp chuyên đề xây dựng pháp luật. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Nhấn mạnh tính khả thi

Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ cần thảo luận kỹ, rút kinh nghiệm, làm tốt hơn công tác xây dựng văn bản hướng dẫn. Theo đó, các bộ, ngành, mà trực tiếp là các Bộ trưởng cần tập trung cao để chỉ đạo việc này.

“Các đồng chí phải cố gắng để sang Quý II trong báo cáo tình hình xây dựng pháp luật không còn những câu ‘không có chuyển biến’, ‘chưa có chuyển biến’,” Thủ tướng nói.

Đối với các dự án luật, Thủ tướng yêu cầu bám sát quy định của Hiến pháp, chỉ đạo của Đảng trong việc xây dựng dự thảo.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo việc bảo đảm các điều kiện như kinh phí và nhân lực cho việc xây dựng VBQPPL. Theo đó, các bộ dự trù kinh phí để Bộ Tài chính cấp theo nhiệm vụ; đồng thời bố trí nhân sự phù hợp để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh việc bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án luật. Việc xây dựng VBQPPL phải đảm bảo tính khả thi. Tránh tình trạng soạn thảo văn bản không bảo đảm chất lượng, bị “dư luận phản ứng ầm ầm” khi lấy ý kiến.

Với nhãn quan rất thực tiễn, Thủ tướng nói: “Sự đời khó 100% lắm”, khó tránh khỏi những quy định không phù hợp với khu vực này, khu vực kia. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan soạn thảo phải “sẵn sàng tiếp thu, điều chỉnh cho phù hợp”.

* Theo chương trình làm việc, sáng mai (21/3) Chính phủ tiếp tục thảo luận, cho ý kiến một số dự án luật như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước vào đầu tư sản xuất, kinh doanh; Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Trần Mạnh/chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *