(kontumtv.vn) – Không phải chi lãi ngoài, Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, tiền gửi lãnh đạo Vietsovpetro là quà Tết, với khoản tiền 200-300 triệu hoặc 10.000USD-20.000USD.

3 người của Liên doanh Dầu khí Việt–Nga (Vietsovpetro) được triệu tập đến phiên tòa xét xử đại án kinh tế tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) ngày 5/9, chứ không phải 2 người như công bố trước đó tại phiên tòa ngày 1/9.

Ba người gồm ông Võ Quang Huy–kế toán trưởng, ông Từ Thành Nghĩa-Tổng Giám đốc và ông Nguyễn Hữu Tuyến–cựu Tổng giám đốc Vietsovpetro. Họ có mặt ở phiên tòa để làm rõ về lời khai nhận tiền lãi ngoài hợp đồng nhận từ Nguyễn Xuân Sơn – cựu TGĐ Oceanbank và Nguyễn Minh Thu – cựu Phó TGĐ Oceanbank.

dai an oceanbank nguyen xuan son danh trao khai niem tien lai ngoai hinh 1
Dẫn giải Nguyễn Xuân Sơn lên phòng xét xử

Tại tòa, ông Võ Quang Huy cho biết, Vietsovpetro gửi tại Oceanbank khoảng 100 triệu USD, và 1.000 tỷ VNĐ.

Trong phần thẩm tra lời khai của Nguyễn Xuân Sơn về chi tiền cho Vietsovpetro, bị cáo bất ngờ thay đổi lời khai. Theo cựu TGĐ ngân hàng, ông ta không đưa tiền chi lãi ngoài hợp đồng cho các khoản tiền gửi khủng của Vietsovpetro tại Oceanbank. Tiền của bị cáo gửi là quà dịp Tết.

Thời còn ngồi ghế TGĐ Oceanbank, bị cáo đã 8-10 lần đưa “phong thơ” cho lãnh đạo của Vietsovpetro. Nếu là ngoại tệ thì mỗi lần từ 10.000-20.000 USD, còn là VNĐ thì rơi vào khoảng 200-300 triệu đồng.

Còn Nguyễn Minh Thu, khi thay Nguyễn Xuân Sơn chăm sóc khách hàng lớn Vietsovpetro thì định kỳ, mỗi năm 4 lần. Đối với tổng giám đốc khi trao tiền, Thu nói là “quà cảm ơn của ngân hàng”. Còn với kế toán trưởng bị cáo trao đổi về chính sách chăm sóc khách hàng. Theo lời khai của Nguyễn Minh Thu trước đó, đối với Vietsovpetro, nữ lãnh đạo ngân hàng chi theo tỉ lệ Tổng giám đốc 30%, kế toán trưởng 70%.

Tổng số tiền chuyển từ tháng 7/2012 và tháng 6/2014 cho Vietsovpetro là 22,7 tỷ, trong đó kế toán trưởng Võ Quang Huy nhận 15-16 tỷ, còn lại là suất của tổng giám đốc.

Trong vấn đề chi tiền cho Vietsovpetro, tòa cũng thẩm tra lời khai của Nguyễn Thị Kiều Liên – cựu Giám đốc Chi nhánh Vũng Tàu và Nguyễn Quốc Chiến – cựu Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn. Theo lời hai bị cáo này, ngoài việc đưa chăm sóc  Vietsovpetro trong các dịp lễ tết, hội nghị… Trong đó bị cáo Nguyễn Thị Kiều Liên khai mình cùng lãnh đạo hội sở ngân hàng đưa cho ông Huy 1,7 tỷ đồng.

Tất nhiên, các lãnh đạo của Vietsovpetro bác các cáo buộc nhận tiền lãi ngoài đến quà tết hàng trăm triệu. Họ cho rằng, lời khai của các bị cáo là bịa đặt. Vietsovpetro gửi tiền gửi số tiền khủng vào Oceanbank nhưng không hề có thỏa thuận chi – nhận lãi ngoài hợp đồng.

Đối chất gay gắt về phong tỏa tài khoản 500 tỷ

Phiên tòa ngày 5/9, các luật sư bào chữa cho Hà Văn Thắm là luật sư Đào Hữu Đăng và Nguyễn Huy Thiệp cũng bắt đầu tham gia thẩm vấn.

Phiên tòa nóng lên liên quan đến khoản vay 500 tỷ đồng của Công ty Trung Dung (của Phạm Công Danh) tại Oceanbank.

Quan điểm về khoản vay này, Phạm Công Danh – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Thiên Thanh – cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB, nay là CB) cho rằng, dù tài sản thế chấp cho khoản vay là 100% cổ phần của Công ty Trung Dung, nhưng khoản tiền chẳng liên quan gì đến mình. Người phải chịu trách nhiệm là bị cáo Hứa Thị Phấn.

Về khoản vay 500 tỷ, liên đới trách nhiệm đối với các cựu lãnh đạo Oceanbank gồm có Hà Văn Thắm và Nguyễn Văn Hoàn – cựu Phó TGĐ.

Trả lời hàng loạt câu hỏi của luật sư, hai bị cáo cho rằng, do hồ sơ tín dụng khoản tiền 500 tỷ vẫn còn thiếu, tuy nhiên nhìn nhận có thể khắc phục được nên vẫn tiến hành giải ngân cho Công ty Trung Dung vay. Sự ràng buộc để Công ty Trung Dung có thể sử dụng số tiền này, Oceanbank đã thực hiện một bản cam kết 3 bên về phong tỏa tài khoản bao gồm: Công ty Trung Dung – Ngân hàng Đại Tín – Ngân hàng Oceanbank. Với bản cam kết như lời khai của các bị cáo, tiền chỉ được sử dụng khi Công ty Trung Dung bổ sung đầy đủ hồ sơ tín dụng.

Lời khai của Nguyễn Văn Hoàn cho biết, việc ký cam kết là nghiệp vụ loại trừ rủi ro khi tài sản bảo đảm không đủ điều kiện. Tuy nhiên, khoản tiền 500 tỷ sau đó chuyển vào tài khoản của Công ty Trung Dung tại Ngân hàng Đại Tín và vẫn được giải ngân, để sử dụng sai mục đích vay vốn.

Bị cáo Hà Văn Thắm cho rằng nếu Ngân hàng Đại Tín thực hiện nghiêm túc thỏa thuận phong tỏa tài khoản, thì không có sự cố 500 tỷ trong đại án này.

Quá trình thẩm vấn, liên quan khoản vay, đại diện Ngân hàng CB (tiền thân là Ngân hàng Đại Tín), tỏ ra ngơ ngác khi luật sư nhắc đến cam kết 3 bên. Người đại diện cho rằng, bản cam kết 3 bên này, Ngân hàng Đại Tín chẳng có chút ký ức nào cả.

Theo trình bày của người đại diện của CB, ngày 22/6/2013 từ tài khoản ông Phạm Công Danh thực hiện việc chuyển số tiền 500 tỷ đồng vào tài khoản Công ty Trung Dung.

Công ty Trung Dung có công văn xin xác nhận số dư tài khoản. Ngay sau khi ngân hàng có văn bản, Công ty Trung Dung thực hiện ủy nhiệm chi vào 2 tài khoản khác. Tiếp đó, Công ty Trung Dung đã có văn bản đề nghị phong tỏa tài khoản này.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp đặt câu hỏi: “Vì sao Công ty Trung Dung chuyển tiền vào 2 tài khoản, trong tài khoản không còn 500 tỷ đồng. Làm sao ngân hàng thực hiện việc phong tỏa tài khoản?”.

Đại diện ngân hàng cho biết, không còn 500 tỷ đồng không có nghĩa là không có tiền. Ngân hàng không biết đến phong tỏa 500 tỷ đồng.

“Chúng tôi làm theo yêu cầu rất rõ ràng của Công ty Trung Dung. Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ có văn bản giải trình lần nữa để không bị một sự nhầm lẫn nào nữa”, đại diện ngân hàng nói thêm.

Đại diện ngân hàng cho biết, hiện nay số dư tài khoản của Công ty Trung Dung còn hơn 498 triệu đồng./.

Ông Bùi Văn Hải – Trưởng ban kiểm soát của Oceanbank phủ nhận trách nhiệm và không biết Oceanbank chi lãi ngoài trong thời gian dài.  Tuy nhiên thẩm phán Trương Việt Toàn khẳng định: “Đấy là ông nói không biết, nhưng trong luật pháp có những cái buộc phải biết. Vai trò của ông rất quan trọng, báo cáo tài chính kế toán hàng tháng hàng năm đều chuyển cho ông. Số liệu được báo cáo minh bạch mà ông nói không biết”.

 

Việt Đức/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *