(kontumtv.vn) – Quy trình, trình tự, thủ tục đưa người đi cai nghiện không phù hợp với thực tế, thiếu kịp thời, thủ tục quá phức tạp.

Báo cáo của Chính phủ thừa nhận: Tình trạng sử dụng ma túy không giảm

Tại phiên thảo luận chiều 31/10 của Quốc hội về kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, đoàn Long An đã bày tỏ sự lo lắng, bất an đối với tình trạng sử dụng ma túy tràn lan trong giới trẻ.

dai bieu quoc hoi "sot ruot" vi hieu qua ngan chan ma tuy con thap  hinh 1
145 người dương tính với ma túy trong một quán bar ở Đồng Nai

Dẫn số liệu từ đầu năm 2019 đến nay, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung nói “chúng ta đã phát hiện hơn 23.000 vụ ma túy với khoảng 36.300 đối tượng vi phạm về ma túy. Tôi muốn nhấn mạnh, đối tượng nghiện là thanh niên, 87% người nghiện dưới 35 tuổi, trong đó 70% là sử dụng ma túy tổng hợp. Đáng báo động hơn là ma túy đã xâm nhập vào học đường, giảng đường, nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng thế hệ tương lai của đất nước”.

dai bieu quoc hoi "sot ruot" vi hieu qua ngan chan ma tuy con thap  hinh 2
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, đoàn Long An (Ảnh: Quochoi.vn)

Theo đại biểu Dung, các báo cáo của Chính phủ ở kỳ họp thứ 7 và thứ 8 đều đánh giá số người nghiện tiếp tục chưa được kiềm chế. Cuối năm 2018 toàn quốc có 225.099 người nghiện có hồ sơ quản lý. Thực tế con số này là nhiều hơn, phần lớn những người nghiện đang ở ngoài xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến những vụ phạm tội nghiêm trọng.

Mặc dù Chính phủ hết sức nỗ lực, bằng nhiều giải pháp nhưng số người nghiện tiếp tục tăng xuất phát từ việc chưa giải quyết căn cơ vấn đề quá khó là đưa một đối tượng nghiện vào một cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Muôn vàn khó khăn khi đưa người nghiện đi cai nghiện

“Cơ sở vật chất, điều kiện nhân lực của các cơ sở cai nghiện bắt buộc hiện nay trên cả nước chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện nay các cơ sở quá tải, vượt số lượng người cai nghiện theo quy định, áp lực “vỡ trại” luôn trực chờ và thực tế đã có việc “vỡ trại” xảy ra. Đối tượng nghiện bên ngoài xã hội sẽ lôi kéo, lây lan những người khác nghiện, người đã cai nghiện xong ra ngoài nguy cơ tái nghiện lại rất cao trên 90%”- đại biểu Dung lo lắng.

Theo đại biểu đoàn Long An, quy trình, trình tự, thủ tục đưa người đi cai nghiện là không phù hợp với thực tế, thiếu kịp thời, thủ tục quá phức tạp, qua nhiều cơ quan xét duyệt mất nhiều thời gian, người nghiện có nhiều nguy cơ bỏ trốn. Việc một người không có nơi cư trú ổn định trong thời gian hoàn thiện hồ sơ đưa đi cai nghiện mà giao cho tổ chức xã hội quản lý là không thực hiện được. Vấn đề xác định tình trạng nghiện không phù hợp theo quy định pháp luật về tạm giữ người để theo dõi, trình độ cán bộ y tế ở các cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu,…

Vấn đề thứ hai là khó khăn tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc. Một thực trạng là đa số các cơ sở cai nghiện bắt buộc đã xuống cấp, thiếu thốn, không đảm bảo nhu cầu tối thiểu ăn ở, sinh hoạt, văn hóa, giải trí để thực hiện các hoạt động chuyên môn cai nghiện; cán bộ chuyên môn về y tế, giáo dục, tư vấn chiếm tỷ lệ thấp, xét tổng thể những năm qua chúng ta chưa có chiến lược đầu tư cho công tác cai nghiện ma túy với tầm nhìn tổng thể và dài hạn mà hầu hết là các chương trình, dự án ngắn hạn, chủ yếu là tập trung để xử lý hệ quả.

Nhân lực làm việc trong lĩnh vực này đòi hỏi chuyên môn cao, đa ngành ổn định nhưng hiện nay vẫn chưa có chính sách thích đáng để phát triển nguồn nhân lực, chưa có chiến lược đầu tư phát triển hệ thống trợ giúp xã hội nhiều tầng cho người sau cai nghiện, người có tiền sử nghiện ma túy; nguồn lực tài chính phân bổ rất hạn chế, chủ yếu là cho hoạt động ở các cơ sở cai nghiện công lập.

Đại biểu Dung kiến nghị Chính phủ khẩn cấp chỉ đạo việc sửa đổi ngay những quy định pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ, của Bộ, ngành, tập trung vào Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phòng chống ma túy. Tập trung ngay từ bây giờ cho các cơ sở cai nghiện bắt buộc, công lập, có chính sách kêu gọi đầu tư cho các cơ sở cai nghiện tự nguyện và cho công tác phòng chống, xử lý người nghiện ma túy.

dai bieu quoc hoi "sot ruot" vi hieu qua ngan chan ma tuy con thap  hinh 3
Đại biểu Nguyễn Quang Dũng, đoàn Quảng Nam. Ảnh: Quochoi

Trước đó, cùng vấn đề này, đại biểu Nguyễn Quang Dũng, đoàn Quảng Nam cũng cho rằng, tình trạng sử dụng ma túy, người nghiện ngày càng gia tăng và là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ phạm tội nghiêm trọng gây lo lắng cho nhân dân. Để giải quyết việc người nghiện đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không nhiều do vướng thủ tục, biện pháp tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng kém hiệu quả, thời gian cai nghiện ngắn, quản lý kém hiệu quả nên tái nghiện cao.

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng đề nghị sửa Luật Phòng chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng đơn giản thủ tục, tập trung cai nghiện, kéo dài thời gian và liệu trình cai nghiện, bổ sung biện pháp bắt buộc, lao động công ích, củng cố cơ sở cai nghiện, xem xét hình sự hóa hành vi sử dụng trái phép ma túy”./.

 

CTV Ngọc Anh/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *