(kontumtv.vn) – Đối tượng có hành vi chửi bới, đe dọa người khác trên mạng xã hội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Mạng xã hội là một thế giới mở với nhiều tiện ích, bên cạnh những ưu điểm nó cũng có nhiều sự phiền toái, thậm chí là nguy hiểm khi những người sử dụng mạng bị người xấu lợi dụng để vu khống, xúc phạm, thậm chí đe dọa đến tính mạng và nhân phẩm. Đối tượng đe dọa người khác trên mạng xã hội bị xử lý như thế nào? Phóng viên VOV phỏng vấn luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty luật Minh Bạch) về vấn đề này.

de doa, chui boi nguoi khac tren mang xa hoi co the bi phat tu hinh 1
Luật sư Trần Tuấn Anh – Công ty luật Minh Bạch 

PV: Trên mạng xã hội hiện nay đăng tải những lời chửi bới, đe dọa người khác. Những nội dung như vậy có bị coi là vi phạm pháp luật hay không, thưa luật sư?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tính mạng, danh dự, nhân phẩm là một quyền đã được pháp luật Việt Nam hiến định, quy định trong bộ Luật Dân sự và các luật khác. Theo đó, bất kỳ hành vi nào xâm phạm trái phép đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người đều là những hành vi trái pháp luật, sẽ bị pháp luật xử lý, nặng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhẹ thì bị xử phạt hành chính.

Khi đối tượng đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay xử phạt hành chính thì đều có tiền án, tiền sự liên quan đến nhân thân.

PV: Luật sư có thể nêu cụ thể, trong trường hợp nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp nào bị xử phạt hành chính?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Nếu việc chửi bới, đe dọa người khác làm cho người bị đe dọa có căn cứ lo sợ rằng, việc đe dọa này sẽ được thực hiện thì đối tượng thực hiện hành vi được xem là tội phạm, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm theo quy định tại Điều 133 bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội đe dọa giết người.

Trường hợp đe dọa từ 2 người trở lên, hoặc đối với người đang thi hành công vụ hay vì lý do công vụ của nạn nhân; đe dọa đối với trẻ em dưới 16 tuổi; nhằm che giấu, trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác thì người thực hiện hành vi có thể bị áp dụng hình phạt từ 2-7 năm tù.

Trường hợp cơ quan điều tra chứng minh được hành vi đe dọa bằng tin nhắn nhằm mục đích tê liệt ý chí của người có chức vụ, quyền hạn trong việc thực hiện, quản lý, điều hành của họ, buộc họ thực hiện những hành vi trái với chức năng, nhiệm vụ, thì rất có thể người nhắn tin, gọi điện đe dọa bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố. Như trường hợp đối tượng nhắn tin, đe dọa Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh trước đây.

Trường hợp những lời đe dọa này, xác minh được người thực hiện thì đối tượng nếu không đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính về hành vi có cử chỉ thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của con người, quy định tại Điều 5, Nghị định 167, bị phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng.

Ngoài ra, trường hợp chứng minh được việc xúi giục những người này đe dọa, hoặc sau hành vi đe dọa, đối tượng xúi giục thực hiện hành vi đánh đập trên thực tế thì những người này còn có thể bị xử lý về hành vi xâm hại, hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác, mức phạt tiền từ 2-3 triệu đồng.

PV: Có những người không trực tiếp viết lời đe dọa trên facebook, nhưng trong phần bình luận nội dung của người khác lại viết lời đe dọa thì có bị xử lý không, thưa luật sư?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Lời đe dọa đó hướng tới một đối tượng nhất định, kể cả trong phần tin nhắn, phần bình luận, hay viết lên trang facebook, zalo của người khác đều hướng đến 1 đối tượng cụ thể, làm cho họ tin và lo sợ hành vi đó có thể diễn ra thật thì những người này vẫn có thể bị xử lý về hành vi đe dọa giết người.

PV: Thưa luật sư, với những người không trực tiếp viết lời đe dọa trên mạng xã hội, nhưng chia sẻ nội dung của người khác thì có bị coi là đe dọa người khác hay không?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Việc khẳng định lại lời đe dọa cũng là cách đe dọa người khác khiến đối phương lo sợ, nghĩ rằng sắp bị đánh, hoặc sắp bị giết. Việc chia sẻ hay bình luận về lời đe dọa đó cũng làm tăng mức độ đe dọa lên, những người này bị xem là đồng phạm. Trường hợp người phạm tội đe dọa giết người thì những người chia sẻ nội dung bị coi là đồng phạm.

Nếu người phạm tội bị xử phạt hành chính thì những người này cũng bị xem là đồng phạm.

PV: Nếu ai đó là nạn nhân của các vụ đe dọa trên mạng xã hội thì cần phải khiếu nại đến cơ quan nào để bảo vệ mình?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Đây chính là mặt trái của sự phát triển công nghệ thông tin và đây cũng là mặt trái của việc chúng ta chưa kiểm soát được các thông tin trên mạng xã hội vì hầu hết máy chủ các mạng xã hội đặt ở nước ngoài.

Cho nên việc xác định những thông tin đe dọa, xấu, độc trên môi trường mạng ảo là rất khó, vì các mạng xã hội đều có nguyên tắc với bảo mật, không cung cấp thông tin của những nickname nên chúng ta khó xác định được đối tượng vi phạm, mà chỉ còn cách trông chờ vào sự thừa nhận hành vi của những người này thì mới có căn cứ để xử lý.

Vì vậy, người tham gia mạng xã hội cần phải tỉnh táo, biết lựa chọn để kết bạn, nếu cần thiết thì đóng mạng xã hội, không tranh cãi trên mạng xã hội để tránh những trường hợp đáng tiếc. Nếu bị đe dọa thì báo cho cơ quan có thẩm quyền gần nhất như công an xã/phường, quận/huyện…

PV: Có thực tế, sau khi đăng lời đe dọa người khác trên mạng xã hội, nhưng một thời gian sau hoặc ngay sau đó họ xóa đi, thì người bị đe dọa làm thế nào để chứng minh cho cơ quan chức năng biết có hành vi đe dọa để có căn cứ xử lý?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Khi xuất hiện những dòng trạng thái xúc phạm danh dự, nhân phẩm hay đe dọa, chúng ta có thể gọi cho lực lượng thừa phát lại đến lập vi bằng các hành vi này.

Hoặc khi thấy dòng trạng thái đe dọa thì cần phải chụp màn hình lại để có chứng cứ gửi cơ quan chức năng. Nếu có vi bằng của thừa phát lại về những hành vi này thì có thể báo cho cơ quan chức năng xử lý đối tượng.

PV: Xin cảm ơn luật sư./.

PV/VOV2

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *