(kontumtv.vn) – Theo quy định của pháp luật trường hợp hành vi hành hung các y, bác sỹ gây thương tích với tỷ lệ 11% trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Công đoàn Y tế Việt Nam, thời gian qua số vụ bạo hành bác sỹ ngày càng gia tăng. Nếu trong giai đoạn 2014 -2016 cả nước xảy ra 12 vụ bạo hành, đến năm 2017 là 13 vụ và năm 2018 là 18 vụ. Trong số đó có không ít vụ có tính chất côn đồ nguy hiểm như: Cuối tháng 2/2018 hai bác sỹ sản nhi ở Bệnh viện sản nhi Yên Bái bị một nhóm người nhà bệnh nhân tấn công khi đang làm nhiệm vụ chỉ vì nhắc nhở nhóm người này không được trèo lên lan can quay phim chụp ảnh cảnh phẫu thuật. Hay đầu tháng 11/2018 khi 5 y bác sỹ trong kíp trực của bệnh viện Đa khoa Hải Dương hiến máu cứu một sản phụ thì bất ngờ bị người nhà của bệnh nhân lăng mạ, hành hung

doi tuong hanh hung bac sy se bi xu ly ve toi gi? hinh 1
Trương Văn Thanh hành hung, đánh thẳng vào mặt bác sỹ Xanh Pôn ngay tại phòng bệnh. (Ảnh cắt từ clip) 

Không ít người dân đã bất bình trước hành động phi đạo đức của các đối tượng. Pháp luật cũng có quy định về khung hình phạt đối với những đối tượng hành hung người khác. Phóng viên VOV trao đổi Luật sư Phạm Thị Thu- Giám đốc Công ty Luật số 1- Đoàn Luật sư TP Hà Nội làm rõ hơn về quy định này.

PVThưa Luật sư, thời gian qua một số đối tượng đã hành hung các y-bác sỹ-những người đang chữa bệnh cho mình, hoặc người nhà của mình. Trong trường hợp này, các đối tượng hành hung bác sỹ bị xử lý như thế nào?

Luật sư Phạm Thị Thu: Theo quy định của pháp luật, hành vi hành hung, gây thương tích cho người khác là hành vi vi phạm pháp luật theo Nghị định 176/2013, Nghị định của chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội mức phạt đối với hành vi xâm hại, hoặc thuê người xâm hại đến sức khỏe của người khác thì mức phạt từ 2-3 triệu đồng.

Cũng theo quy định của pháp luật Hình sự trong trường hợp hành vi hành hung các y bác sỹ gây thương tích với tỷ lệ từ 11% trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo điều 134 Bộ Luật Hình sự năm 2015. Trong trường hợp thương tích dưới 11% nhưng dùng hung khí nguy hiểm hoặc các thủ đoạn khác cũng có thể bị xem xét với điều khoản này.

Trong những trường hợp khác, nếu hành vi hành hung chưa gây thương tích hoặc gây thương tích không đạt tỷ lệ 11% cũng có thể xem xét hoặc xử lý ở tội Gây rối trật tự công cộng theo điều 318 Bộ Luật Hình sự năm 2015.

PV: Theo quy định của Bộ Luật hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành như luật sư vừa trả lời thì việc hành hung bác sỹ có phải là tình tiết tăng nặng hay không?

Luật sư Phạm Thị Thu: Theo điều 52/ Bộ Luật Hình sự năm 2015 có quy định về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Theo đó, đối với các tình tiết sau được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như: phạm tội có tổ chức, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội, v.v…Trong các tình tiết này, hành vi hành hung bác sỹ chưa được coi là tình tiết tăng nặng. Tuy nhiên, với các hành vi có tính chất côn đồ hoặc phạm tội vì động cơ đê hèn cũng được coi là một trong những tình tiết tăng nặng.

PVNhiều trường hợp bác sỹ bị hành hung khi đang khám bệnh cho bệnh nhân nhưng đến giờ chưa đối tượng nào bị khởi tố và xử lý tội chống người thi hành công vụ mà chỉ bị xét xử với tội danh cố ý gây thương tích. Luật sư có thể giải thích vấn đề này thế nào?

Luật sư Phạm Thị Thu: Theo điều 3 của Nghị định 208/2013 quy định và giải thích về người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan, hạ sỹ quan và lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội thì bác sỹ không phải là người thi hành công vụ. Cho nên, hành vi hành hung bác sỹ không bị xử lý theo tội chống người thi hành công vụ mà được xem xét để xử lý theo tội cố ý gây thương tích thông thường như các trường hợp phạm tội bình thường.

doi tuong hanh hung bac sy se bi xu ly ve toi gi? hinh 2
Tình trạng hành hung bác sỹ tại bệnh viện công gia tăng

PVVậy trường hợp người hành hung bác sỹ là cán bộ công chức thì sẽ thế nào vì hành động này có thể đem lại cái nhìn không hay trong lĩnh vực đối tượng hành hung?

Luật sư Phạm Thị Thu: Trong trường hợp người hành hung bác sỹ là cán bộ công chức, ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật về hình sự hoặc xử lý hành chính thì người này còn phải chịu trách nhiệm đối với những biện pháp kỷ luật khác của cơ quan, tổ chức nơi họ đang công tác.

Trong trường hợp người hành hung là cán bộ, công chức mà lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để thực hiện hành vi phạm tội thì có thể bị xử lý theo điểm e khoản 1 điều 134 Bộ Luật Hình sự. Đó là lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện hành vi phạm tội cố ý gây thương tích cho người khác.

Tại khoản 1 điều 134 người nào cố ý gây thương tích, hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc các trường hợp sau đây có thể bị phạt cải tạo không giam giữ từ 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Nếu người hành hung bác sỹ là cán bộ, công chức thì ngoài các quy định bị xử lý về tội cố ý gây thương tích, còn bị xử lý theo quy định của ngành và thậm chí của Đảng nếu người đó là đảng viên.

PVSau khi phạm tội mà người phạm tội trốn tránh hoặc có những hành vi che giấu cho những kẻ phạm tội phải chịu trách nhiệm như thế nào?

Luật sư Phạm Thị Thu: Hành vi che giấu tội phạm được quy định tại điều 18 của Bộ Luật Hình sự năm 2015. Điều 18 quy định người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội về giấu vết, tang vật và có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra và xử lý tội phạm thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm trong trường hợp Bộ Luật Hình sự quy định.

Ngoài ra, người che giấu tội phạm ông bà, cha mẹ, con cháu, anh chị em hoặc vợ chồng của người phạm tội thì không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định vừa trích dẫn. Trừ trường hợp che giấu mà an ninh quốc gia và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được quy định điều 389 của Bộ Luật Hình sự.

PV: Xin cảm ơn luật sư./.

PV/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *