(kontumtv.vn) – Việc người làm oan phải chịu trách nhiệm bồi thường đặt ra vấn đề có khiến người thực thi công vụ chùn tay trong đấu tranh với tội phạm.

Phóng viên VOV phỏng vấn luật sư Nguyễn Minh Long – Giám đốc Công ty Luật Dragon liên quan đến việc Bộ Tài chính đề nghị TAND Tối cao có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc cơ quan có trách nhiệm xác định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây oan sai theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 04/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC.

PV: Trong việc bồi thường 10 tỷ đồng cho ‘người tù thế kỷ’ Huỳnh Văn Nén, Bộ Tài chính đề nghị TAND Tối cao chỉ đạo cơ quan có trách nhiệm bồi thường là TAND tỉnh Bình Thuận xác định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đã gây ra oan sai. Luật sư đánh giá thế nào về vấn đề này?

Luật sư Nguyễn Minh Long: Căn cứ vào quy định của pháp luật, tôi cho rằng, đó là một việc làm mang tính nhân văn và có cơ sở pháp lý, thể hiện trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước đối với công dân nhằm bù đắp những tổn thất về vật chất, tinh thần cho người dân khi phải mang oán oan.

nguoi gay oan cho ong huynh van nen phai boi hoan tien cho nha nuoc   hinh 1
Luật sư Nguyễn Minh Long

Vì đó là những thiệt hại kéo dài trong suốt 17 năm gây bao hệ lụy không những về danh dự, sức khỏe, uy tín đối với riêng cá nhân ‘người tù thế kỷ’ mà còn cả với người thân ruột thịt trong gia đình.

Họ chịu rất nhiều điều tiếng khi ông Huỳnh Văn Nén phải ‘cõng’ trên lưng các bản án oan sai. Lỗi này thuộc về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng và những người tiến hành tố tụng có thẩm quyền của tỉnh Bình Thuận.

Trong vụ án Huỳnh Văn Nén do Tòa án tỉnh Bình Thuận là cơ quan tố tụng xét xử đã kết án oan sai. Bởi thế, theo của Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2009 thì việc bồi thường sẽ được tiến hành theo quy định tại các điều: “Điều 26, Phạm vi trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự”. “Khoản 1, Điều 32, Trách nhiệm bồi thường của Toà án nhân dân trong hoạt động tố tụng hình sự”, “Điều 58, Trình tự, thủ tục quyết định việc hoàn trả” . Và “Khoản 1, Điều 13, Nghị định số 16/2010/NĐ-CP, Điều 8 Thông tư liên tịch số 04/2014”.

Việc xác định trách nhiệm hoàn trả số tiền của người thi hành công vụ đã gây ra oan sai, tôi cho rằng, đây là việc làm phù hợp với quy định của pháp luật về bồi thường oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự cũng như đúng với quy định tại Thông tư liên tịch số: “04/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn thực hiện trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ”.

PV: Việc truy trách nhiệm người gây oan sai phải chịu trách nhiệm bồi thường có làm cho các cá nhân tiến hành tố tụng chùn tay trong đấu tranh phòng chống tội phạm, cũng như sẽ khiến nhiều vụ án kéo dài?

Luật sư Nguyễn Minh Long: Tôi đánh giá đây là văn bản không phải “gây khó khăn, áp lực” cho các cơ quan và cá nhân tiến hành tố tụng mà chính là động lực thúc đẩy cán bộ, công chức, những người nhân danh Nhà nước thực thi công vụ tăng cường trau dồi, học hỏi, tự hoàn thiện mình về mặt chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao trình độ trong quá trình thực thi công vụ nói chung và điều tra, truy tố, xét xử nói riêng. Có như vậy, sẽ góp phần hạn chế án oan và giải quyết được gốc rễ của vấn đề án oan trong hoạt động tố tụng.

nguoi gay oan cho ong huynh van nen phai boi hoan tien cho nha nuoc   hinh 2
Tòa án Bình Thuận bồi thường 10 tỷ đồng cho ông Huỳnh Văn Nén

Mặt khác, tôi cũng đồng tình và kiến nghị Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước cần sửa đổi bổ sung.

Theo đó cần phải bồi thường cho những người thân ruột thịt của các phạm nhân bị kết tội oan sai theo hàng thừa kế thứ nhất (cha, mẹ đẻ, vợ, chồng, con) quy định trong Bộ Luật Dân sự.

Họ là những người bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất khi có người thân bị kết tội. Họ không chỉ phải chịu điều tiếng với dư luận xã hội, có trường hợp còn phải tiêu hao tiền của bán nhà cửa đi để kêu oan, con cái thất học, khiến đời sống trở lên vô cùng cơ cực, nghèo khó.

Đó là những vụ điển hình như vợ ông Nguyễn Thanh Chấn đã bền bỉ trong suốt thời gian dài làm đơn kêu oan cho chồng đến các cơ quan Nhà nước, sau đó bà cũng bị ảnh hưởng về tinh thần…

PV: Có ý kiến cho rằng, đối với người thi hành công vụ làm án oan, không chỉ là trách nhiệm của tòa án mà còn cơ quan tố tụng khác là công an, viện kiểm sát, nhưng cơ quan tố tụng cuối cùng phải chịu trách nhiệm là tòa án, như vậy có hợp lý, thưa luật sư?

Luật sư Nguyễn Minh Long: Chúng ta có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh liên quan đến việc bồi thường đã xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong tiến hành tố tụng hình sự.

Bên cạnh đó, tòa án là cơ quan tư pháp thực thi chức năng xét xử độc lập. Việc ra những phán quyết của tòa có ý nghĩa rất quan trọng đến số phận chính trị pháp lý của người dân. Vì trách nhiệm hình sự là trách nhiệm cao nhất của công dân trước Nhà nước.

Cho nên, trong trường hợp các cơ quan công an, viện kiểm sát thực hành quyền công tố điều tra, truy tố không đúng pháp luật, tòa án hoàn toàn có thẩm quyền theo quy định của pháp luật trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ những chứng cứ còn thiếu, hoặc ra quyết định đình chỉ vụ án nhằm tránh việc truy tố khi không có việc phạm tội hay không đủ yếu tố cấu thành tội phạm…

Tuy nhiên, họ đã không xem xét kỹ những điều này và chỉ dựa vào hồ sơ còn yếu do trình độ non kém, ít kinh nghiệm, cẩu thả của cán bộ điều tra, kiểm sát viên thực thi nhiệm vụ dẫn đến bản án oan sai.

PV: Xin cảm ơn luật sư!./.

Việt Đức/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *