(kontumtv.vn) – Quy định ghi âm, ghi hình khi hỏi cung là một bước tiến trong tố tụng hình sự. Tuy nhiên, cần nâng cao nghiệp vụ của các điều tra viên, vì suy cho cùng, mọi giải pháp đều qua bộ lọc là con người.

Điều 183 về Hỏi cung bị can trong Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có quy định: Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Đây được coi là một nội dung mới và được nhiều người quan tâm ngay từ khi dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến nhân dân.
ghi am, ghi hinh khi hoi cung: 'bo loc' con nguoi phai chuan hinh 0
PGS.TS Nguyễn Thái Phúc

PGS.TS Nguyễn Thái Phúc cho rằng, PGS.TS  Nguyễn Thái Phúc, nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp, quy định ghi âm, ghi hình trong quá trình hỏi cung bị can là một bước tiến trong quá trình bảo đảm quyền của bị can, bị cáo và đó cũng là phương thức để hạn chế hiện tượng tiêu cực, bức cung nhục hình, tra tấn, vi phạm pháp luật. Nhất là khi chúng ta đã tham gia Công ước chống tra tấn thì quy định này trong hoạt động tố tụng hình sự hết sức cần thiết.

“Tôi đánh giá cao việc áp dụng ghi, âm ghi hình trong những lần hỏi cung bị can trong quá trình điều tra. Trong hoạt động tố tụng điều tra, tính công khai của nó không được đầy đủ như khi đã ra phiên tòa. Ra tòa là phải công khai hết, trong khi quá trình điều tra chúng ta vẫn có nguyên tắc bảo đảm bí mật kết quả điều tra. Cùng với đó, sự tham gia của người bào chữa ở trong giai đoạn này cũng có hạn chế hơn và chưa thực sự là bình đẳng với bên buộc tội. Đó cũng là việc thường xảy ra do lịch sử mô hình tố tụng ở nước ta để lại, mà ở một số nước cũng có tình trạng này. Trong khuôn khổ hạn chế của mô hình tố tụng hình sự như vậy, những giải pháp như ghi âm, ghi hình là một trong những phương thức làm cho tính tranh tụng tăng lên, ít nhất là hạn chế được những chuyện tiêu cực, bức cung nhục hình, tra tấn, vi phạm pháp luật”- PGS.TS Nguyễn Thái Phúc nói.

Tất cả các giải pháp đều phải qua bộ lọc là con người

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thái Phúc băn khoăn, trong quá trình thảo luận ở diễn đàn Quốc hội cũng có nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến lo ngại liệu việc ghi âm, ghi hình trong khi hỏi cung có khả thi hay không. Bởi người ta nhìn nhận vấn đề này ở hai khía cạnh, thứ nhất là về vấn đề tài chính. Có những vụ án chỉ riêng một bị can thì đã có đến hàng trăm lời cung, hàng trăm cuộc lấy lời khai, hàng trăm bút lục… thì rõ ràng về khối lượng công việc sẽ tăng lên cho các điều tra viên, cùng với đó là tốn kém về mặt tài chính. Trong khi kinh tế đất nước ta còn khó khăn, nếu quy định tất cả các cuộc hỏi cung đều ghi âm, ghi hình như vậy liệu có khả thi trong thực tế.

Lo ngại thứ hai mọi hoạt động, trong đó có việc ghi âm, ghi hình đều được thực hiện bởi con người. “Suy cho cùng, tất cả các giải pháp đều phải qua một bộ lọc cuối cùng là con người. Nếu con người không có nghiệp vụ thì dù phương tiện kỹ thuật tối tân như thế nào đi nữa, họ vẫn có thể thay đổi. Một khi điều tra viên đã nhận thức không đúng về trách nhiệm của mình, chạy theo những tư duy trọng cung, bằng mọi giá phải có được lời khai của bị can thì biện pháp này không có hiệu quả. Bên cạnh đó, người ta cũng có thể cắt dán băng ghi âm, ghi hình; những thủ tục để thực hiện cuộc ghi âm, ghi hình cũng do con người xếp đặt. Đó cũng là những trăn trở chính đáng của mọi người. Tuy nhiên, tôi cũng nhấn mạnh lại rằng, việc ghi âm, ghi hình trong khi hỏi cung là cần thiết, nó đảm bảo tính xác thực trong khi lấy lời khai, là công cụ để hạn chế những tiêu cực, tra tấn, nhục hình. Việc Quốc hội thông qua Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) trong đó có quy định này là cần thiết nhưng cũng phải tính toán lộ trình áp dụng như thế nào để thực hiện hiệu quả”.

PGS.TS Nguyễn Thái Phúc cũng cho rằng, chúng ta có nhiều giải pháp, không nhất thiết chỉ có giải pháp về kỹ thuật. Chẳng hạn, chúng ta chỉ cần có quy định những lời khai nhận tội của bị can chỉ có giá trị về mặt chứng cứ khi có sự hiện diện của người bào chữa. “Quy định như thế trong luật, về mặt tài chính cũng không tốn kém, về khả năng thì hoàn toàn có thể thực hiện được vì hiện nay hầu hết các tỉnh đều đã có các đoàn luật sư, có trung tâm trợ giúp pháp lý… Quy định như thế sẽ khách quan hơn, bởi vì người ta chỉ tra tấn, nhục hình khi người ta muốn lấy lời khai nhận tội của bị can, bị cáo. Nếu việc nhận tội nhưng không có sự hiện diện của người bào chữa thì ra Tòa không có giá trị chứng cứ, điều này buộc các cơ quan điều tra khi bị can, bị báo nhận tội thì phải mời người bào chữa đến, thì người ta có thể xác thực lời khai đó là sự tự nguyện”./.

Thanh Hà- Minh Hòa/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *