(kontumtv.vn) – Giải pháp cơ bản cho án oan sai chính là sự đồng cảm của cơ quan tố tụng, cần dũng cảm nhận trách nhiệm khi nhận thấy vụ việc bị oan sai.

Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén và gần đây nhất là Trần Văn Thêm đã trở thành những cái tên đặc biệt trong lịch sử ngành Tố tụng Việt Nam bởi gắn với đó là những vụ án oan sai đặc biệt nghiêm trọng gây rúng động dư luận xã hội thời gian qua.

Những vụ án oan rúng động xã hội

han che oan sai: neu co su dong cam cua co quan to tung hinh 0
Ông Trần Văn Thêm trong buổi được công khai xin lỗi (Ảnh: Việt Đức)

Gần đây nhất là vụ án oan của ông Trần Văn Thêm (SN 1936, trú tại xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh). Bị cáo buộc giết em họ – ông Nguyễn Khắc Văn để cướp của, ông Thêm bị kết oán oan sai và mang thân phận giết người hơn 40 năm. Ngày 11/8/2016, Liên ngành tư pháp Trung ương tổ chức xin lỗi công khai, và công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Trần Văn Thêm.

Trước đó, ông Nguyễn Thanh Chấn bị bắt và kết án chung thân tội danh giết người trong vụ án mạng xảy ra  năm 2003 tại thôn Me, xã Nghĩa Hưng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, nạn nhân là chị Nguyễn Thị Hoan. Mặc dù đã ra sức kêu oan, nhưng phải sau hơn 10 năm ngồi tù, năm 2014, ông Chấn mới chính thức được minh oan. Tháng 4/2015, Tòa Phúc thẩm – TAND Tối cao đã tổ chức xin lỗi công khai ông Nguyễn Thanh Chấn tại địa phương đồng thời bồi thường ông Chấn số tiền 7,2 tỷ đồng.

Ông Huỳnh Văn Nén bị kết án chung thân với tội danh giết người trong vụ án bà Lê Thị Bông (Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận). Sau hơn 17 năm ngồi tù, ông Nén được Tòa án Nhân dân tối cao hủy bản án của Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Thuận, trả hồ sơ để điều tra lại. Sau 8 tháng với 2 lần gia hạn điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận vẫn không tìm thấy chứng cứ để buộc tội giết người đối với ông Nén. Ngoài ra, ông Nén còn bị oan trong vụ án vườn điều cũng ở Hàm Tân, Bình Thuận, một vụ án oan nổi tiếng trong lịch sử tố tụng Việt Nam. Tháng 12/2015, đại diện các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận đã tiến hành xin lỗi công khai ông Huỳnh Văn Nén tại trụ sở UBND thị trấn Tân Minh, thừa nhận những sai sót đã dẫn tới việc bắt oan ông Nén trong 2 vụ án giết bà Lê Thị Bông (1998) và “kỳ án vườn điều” (1993).

Nhiều nguyên tắc bị bỏ qua trong quá trình điều tra

Dư luận không thể không đặt câu hỏi: Nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng án oan sai?

Chia sẻ với phóng viên VOV, luật sư Tạ Quốc Long (Công ty luật Đức Bảo) khẳng định: Một nền tư pháp cho dù có lâu đời và tiên tiến đến đâu cũng khó tránh được án oan sai. Án oan sai có thể xuất hiện bởi nhiều yếu tố cả chủ quan và khách quan: Có thể do người có thẩm quyền ngộ nhận các chứng cứ dẫn đến sự buộc tội là khách quan. Có khi đó là sự nôn nóng, thiếu hiểu biết hoặc yếu về chuyên môn khi xét đoán chứng cứ…

Ở Việt Nam, trong nhiều vụ án, để đạt được hiệu quả xử lý tội phạm, người có thẩm quyền sẵn sàng bỏ qua các nguyên tắc: Suy đoán vô tội; Trọng chứng hơn trọng cung; Không được dùng bức cung, nhục hình… để lấy được lời nhận tội càng nhanh càng tốt. Khi nghi phạm bị người có trách nhiệm sử dụng nhục hình gây nỗi đau thể xác hoặc dùng biện pháp lừa dối như mớm cung, dụ cung… thì họ thường nhận tội để nhanh chóng thoát khỏi hoàn cảnh đó, với những lời nhận tội không xuất phát từ kết quả quá trình đánh giá chứng cứ khách quan và nghiệp vụ điều tra đúng pháp luật. Khi đó án oan tất yếu sẽ xảy ra.

Cũng theo luật sư Long, đã có nhiều vụ án oan xuất phát từ quan niệm bất bình đẳng giữa cơ quan pháp luật và công dân dẫn đến các hậu quả pháp lý khó kiểm soát. Luật sư với vai trò người bảo vệ cho công dân trước sự buộc tội của cơ quan quyền lực nhà nước nhiều khi bị coi là tác nhân cản trở sự buộc tội, nên có lúc quyền có người bào chữa của nghi phạm bị xâm phạm. Tình trạng luật sư bị gây khó khăn khi đến xin chứng nhận bào chữa, tham gia lấy lời khai, tiếp cận chứng cứ…, không phải là hiếm. Khi không có sự hỗ trợ pháp lý của luật sư và trong một hoàn cảnh đặc biệt (giam giữ, bị hỏi cung, cấm đi khỏi nơi cư trú), nhiều khả năng nghi phạm sẽ dần dần tự biến mình thành kẻ có tội và bị buộc tội trái pháp luật.

Cần sự dũng cảm nhận trách nhiệm từ các cơ quan tố tụng

han che oan sai: neu co su dong cam cua co quan to tung hinh 1
Luật sư Nguyễn Văn Quynh và ông Huỳnh Văn Nén (Ảnh do LS cung cấp)

Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư TP Hà Nội), người đã cùng đồng hành với người dân trong rất nhiều vụ án oan sai, trong đó phải kể đến vụ án của ông Huỳnh Văn Nén, cho rằng, nhiều khả năng do năng lực của đội ngũ thẩm tra viên của Tòa án Nhân dân cấp cao, hoặc do số lượng thẩm tra viên quá mỏng không thể xem xét toàn diện các vụ án. Khi đó dẫn tới tình trạng gia đình bị cáo đề nghị xem xét theo trình tự giám đốc thẩm, phải mất rất nhiều thời gian sau họ mới nhận được câu trả lời, và câu trả lời thường là không có đủ căn cứ để xem xét kháng nghị.

Tuy nhiên, cũng theo luật sư Nguyễn Văn Quynh, có một điều rất “lạ” là sau khi các cơ quan như Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, hay các vị lãnh đạo cấp cao có văn bản yêu cầu, chỉ đạo xem xét thì vụ việc được đưa ra xem xét rất nhanh. Điển hình là vụ ông Huỳnh Văn Nén, bản thân ông Nén và nhóm luật sư đã rất nhiều lần gửi đơn kiến nghị và cũng được trả lời là không có căn cứ để xem xét kháng nghị. Nhưng từ lúc có sự vào cuộc của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và đặc biệt là sự ủng hộ của dư luận, các cơ quan thông tấn báo chí, vụ án của ông Nén đã được xem xét nhanh chóng.

Luật sư Quynh cũng đưa ra thêm một dẫn chứng cho nhận định trên đó là vụ việc ông Nguyễn Văn Bỉ – chủ đất quán Xin Chào, dựng chòi nuôi vịt bị khởi tố hành vi xây dựng trái phép. Nếu không có dư luận xã hội ủng hộ, rất có thể ông Nguyễn Văn Bỉ cũng đã phải ra trước vành móng ngựa.

Theo Luật sư Quynh, một trong nhiều lý do khiến cho việc kháng nghị của người dân phải mất nhiều thời gian là do luật không quy định thời hạn nghiên cứu hồ sơ để xem xét kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm là bao lâu. Khoản 2 Điều 278 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định việc kiến nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể tiến hành bất cứ lúc nào kể cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần phải minh oan. Tuy nhiên, trên thực tế, có tình trạng các cơ quan chức năng dựa vào điều này để trì hoãn, thậm chí trì hoãn vô thời hạn các kháng nghị của người dân. “Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến cho các vụ án oan sai thường bị kéo dài”, luật sư Quynh nhấn mạnh.

Giải pháp cho tình trạng này phải căn cứ vào pháp luật. Pháp luật chưa đầy đủ, trong quá trình thực thi cần phải bổ sung. Luật sư Quynh cho rằng, giải pháp cơ bản chính là sự đồng cảm của các cơ quan tố tụng, nếu họ nhận thấy vụ việc của bị cáo này là oan sai thì các cơ quan tố tụng, cơ quan có thẩm quyền cần dũng cảm nhận trách nhiệm. Đặc biệt, trong nhiều vụ án, một lời xin lỗi để minh oan quan trọng và cần thiết hơn số tiền bồi thường.

Từ thực tế hoạt động của mình, luật sư Quynh tin tưởng Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 và Bộ luật Hình sự 2015 sớm có hiệu lực vào đầu năm 2017 với nhiều cải cách tiến bộ vượt bậc, trong đó có quy định về áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội sẽ góp phần ngăn chặn, hạn chế những vụ án oan sai kéo dài.

Hậu quả của án oan sai không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống vật chất, tinh thần của người bị kết án oan, mà gia đình, họ hàng của họ cũng phải chịu. Hậu quả lớn khác chính là uy tín của cơ quan tố tụng nhân danh Nhà nước để phán xử cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những thiệt hại đó không thể đong đếm được. Vì thế, chỉ khi sự tuân thủ Hiến pháp và pháp luật được coi trọng thì án oan sai mới có thể được hạn chế và quyền con người mới được tôn trọng triệt để./.

Hà Thanh-Lê Tuyết/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *