(kontumtv.vn) – Pháp luật chưa quy định cụ thể về cách thức xử lý, cưỡng chế, nộp phạt đối với trường hợp bị “phạt nguội” dễ dẫn đến việc xử phạt thiếu linh hoạt.

Phạt nguội giao thông là hình thức xử phạt rất đáng hoan nghênh, vì tính minh bạch, không dễ xảy ra tiêu cực, xin-cho, qua đó có tác dụng nâng cao ý thức đối với chủ phương tiện khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, với quy định hiện hành, không ít người tham gia giao thông cho rằng, dù họ có muốn chấp hành quy định nhưng cũng rất gian nan. Phóng viên báo VOV trao đổi với luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Công ty luật Phạm Danh.

quy dinh xu ly doi voi truong hop phat nguoi chua chat che ro rang hinh 1
Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Công ty luật Phạm Danh.

PVXin luật sư cho biết quy trình, thủ tục nộp “phạt nguội” được quy định như thế nào trong pháp luật? 

Luật sư Phạm Thành Tài: Theo quy định của pháp luật thì không có khái niệm “phạt nguội”. Đây là khái niệm người dân sử dụng để gọi tắt tên hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thông qua việc sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, cụ thể là thiết bị ghi hình (camera).

Theo quy định tại Thông tư số 06/2017/TT-BGTVT ngày 28/2/2017 của Bộ GT-VT có 02 cách thức xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thông qua việc sử dụng kết quả là hình ảnh thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ bao gồm: Xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ (trường hợp có lực lượng chức năng tại hiện trường) hoặc bằng cách thức thông báo cho tổ chức, cá nhân vi phạm về hành vi vi phạm và yêu cầu đến cơ quan có thẩm quyền để xử phạt vi phạm hành chính theo quy định (trường hợp không có lực lượng chức năng tại hiện trường).

Riêng đối với trường hợp không có lực lượng chức năng tại hiện trường thì căn cứ theo quy định tại Điều 78, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về thủ tục nộp tiền phạt thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt. Nếu cá nhân vi phạm không cư trú, tổ chức bị xử phạt không đóng trụ sở tại nơi xảy ra hành vi vi phạm thì theo đề nghị của cá nhân, tổ chức bị xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt quyết định nộp tiền phạt theo hình thức chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt.

Như vậy, người vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ không bắt buộc phải nộp phạt trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền thu phạt được ghi trong quyết định xử phạt.

PVTrong trường hợp chủ phương tiện bị “phạt nguội” mà không nộp phạt thì sẽ gặp rắc rối gì, thưa luật sư? 

Luật sư Phạm Thành Tài: Nếu quá thời hạn nộp tiền phạt (10 ngày) mà cá nhân, tổ chức vi phạm không nộp phạt, đồng thời không có đơn đề nghị hoãn nộp tiền phạt, thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp (theo khoản 1 Điều 78, Luật Xử lý vi phạm hành chính).

Đồng thời, trong trường hợp cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền có văn bản đề nghị không kiểm định phương tiện vi phạm hoặc phương tiện vi phạm bị cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định thì cá nhân, tổ chức là chủ phương tiện vi phạm bị đề nghị, cảnh báo sẽ không được kiểm định (căn cứ khoản 6 Điều 4 Thông tư 70/2015/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ).

PVTheo luật sư, việc “phạt nguội” đang tồn tại bất cập gì và cần sửa đổi luật như thế nào?

Luật sư Phạm Thành Tài: Hiện pháp luật chưa quy định cụ thể về cách thức xử lý, cưỡng chế, nộp phạt đối với trường hợp bị “phạt nguội”. Những quy định hiện nay vẫn còn mang tính chung chung, chưa chặt chẽ và chưa rõ ràng dễ dẫn đến việc xử phạt thiếu linh hoạt và đồng nhất.

Bên cạnh đó có những trường hợp người vi phạm không nộp phạt hoặc có trường hợp chuyển nhượng phương tiện nhưng không sang tên chủ sở hữu, khi có vi phạm xảy ra thì thông báo vi phạm lại được gửi đến chủ cũ của phương tiện vi phạm dẫn đến tình trạng khó xử lý đúng đối tượng. Hiện nay cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện phối hợp với đơn vị đăng kiểm để xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Tuy nhiên chưa có một quy định cụ thể nào về việc phối hợp nói trên dẫn đến có nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần sớm xây dựng và ban hành thông tư quy định cụ thể về quy trình, trình tự thủ tục xử phạt vi phạm hành chính thông qua việc sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong lĩnh vực giao thông đường bộ để việc xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp này được thực hiện đồng bộ, minh bạch; đem lại lợi ích trong việc giữ gìn trật tự, an toàn giao thông và quan trọng nhất là làm sao để linh hoạt, thuận tiện cho người dân khi chấp hành quy định của pháp luật!

PVXin cảm ơn luật sư./.

Minh Thư/Báo VOV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *