(kontumtv.vn) – Ngoài thể hiện tính nhân đạo, việc xem xét không tử hình khi khắc phục cơ bản hậu quả phải chăng nhằm thu hồi tài sản, nhất là với tội tham nhũng.

Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về các tội có mục đích kinh tế, sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Xét cụ thể với tội phạm tham nhũng, bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIII vừa qua, ý kiến ủng hộ cho rằng dù với quyết tâm rất lớn, nhưng trong thời gian dài, số đối tượng bị phát hiện và xử lý rất ,ít nhất là trường hợp bị áp dụng hình phạt tử hình và đặc biệt là tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng phần lớn các vụ chỉ đạt trên 10%. Tuy vậy, nhiều ý kiến bày tỏ không đồng tình trên quan điểm “tiền không thể mua được án”.

Trừng trị nhưng phải thu hồi được tài sản

Ông Nguyễn Công Hồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá, hướng giảm án tử hình là phù hợp với xu thế chung, đúng với quan điểm cải cách tư pháp của Đảng. Hơn nữa, pháp luật nước ta vừa mang tính giáo dục, vừa mang tính trừng trị, răn đe và phòng ngừa, nên đối với tội phạm kinh tế hay tội phạm chức vụ, nếu người phạm tội khắc phục được hậu quả thì nên cho họ cơ hội sống.

sua luat hinh su: nop tien de thoat an tu la huong nhan dao? hinh 0
Ông Nguyễn Công Hồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội 

Đại biểu Quốc hội này cho rằng, việc xem xét chuyển án tử hình xuống tù chung thân với những trường hợp lập công hay khắc phục cơ bản những thiệt hại do hành vi của mình gây ra không đồng nghĩa với việc cứ có tiền thì anh được trắng tội. Hơn nữa, không hay gì khi tước bỏ mạng sống của một con người.

“Xử lý các tội về kinh tế, mục đích sâu xa là làm sao tước bỏ mọi lợi nhuận, lợi ích phi pháp mà đối tượng phạm tội đã đạt được, thu về cho ngân sách Nhà nước hoặc trả lại cho người bị xâm hại, chứ không phải chỉ là trừng trị người vi phạm”, ông Hồng nêu quan điểm.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của của Quốc hội, những đối tượng này, nếu họ khắc phục được, “cải tà quy chính”, ăn năn hối cải, thậm chí lập công thì cũng nên cho họ một con đường sống. Đó cũng là một hướng nhân đạo.

Đại biểu phân tích: “Về khả năng tái phạm cũng không đáng lo bởi người phạm tội tham nhũng, chức vụ một khi đã rơi vào vòng tố tụng thì thân bại danh liệt, khó có thể trở lại cương vị như cũ để tiếp tục phạm tội. Nói thế không có nghĩa họ thoát tội, bởi khi không lĩnh án tử hình, họ vẫn phải chịu tù chung thân- một hình phạt cũng hết sức nghiêm khắc”.

Tuy vậy, ông Nguyễn Công Hồng băn khoăn về quy định “khắc phục cơ bản hậu quả” vì thiếu cụ thể, có thể dẫn đến cách hiểu khác nhau và không bảo đảm tính khả thi. Mặt khác, nếu luật quy định chung chung, dựa hẳn vào sự công tâm của thẩm phán, để cho thẩm phán quyết thì vừa “làm khó” cho thẩm phán, vừa không thể tránh khỏi sự tùy tiện trong quá trình phán xét.

Chờ thi hành án rồi mới khắc phục thì như mua án?

Ông Hồ Trọng Ngũ – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội bày tỏ quan điểm không đồng tình với quy định trên trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Bởi nguyên tắc khi áp dụng hình phạt trong xét xử, tòa đã xét về nhân thân và tất cả các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để lượng hình và đi đến phán quyết.

sua luat hinh su: nop tien de thoat an tu la huong nhan dao? hinh 1
Ông Hồ Trọng Ngũ – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội 

Theo vị đại biểu Quốc hội này, nếu đối tượng khắc phục hậu quả trước khi bị kết án thì lại khác, vì khi đó được coi là tính chất nguy hiểm của hành vi đã được giảm nhẹ. Khi quyết định tử hình rồi thì không thể mua bằng tiền được.

“Không thể nói bị kết án mới khắc phục hậu quả vì không đúng với tinh thần pháp luật. Bản án khi có hiệu lực, nếu dùng tiền khắc phục hậu quả để được giảm hình phạt thì vô hình trung dùng tiền để mua hình phạt, là không được. Quan điểm của tôi không ủng hộ, vì như vậy sẽ bất bình đẳng giữa người có tiền và người không có tiền”, ông Hồ Trọng Ngũ nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội nhấn mạnh, chủ trương của Đảng trong Nghị quyết 49 là “hạn chế áp dụng” hình phạt tử hình. Điều đó có nghĩa luật hình có thể vẫn quy định, chính sách hình sự vẫn thế nhưng khi áp dụng thì cố gắng tối đa tìm điểm nào le lói có thể cứu vớt, đưa người phạm tội có cơ hội trở lại con đường lương thiện được thì không áp dụng hình phạt tử hình.

“Hình phạt là quả cân để cân hành vi phạm tội. Khi lập pháp xác định mỗi tội phạm có một quả cân tương ứng, và hệ thống hình phạt là những quả cân để lượng hình hành vi ấy. Người xét xử phải dùng quả cân nào hợp lý để cân hành vi phạm tội, xác lập công lý”, ông Hồ Trọng Ngũ phân tích./.

“Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thời gian qua còn rất thấp, phần lớn chỉ đạt hơn 10%. Đối tượng tham nhũng lợi dụng chức vụ quyền hạn để vơ vét tài sản của nhà nước, của nhân dân mà tài sản ấy lại không thu hồi được thì mục tiêu và đích đến của chống tham nhũng là chưa đạt”- Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban VH-GD-TTN-NĐ.

N.T/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *