(Kontumtv.vn) -Thủ tướng yêu cầu báo cáo kết quả và đề xuất biện pháp giải quyết vụ án Chìm ca nô ở huyện Cần Giờ trước ngày 30/12.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 10345/VPCP-V.I truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về vụ án Chìm ca nô ở huyện Cần Giờ.

Công văn ghi: Thủ tướng Chính phủ nhận được thư kiến nghị của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Séc phản ánh việc cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM lạm dụng quyền lực trong vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn”.

Về việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến như sau:

thu tuong yeu cau bao cao ve vu an chim ca no o huyen can gio hinh 1
Doanh nghiệp gặp khó khăn khi giám đốc tiếp tục bị cấm xuất cảnh để tìm kiếm đối tác hợp tác kinh tế.

Bộ Công an thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nêu tại văn bản số 8370/VPCP-V.I ngày 14/10/2015 của Văn phòng Chính phủ, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/12/2016.

Giao Chủ tịch UBND TP.HCM phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra vụ việc này, đề xuất biện pháp giải quyết lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/12/2016.

Trước đó, Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Séc có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Thủ tướng Chính phủ về việc cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM (PC44) gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo đó, Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Séc, ngày 5/9/2016 có văn bản gửi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đề nghị cho ý kiến trả lời về việc xuất nhập cảnh đối với hai lãnh đạo của doanh nghiệp là ông Vũ Văn Đảo và ông Đinh Văn Quyết nhưng đến nay không nhận được ý kiến phản hồi của PC44.

Qua thông tin do Cục quản lý Xuất nhập cảnh Bộ Công an, Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Séc được biết ông Đảo và ông Quyết đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM tiếp tục gia hạn thời gian chưa được xuất nhập cảnh từ ngày 5/9/2016 đến 5/9/2018.

Vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” xảy ra tại Cần Giờ ngày 2/8/2013 do PC44 ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can từ ngày 4/9/2013 đến nay đã hơn 3 năm nhưng việc điều tra vẫn chưa kết thúc.

Liên quan đến vụ án này, Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Séc cùng nhiều doanh nghiệp đã nhiều lần có văn bản kiến nghị gửi cơ quan tố tụng khẳng định việc khởi tố ông Đảo và ông Quyết trong vụ án này là oan sai nhưng người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã không lắng nghe để sửa chữa mà tiếp tục lạm dụng quyền lực để kéo dài vụ án gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Séc là một doanh nghiệp khoa học và công nghệ, ông Vũ Văn Đảo là một trong những người sáng lập, có nhiều công lao trong việc đưa công nghệ tiên tiến từ châu Âu về Việt Nam để sản xuất tàu thuyền.

Việc cơ quan điều tra tạm đình chỉ vụ án nhưng vẫn tiếp tục gia hạn cấm xuất cảnh với hai lãnh đạo doanh nghiệp nhằm kéo dài vụ án oan sai đến 5 năm là đi ngược lại chủ trương, chính sách của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Văn bản của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Séc do ông Lê Văn Học – Phó giám đốc ký tên đã thay mặt những người lao động của doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cơ quan điều tra rút quyết định hạn chế xuất cảnh đối với ông Đảo và ông Quyết.

Vụ án nói trên kéo dài hơn 3 năm, nếu không chứng minh được tội phạm thì cơ quan điều tra cần đình chỉ điều tra vụ án để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Vụ án tai nạn giao thông kéo dài, có dấu hiệu oan sai

Vụ án chìm ca nô ở huyện Cần Giờ tính đến thời điểm này đã kéo dài hơn 3 năm. Hiện nay, vụ án đang ở giai đoạn tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ bị can với lý do cần phải giám định tư pháp đối với ca nô BP 12-04-02.

Ngày 18/11/2015, Hội đồng giám định đưa ra kết luận giám định theo yêu cầu của cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM.

Tính từ thời điểm có kết luận giám định đến nay là hơn 1 năm, nhưng cơ quan điều tra vẫn chưa đưa ra kết luận của vụ án.

Nhiều cơ quan báo đài có nhiều bài viết liên quan đến vụ án này. Các chuyên gia pháp lý, các tổ chức pháp luật, các luật sư dựa trên khoa học pháp lý đều khẳng định vụ án Chìm ca nô ở Cần Giờ có dấu hiệu oan sai.

Nhiều đơn thư kiến nghị của các tổ chức, của Ban Dân nguyện – Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các bộ ngành… gửi đến cơ quan tố tụng Trung ương, cơ quan tố tụng của TP.HCM đốc thúc giải quyết vụ án dựa trên cơ sở pháp luật nhưng đến nay tất cả ý kiến trên vẫn chìm trong im lặng./.

Việt Đức/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *