(kontumtv.vn) – Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức “Út trọc”) phủ nhận việc chỉ đạo cấp dưới để “né” bị phạt về xăng dầu kém chất lượng; không cố ý kê khai bằng Đại học giả.

Ngày 30/7, Tòa án Quân sự Thủ đô mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Đinh Ngọc Hệ (SN 1971, ở Yên Khánh, Ninh Bình, biệt danh “Út trọc” – nguyên thượng tá, Phó TGĐ Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Q.P) về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức.

ut troc dinh ngoc he khai gi truoc toa quan su hinh 1
“Út trọc” tại phiên tòa sáng 30/7. (Ảnh: TTXVN).

Các bị cáo Trần Văn Lâm, Trần Xuân Sơn, Bùi Văn Tiệp (Đại tá, nguyên Sư đoàn trưởng 367 Quân chủng PK-KQ) bị xét xử về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bị cáo Phùng Danh Thắm (Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn) bị xét xử về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Khai bằng giả là do…vô ý!

Cáo trạng quy buộc bị cáo Đinh Ngọc Hệ mua 1 bảng điểm, 1 bằng Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân giả, nhiều lần sử dụng để kê khai hồ sơ nâng lương, bổ nhiệm, thăng quân hàm. Tuy nhiên, tại tòa, Hệ nói không cố ý khai vào các lý lịch kể từ khi Công ty ADCC (thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân) phát hiện và không thừa nhận.

ut troc dinh ngoc he khai gi truoc toa quan su hinh 2
Quang cảnh phiên tòa. (Ảnh: TTXVN).

“Dân trí của bị cáo thấp, lúc đó bị cáo nhận thức vẫn là đúng” – Hệ trả lời lời Viện Kiểm sát về nhận thức được việc dùng tiền mua bằng đó đúng hay sai; đồng thời cho rằng, việc bị truy tố tội Sử dụng hồ sơ, tài liệu giả là quá nghiêm khắc với bị cáo.

“Bị cáo không dùng thì tại sao trong hồ sơ của bị cáo vẫn có tốt nghiệp ĐH?” – VKS đặt câu hỏi, đồng thời công bố số hiệu bằng tốt nghiệp ĐH cũng như bảng điểm của bị cáo Hệ được chứng thực sao đúng với bản chính. Bị cáo Đinh Ngọc Hệ nói “do các cơ quan chức năng sai chứ không phải bị cáo kê khai”.

HĐXX tiếp tục hỏi: Nếu không có bằng ĐH này thì bị cáo có được lên lương, ngạch, quân hàm cao cấp không? Tại thời điểm bị cáo được nâng từ 2010-2013, nếu không có bằng ĐH này thì bị cáo có được biên chế không? Bị cáo Hệ trả lời: “Nếu không do các cơ quan chức năng thì đến năm 2014 bị cáo đã có bằng đó rồi và thời điểm đó vẫn được biên chế”.

“Bị cáo là cán bộ, sĩ quan, khi ký tên, xác nhận vào lý lịch Đảng viên, kể cả nhờ cán bộ chính trị viết thì bị cáo cũng phải chịu trách nhiệm với chữ ký và lời khai của mình” – HĐXX nhấn mạnh. Bị cáo Hệ thừa nhận đó là sự vô ý của bị cáo. Toà cho rằng, những việc làm và xác nhận của bị cáo trong lý lịch đã trả lời cho trách nhiệm của bị cáo trong việc sử dụng bằng.

Phủ nhận lời khai của bị cáo khác

Theo cáo trạng, cuối năm 2012, Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn – Bộ Q.P hợp đồng hợp tác kinh doanh, thực chất là thuê đất của Lữ đoàn 43, Quân đoàn 4 để cho Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà thuê lại kinh doanh xăng dầu.

ut troc dinh ngoc he khai gi truoc toa quan su hinh 3
Các bị cáo tại phiên tòa sáng 30/7. (Ảnh: TTXVN).

Đinh Ngọc Hệ đã ký quyết định thành lập Chi nhánh công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng tại Bình Dương và bổ nhiệm ông Trần Xuân Sơn là người của Công ty Hải Hà làm giám đốc chi nhánh. Chi nhánh này chỉ là danh nghĩa đứng tên Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn – Bộ Q.P, thực chất là để xin cấp phép xây dựng, giấy phép kinh doanh xăng dầu giúp công ty Hải Hà đầu tư cơ sở vật chất, mở cửa hàng xăng dầu Thái Sơn.

Ngày 23/6/2014, Đội kiểm tra liên ngành của tỉnh Bình Dương kiểm tra cửa hàng xăng dầu Thái Sơn và phát hiện hàng chục nghìn lít xăng không đạt tiêu chuẩn nên đã niêm phong cột bơm và yêu cầu doanh nghiệp cung cấp tài liệu giải trình.

Sau đó, Hệ đã cùng đồng phạm làm văn bản mạo nhận hoạt động kinh doanh xăng dầu của cửa hàng xăng dầu Thái Sơn chủ yếu phục vụ nhiệm vụ kinh tế quốc phòng, nhận số xăng kém chất lượng trên là đơn vị quân đội gửi. Chi cục quản lý thị trường tỉnh Bình Dương tin tưởng đây là xăng dầu đơn vị Quân đội gửi nên không truy xuất đến cùng, không xử phạt hành chính đối với số xăng kém chất lượng nêu trên (số tiền trên 1 tỷ đồng).

Trả lời câu hỏi của luật sư tại tòa, bị cáo Trần Văn Lâm cho rằng, Bùi Văn Tiệp ký trước rồi bị cáo mới mang cho Trần Xuân Sơn. Tuy nhiên, bị cáo Tiệp không thừa nhận và nói Sơn là người ký trước.

Bị cáo Trần Xuân Sơn giải thích rằng, khi ký hợp đồng gửi xăng chỉ nghĩ mục đích để cửa hàng được mở niêm phong và hoạt động trở lại chứ không biết số tiền bị phạt lớn như thế, chỉ sau này vụ án được khởi tố bị cáo mới biết.

Bị cáo Bùi Văn Tiệp trả lời câu hỏi của luật sư cho biết, ban đầu khi ký hợp đồng gửi xăng cũng đắn đo nhưng nghe Lâm nói, đây là kho xăng dầu của Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng, vì để lâu nên kém chất lượng nên “thấy có lý” vì thực tế có tình trạng này. Hơn nữa, với suy nghĩ “ký để giúp công ty của quân đội khỏi bị phạt, đỡ mang tiếng” nên Tiệp đã ký.

Còn bị cáo Đinh Ngọc Hệ thì cho rằng, bản thân ông và Tổng Công ty không biết việc kinh doanh xăng dầu kém chất lượng ở Bình Dương. Hệ cũng phủ nhận lời khai của các bị cáo khác cho rằng, mình có chỉ đạo và lời khai đó là không có căn cứ./.

Lê Tùng/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *