Chiều 12/11, Quốc hội họp tại hội trường, nghe và cho ý kiến về dự thảo Luật Công chứng và dự thảo Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Sau 8 năm thực hiện, Luật Giao thông đường thuỷ nội địa (GTĐTNĐ) tạo lập được những điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong nước tham gia vào hoạt động giao thông vận tải. Tuy vậy, Luật cũng đã bộc lộ những hạn chế cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Cụ thể, Luật hiện hành cũng có một số nội dung còn thiếu, chưa điều chỉnh như: Quy định về cho thuê khai thác cảng, bến thủy nội địa; quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; quy định về kháng nghị đường thủy nội địa; vận tải đa phương thức; cứu hộ, cứu nạn giao thông đường thuỷ nội địa và quy định về nội dung quản lý Nhà nước về giao thông đường thủy nội địa…

Vì vậy, tại kỳ họp này, Chính phủ đã xây dựng, trình Quốc hội xem xét, sửa đổi bổ sung 36 điều/103 điều của Luật GTĐTNĐ năm 2004. Nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng áp dụng một số quy định có liên quan của Luật đối với cả hoạt động giao thông đường thủy nội địa diễn ra ở vùng nước không phải là đường thủy nội địa nhằm bao quát hơn việc quản lý, xử lý các vấn đề liên quan, siết chặt hơn nữa việc quản lý vận hành an toàn các phương tiện, quy định chi tiết hơn các vấn đề liên quan đến kết cấu hạ tầng, nhất là cảng, bến thủy nội địa

Dự luật cũng bổ sung quy định về “Đăng kiểm phương tiện”, trong đó bổ sung quy định Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành quy chuẩn kỹ thuật cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa, phục hồi phương tiện nhằm tăng cường quản lý Nhà nước đối với các cơ sở trên, góp phần nâng cao chất lượng của phương tiện. Quản lý hợp lý hơn vấn đề thuyền viên và người lái phương tiện với các quy định về “Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn và chứng chỉ chuyên môn”, về vận hành “Vận tải đa phương thức”.

Cùng ngày, Quốc hội đã cho ý kiến về dự  án Luật Công chứng sửa đổi. Trong đó, tổng cộng 19 ý kiến phát biểu đều tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Công chứng năm 2006.

Các ý kiến đặc biệt quan tâm đến vấn đề xã hội hóa công chứng, coi đây là một chủ trương đúng đắn nhưng cũng cần xem lại chất lượng đáp ứng nhu cầu xã hội của hệ thống công chứng thời gian qua cũng như lộ trình xóa bỏ công chứng nhà nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá các ý kiến đều bám sát, nêu ra nhiều vấn đề cụ  thể, thiết thực trong việc sửa đổi quy định pháp lý về công chứng. Đặc biệt là vấn đề mở rộng phạm vi công chứng, tiêu chuẩn công chứng viên, cần quy định 2 người hợp danh trong mở phòng công chứng, về quy định miễn đào tạo nghề ở một số người chuyển sang làm công chứng viên, việc bồi dưỡng nghề nghiệp, lưu trữ hồ sơ công chứng…

Theo : Nguyên Linh/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *