(kontumtv.vn) – Bệnh tim mạch là một trong những căn bệnh người cao tuổi thường hay gặp phải và gây nguy hiểm nhất đến tính mạng. Thế nhưng phần lớn người dân vẫn chưa hiểu và chưa chủ động để phòng tránh căn bệnh này. Do vậy mà tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch ngày càng gia tăng.

Điều trị bệnh nhân tim mạch
Điều trị bệnh nhân tim mạch

Mặc dù bị mắc bệnh tim mạch rất nặng, nhưng trước đây ông Châu Vĩnh Phúc (thôn 6, xã Đăk La, huyện Đăk Hà) hoàn toàn không biết gì về căn bệnh của mình. Do không biết về bệnh lý nên ông không biết cách phòng ngừa và ông đã phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch, nhồi máu cơ tim. Ông Phúc kể: “Triệu chứng của tôi là tức ngực, khó thở, sau khi đi khám ở Trung tâm Y tế huyện mình mới biết là bị căn bệnh nhồi máu cơ tim. Nguyên nhân các bác sỹ cho tôi biết là nó từ các chế độ sinh hoạt, ăn uống mà nhất là thuốc lá.  Tôi là bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá cũng đã lâu”.

Cũng như phần lớn các bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, bà Lê Thị Hương (tổ 7, thị trấn Đăk Hà) chỉ biết đến bệnh của mình khi nhập viện cấp cứu. Bà nói: “Từ khi tôi phát hiện bệnh đến nay được bốn, năm năm rồi. Từ khi phát hiện thì cứ theo phát đồ khám chữa bệnh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đến nay vẫn tiếp tục điều trị”.

Bệnh tim mạch là một căn bệnh mãn tính và là một trong những bệnh gây đột tử cao đối với người cao tuổi. Những người mắc bệnh tim mạch thường ở độ  tuổi ngoài 45. Thạc sỹ BS Lê Hữu Lợi, Phó trưởng Khoa Nội tim mạch – Lão khoa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cho biết: “Những người mắc bệnh tim mạch hầu như các triệu chứng rất mơ hồ, do đó dễ sinh các yếu tố chủ quan, không đi khám bệnh, nên mức độ nguy hiểm rất cao và mức độ di chứng để lại rất nhiều. Ví dụ như các bệnh lý về tăng huyết áp, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, hầu như bệnh nhân không có triệu chứng gì cho đến khi nó thể hiện ra như bị tai biến mạch máu não, bị nhồi máu cơ tim cấp, suy tim. Những bệnh lý này sẽ đưa đến mức  độ hoặc là tử vong, hoặc là mất khả năng lao động, khả năng tự chăm sóc”.

Theo thống kê của  của Khoa Tim mạch – Lão khoa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, trong những năm gần đây, bệnh nhân mắc các  bệnh lý tim mạch trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng. Từ đầu năm 2014 đến nay, mỗi tháng Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám và điều trị ngoài trú từ 3.000 đến 4.500 lượt, bình quân mỗi ngày điều trị nội trú từ 40 đến 50 bệnh nhân mắc các loại bệnh tim mạch.

 Mặc dù cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, thiết bị y tế  để đáp ứng như cầu khám chữa bệnh tim mạch đã dần được quan tâm đầu tư, nhưng trước số lượng bệnh nhân ngày càng tăng cao thì cơ sở vật chất,  trang thiết bị và đặc biệt là nguồn nhân lực để phục vụ việc khám chữa bệnh tim mạch tại bệnh viện đa khoa tỉnh còn gặp những khó khăn nhất định. Bác sỹ CKII Phạm Bá Đà, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói: “Riêng về tim mạch thì đây cũng là một khoản rất khó khăn đối với Bệnh viện, đặc biệt là các bác sỹ chuyên sâu về tim mạch. Hiện giờ thì Khoa cũng có 2 thạc sỹ, một bác sỹ CK I, 2 bác sỹ đa khoa. Tuy nhiên đi sâu vào bệnh lý tim mạch chưa hẳn là nhiều”.

Theo khuyến cáo, dù không thể kiểm soát tất cả tác nhân dẫn đến bệnh tim mạch, song  có thể phòng  ngừa được  căn bệnh này.Thạc sỹ BS Lê Hữu Lợi hướng dẫn: “Về ngăn ngừa thì chúng ta có thể ngăn ngừa ngay từ đầu là có một chế độ thể dục, chế độ ăn uống, chế độ nghỉ ngơi hợp lý, không hút thuốc lá. Về điều trị thì có thể điều trị chế độ không thuốc hoặc có thuốc. Điều trị không thuốc sẽ cải thiện các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường”.

Như vậy, để chống lại bệnh tim mạch, mỗi người cần rèn luyện thân thể, hạn chế những thói quen có hại cho sức khỏe.

                                                                      Thanh Tùng – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *