(kontumtv.vn) – Thời gian gần đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum liên tiếp đón nhận nhiều bệnh nhân bị sốt xuất huyết, trong đó có những ca rất nặng. Điều đáng lo ngại là hầu hết bệnh nhân đều chủ quan và xem nhẹ căn bệnh này.

Ông Phạm Văn Kỳ (thôn 5, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô) bị sốt xuất huyết từ ngày 25/5/2016. Tuy nhiên, do chủ quan nên đến ngày sốt thứ 5 gia đình mới đưa xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh để điều trị. Ông Kỳ nói: “Tôi bị sốt hôm thứ 4 tuần trước, nhưng do chủ quan nên mua thuốc uống ở nhà, mãi không khỏi, thấy đau đầu, tức bụng mới đi khám, bác sỹ bảo bị sốt xuất huyết, nhập viện hôm chủ nhật. Hiện nay tình hình sức khỏe đã ổn định, bác sỹ bảo hết sốt”.

Mới đây nhất vào lúc 19h ngày 29/5/2016, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận 2 bệnh nhân sốt xuất huyết nặng là anh em ruột Hồ Vương Quốc (10 tuổi) và Hồ Vương Gia (8 tuổi, trú tại tổ dân phố 10, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô). Sau gần 1 ngày tích cực điều trị, tình hình sức khỏe 2 bệnh nhân đã dần ổn định. Bác sỹ CKI Võ Khắc Tuấn, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “ Khi tiếp nhận, bệnh nhân trong tình trạng choáng, xuất huyết nặng, không có mạch. Sau khi điều trị thì hiện nay bệnh nhân đã có mạch, hết choáng. Theo chu kỳ hiện nay là ngày thứ 7 mắc bệnh, hi vọng rằng ngày mai bệnh nhân sẽ khỏe lại”.

Đều trị bệnh nhân sốt xuất huyết
Điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết

Thống kê từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, từ đầu năm đến nay đơn vị đã tiếp nhận hơn 100 trường hợp sốt xuất huyết, chủ yếu là người dân của các huyện Đăk Tô, Đăk Hà và thành phố Kon Tum. Chỉ tính riêng tháng 5/2016, Khoa Y học nhiệt đới đã tiếp nhận hơn 30 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Trong đó, có 3 bệnh nhân rất nặng phải điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc.

Hơn 100 ca mắc bệnh sốt xuất huyết – đây chỉ là số liệu ghi nhận được tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, còn rất nhiều bệnh nhân đang được điều trị tại các trung tâm tuyến huyện, các cơ sở y tế tư nhân và cả những trường hợp bệnh nhân tự điều trị ở nhà mà chúng tôi chưa thống kê được.

Hiện tại đang là thời điểm giao mùa, đang vào mùa mưa, thời tiết như hiện nay dễ tạo điều kiện cho dịch truyền nhiễm sốt xuất huyết bùng phát. Do vậy, theo khuyến cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Kon Tum, để phòng bệnh, người dân cần lưu ý đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thường xuyên diệt loăng quăng, bọ gậy, thau rửa dụng cụ chứa nước. Mặt khác, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai.

                                                        Ngọc Hòa – Khắc Phố

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *