(kontumtv.vn) – Những năm qua, Bộ CHQS tỉnh Kon Tum luôn quan tâm công tác xóa đói giảm nghèo các xã kết nghĩa theo Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy. Từ khi Bộ CHQS tỉnh kết nghĩa với xã Xốp (huyện Đăk Glei), tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương đã giảm đáng kể và sớm hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra. 

Hiện gia đình bà Y Toán (thôn Xốp Nghét, xã Xốp, huyện Đăk Glei) có 3 con bò và thu nhập lên tới cả chục triệu đồng mỗi năm. Nhiều năm là hộ nghèo, năm 2013, gia đình bà được Bộ CHQS tỉnh Kon Tum tặng bò, được hỗ trợ ngày công lao động để chuyển đổi 3 sào ruộng lúa nước một vụ sang gieo cấy 2 vụ/ một năm và đưa giống lúa nhị ưu 838  vào gieo trồng. Mỗi vụ, gia đình thu hoạch được trên một tấn lúa, đảm bảo cuộc sống. Bà Y Toán phấn khởi: “Hiện nay gia đình đã được thoát nghèo, bán các sản phẩm làm ra cho con đi học”.

Gia đình Ông A Nháo là hộ nghèo của thôn Đăk Xây. Bộ CHQS tỉnh đã giúp gia đình ông thoát nghèo bằng cách hỗ trợ tiền và cây giống để trồng cà phê xứ lạnh. Sau 3 năm, vườn cà phê đã bắt đầu cho thu hoạch. Gia đình ông đã thoát nghèo và đã hướng dẫn cho các gia đình trong thôn làm theo. Ông A Nháo nói: “Hiện nay tôi trồng cà phê, bời lời và trồng lúa. Trong năm, tôi thu hoạch cà phê, bời lời mua sắm được xe máy, ti vi, nhà ở. Lúa thì đủ ăn, còn dư bán để lấy tiền cho con ăn học”.

Hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo
Hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo

“Bộ CHQS tỉnh và Ban CHQS huyện đã hỗ trợ cho các hộ gia đình bò giống và cây con giống, hướng dẫn cho bà con làm ăn để xóa đói, giảm nghèo bền vững. Các ngành, đoàn thể xã hội hướng vào thôn, giám sát các hộ nghèo và hướng dẫn các hộ nghèo chăn nuôi có hiệu quả”. Ông A Đời, Bí thư Đảng ủy xã Xốp, huyện Đăk Glei ghi nhận.

Nhờ những biện pháp cụ thể và hiệu quả của Bộ CHQS tỉnh, xã căn cứ cách mạng năm xưa của huyện Đăk Glei đã giảm nghèo từ 57% xuống còn gần 40% vào năm 2015. Bộ CHQS tỉnh và địa phương đang quyết tâm trong những năm tới, mỗi năm giảm 4 – 5% hộ nghèo; phấn đấu đến năm 2020, hạ tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xuống 25%. Đại tá Đỗ Thanh Xuân, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Kon Tum nói: “Vấn đề rút ra ở đây là phải chọn được đối tượng phù hợp với điều kiện, khả năng của đơn vị, phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương. Có cách làm và phương pháp làm phù hợp, khơi dậy ý thức nội lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo của bà con, có như thế công tác thoát nghèo mới được bền vững”.

Tiếp sức cho nhân dân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như hỗ trợ  giống cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, đưa bộ đội xuống “4 cùng”…, cán bộ, chiến sỹ Bộ CHQS tỉnh Kon Tum đã giúp bà con xã Xốp  cách thức làm ăn mới, góp phần cùng địa phương phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời cho người dân vùng căn cứ cách mạng năm xưa.

 CTV Trung Kiên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *