(kontumtv.vn) – Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy Kon Tum khóa XIV về xây dựng, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh, Kon Tum đã triển khai nhiều giải pháp, xây dựng các dự án, đề án phát triển các cây, con thế mạnh của tỉnh để kêu gọi, thu hút các nguồn lực đến đầu tư, phát triển. Qua đó, ngành Nông nghiệp tỉnh đã có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận, các sản phẩm chủ lực trong nông nghiệp của tỉnh đang từng bước hình thành và phát triển, tạo tiền đề cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới.

Thời gian qua, việc áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của Kon Tum đã bắt đầu hình thành và phát triển. Trong đó, nhiều mô hình trồng và chăn nuôi theo hướng công nghệ cao cho thấy những dấu hiệu tích cực. Đơn cử như mô hình nuôi dê của Công ty Cổ phần Dược liệu và Thực phẩm Măng Đen. Được thành lập tháng 3/2015, với tổng diện tích 135 ha, vốn đầu tư trên 60 tỷ đồng, sau gần 1 năm hoạt động, hiện công ty đã phát triển đàn đê lên hơn 2.500 con. Hiện nay dê đã cho sữa và đang giới thiệu ra thị trường. Thời gian tới công ty tiếp tục nhập thêm khoảng 4.000 con dê nữa. Bà Nguyễn Thị Mùi, Gíam đốc Công ty CP Dược liệu  và Thực phẩm Măng Đen cho biết: “Hướng của công ty là nuôi dê sữa công nghệ cao. Qua bước đầu thử nghiệm, chúng tôi nhận thấy khu vực này là quá tốt. Thứ nhất là môi trường hoàn toàn trong lành, từ nguồn nước đến không khí, chưa có mật độ chăn nuôi cao. Thứ hai dê sữa thích hợp ở vùng đồi núi và những vùng khí hậu khá lạnh, có thể chịu được độ cao lên tới 1.500 m, mà ở đây là 1.000 -1.200 m, cho nên sự phát triển của dê chúng tôi đánh giá là thuận lợi. Bên cạnh đó, chính quyền đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho dự án của chúng tôi, cho nên đàn dê từ Mỹ, Úc, và Pháp đã sinh sôi, nảy nở trên mảnh đất này”.

Ngoài các doanh nghiệp, hiện nay khu quy hoạch rau hoa xứ lạnh Kon Plông đã thu hút 37 hộ dân có tâm huyết với nghề rau hoa từ các tỉnh, thành đến đầu tư, phát triển. Việc tổ chức sản xuất của 37 hộ ở khu dân cư mới trong khu quy hoạch sản xuất rau hoa xứ lạnh tại thôn Kon Tu Rằng, xã Măng Cành đã được đẩy mạnh. Các loại rau và cây trái ở đây phát triển rất tốt, mang lại thu nhập ổn định cho các hộ dân. Chị Đinh Thị Liệu, một hộ dân ở đây cho biết: “Tôi lên đây từ năm 2007, gia đình được cán bộ ở đây cũng như Phòng Nông nghiệp huyện hỗ trợ nhiều để gia đình trồng rau sạch , như hướng dẫn về kỹ thuật, hỗ trợ giống và phân bón. Khí hậu ở đây rất thích hợp với cây rau. Hàng năm gia đình thu nhập sau khi trừ chi phí xong được khoảng 100 triệu”.

Sản xuất rau xứ lạnh tại huyện Kon Plông
Sản xuất rau xứ lạnh tại huyện Kon Plông

Từ những thành công ban đầu, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân sản xuất rau hoa xứ lạnh trên địa bàn huyện Kon Plông đều có kế hoạch mở rộng, phát triển trong thời gian tới theo hướng song hành lồng ghép giữa sản xuất với du lịch, nhằm khai thác những thế mạnh của Khu Du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen. Trên cơ sở đó, huyện đã xây dựng kế hoach tham mưu UBND tỉnh mở rộng quy mô phát triển rau, hoa, quả xứ lạnh, tiếp tục kêu gọi thu hút các dự  án có quy mô lớn theo hướng sản xuất công nghệ cao.Ông Võ Đình Viết, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Kon Plông nói: “Huyện phấn đấu đến năm 2020 thành lập  một khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Huyện sẽ điều chỉnh mở rộng vùng quy hoạch rau, hoa, quả xứ lạnh từ 1.932 ha lên 3.000 ha; tạo quỹ đất 2.000 ha từ rừng trồng để thu hút dự án đâu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.

Bên cạnh các dự án đầu tư tại vùng kinh tế động lực Kon Plông, hiện nay, đã có một số dự án nông nghiệp có quy mô lớn đang triển khai đầu tư tại các huyện có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh. Trong đó phải kể đến việc bảo tồn, nhân giống thành công sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Sau hơn 10 năm nghiên cứu nhân giống trồng và phát triển sâm Ngọc Linh,  năm 2011, lần đầu tiên Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum công bố diện tích 140 ha sâm Ngọc Linh mà đơn vị đã trồng và phát triển trên vùng núi Ngọc Linh, huyện Tu Mơ Rông. Từ vườn sâm gốc Ngọc Linh đó, hàng năm đơn vị đã tiến hành thu hạt, gieo ươm mở rộng diện tích. Hiện tại, diện tích vườn sâm Ngọc Linh của công ty đã lên đến 200 ha. Việc bảo tồn và phát triển vườn sâm Ngọc Linh của công ty có ý nghĩa vô cùng to lớn, không chỉ giải quyết bài toán khó khăn về giống, mà còn góp phần bảo tồn nguồn gen quý sâm Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum. Ông Lê Đức Thảo, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum cho biết: “Từ những năm 1997 – 1998 sâm Ngọc Linh được biết là một cây đặc hữu chỉ trồng và phát triển được ở  vùng núi Ngọc Linh của tỉnh KonTum và Quảng Nam. Trước nguy cơ khai thác cạn kiệt, cây sâm ngọc linh có nguy cơ tuyệt chủng. Từ đấy công ty xác đinh bảo tồn, nhân giống sâm Ngọc Linh. Qua gần 20 năm phát triển, cùng với sự giúp đỡ của nhân dân, thôn bản và các cấp chính quyền tỉnh Kon Tum, đến nay Kon Tum đã trồng thành công hơn 300 ha giống gốc sâm Ngọc Linh”.

Hiện nay, tổng diện tích trồng sâm Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum trên 300 ha. Tỉnh Kon Tum đã quy hoạch đề án phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2012 – 2020, tầm nhìn đến 2025. Theo đó diện tích rừng quy hoạch gần 32.000 ha, trong đó diện tích có khả năng trồng sâm Ngọc Linh trong khu vực vùng lõi khoảng hơn 9.000 ha, tập trung ở 3 xã Mường Hoong, Ngọc Linh, xã Xốp của huyện Đăk Glei và 5 xã Đăk Na, Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Văn Xuôi của huyện Tu Mơ Rông. Ngày 16/8/2016 vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ của tỉnh Kon Tum và phó bảng cho tỉnh Quảng Nam. Đây là cơ hội đưa cây sâm Ngọc Linh thành cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế của tỉnh Kon Tum, tiến tới đa dạng hóa nhiều sản phẩm tinh chế từ sâm Ngọc Linh để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Phó chủ tịch UBND tỉnh Lại Xuân Lâm cho biết: “Mục tiêu của địa phương đến năm 2020 sẽ phát triển trồng 1.000 ha, sẽ xây dựng thương hiệu quốc gia về sâm Ngọc Linh. Và đến 2025 sẽ phát triển trên 9.000 ha và đa dạng hóa các sản phẩm tinh chế của sâm ngọc linh để phục vụ nhu cầu trong nước và quốc tế”.

Theo định hướng, ngoài cây sâm Ngọc Linh, cà phê cũng sẽ là một trong những sản phẩm chủ lực và mũi nhọn của tỉnh. Thời gian qua, Kon tum đã triển khai trồng thí điểm nhiều loại giống cà phê có chất lượng cao. Qua đó, từng bước thay thế vườn cà phê giống thực sinh cho năng suất và chất lượng thấp sang tái canh các dòng cà phê vô tính như: TR5, TR9, TR11. Đây đều là những giống được tuyển chọn, trồng thử nghiệm thành công với năng suất vượt trội và sở hữu nhiều ưu thế, đặc biệt phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết tại Kon Tum. Tính riêng, trong năm 2016, toàn tỉnh đã trồng mới trên 1.000 ha cà phê, nâng tổng diện tích cà phê đạt gần 16.500 ha. Năng suất bình quân tăng đáng kể, đạt 27 tạ/ha; tổng sản lượng gần 40.000 tấn/ niên vụ. Bên cạnh đó, sau gần 3 năm triển khai Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh cho các hộ nghèo tại 3 huyện vùng Đông Trường Sơn gồm Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông, đến nay phần lớn diện tích cây cà phê sinh trưởng, phát triển rất tốt, mở ra hướng thoát nghèo cho các hộ dân nơi triển khai dự án. Hiện toàn tỉnh Kon Tum có gần 660 ha cà phê xứ lạnh. Trong đó, riêng năm 2016 đã hỗ trợ cho hơn 1.145 hộ nghèo phát triển mới gần 300 ha cà phê xứ lạnh catimo. Mục tiêu Đề án đến năm 2018 hỗ trợ phát triển trồng mới 1.600 ha cà phê xứ lạnh, nhằm tạo điều kiện cho các hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Để góp phần tạo ra sự chuyển biến trong nông nghiệp, sở NN&PTNT xây dựng kế hoạch giao Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện , thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, các loại giống mới cho nhân dân sản xuất. Theo đó, hàng trăm lớp tập huấn sản xuất cà phê bền vững, kỹ thuật thâm canh cao su, bời lời, nuôi cá nước ngọt…đã được tổ chức. Ngoài ra còn tổ chức các hội thảo, giới thiệu, quảng bá, kêu gọi thu hút đầu tư. Ông Trần Văn Chương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum nói: “Trong thời gian qua, nhiều công ty trong và ngoài nước đã đến và đầu tư vào sản xuất công nghệ cao, nông nghiệp an toàn, nông nghiệp Oraganic, có thể kể tới như: Foky, Pao, Pelet… với mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Các vùng chuyên canh cây công nghiệp tiếp tục ổn định, phát triên cả số lượng và diện tích, nhất là cà phê. Bên cạnh đó, thủy sản cũng đã có những bước tiến, điều mà trước đây chưa hề có, đó là nuôi cá lồng tại các lòng hồ thủy điện, thủy lợi đã hình thành, mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Có thể khẳng định rằng, những dấu ấn và bước đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian qua đã đặt nền móng cho sản xuất nông nghiệp tỉnh phát triển  bền vững hơn trong những năm đến, góp phần vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *