(kontumtv.vn) – Trước thực trạng khan hiếm về nước rửa tay diệt khuẩn do nhu cầu tăng cao trong mùa dịch, Thạc sĩ Lê Thị Lệ Hằng thuộc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và dịch vụ Khoa học và Công nghệ, Sở KH&CN tỉnh Kon Tum đã nghiên cứu và tiến hành điều chế nước rửa tay diệt khuẩn. Công thức điều chế nước rửa tay diệt khuẩn được áp dụng theo tiêu chuẩn của WHO. Với các nguyên liệu có thể dễ dàng mua được từ các cơ sở y tế, sản phẩm sau khi điều chế sẽ có khả năng diệt khuẩn trên tay lên đến 90%. Đây được xem là một trong những giải pháp thích hợp nhất trong giai đoạn hiện nay. Phóng viên  Đài PT-TH Kon Tum đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Lê Thị Lệ Hằng về cách tự điều chế dung dịch diệt khuẩn này.

PV: Thưa chị, khi tiến hành điều chế nước sát khuẩn thì cần những dụng cụ cũng như thành phần nào?

Thạc sĩ Lê Thị Lệ Hằng: Các thành phần để điều chế nước sát khuẩn này, thứ nhất là cồn, đây là thành phần chính của nước sát khuẩn gồm có cồn 96°C, thứ 2 là glycerin và thứ 3 là dung dịch Oxy già 3%. Các dụng cụ phục vụ cho nhu cầu pha chế bao gồm bình đựng sau khi pha chế xong, các cốc đong, ống đong và các xi lanh để chiết những dịch có nồng độ nhỏ. Sau khi pha xong dung dịch, chúng ta nên chiết vào những chiếc bình xịt nhỏ để tiện sử dụng.

 PV: Khi đã có những nguyên liệu như thế này rồi thì quy trình pha chế bao gồm những bước nào, chị có thể hướng dẫn rõ hơn?

Thạc sĩ Lê Thị Lệ Hằng hướng dẫn pha chế nước rửa tay diệt khuẩn
Thạc sĩ Lê Thị Lệ Hằng hướng dẫn pha chế nước rửa tay diệt khuẩn

Thạc sĩ Lê Thị Lệ Hằng: Quy trình pha chế của nó sẽ bao gồm những bước như sau: Trước tiên chúng ta phải đong cồn với một lượng 833ml cồn, nếu chúng ta muốn pha 1 lít nước cồn sát khuẩn. Sau khi đong cồn xong chúng ta cho lượng cồn này vào bình đựng và công đoạn này chúng ta phải xử lý nhanh, tránh bay hơi cồn. Bước tiếp theo chúng ta sẽ thêm oxy già vào với tỷ lệ 41,7ml, chúng ta sẽ dùng xi lanh để hút. Bước tiếp theo là glyceril, chúng ta cho tỷ lệ 14,5ml.

PV: Glyceril này có tác dụng gì?

Thạc sĩ Lê Thị Lệ Hằng: Nó sẽ có tác dụng làm cho da tay mình mềm hơn, tại vì cồn và oxy già là 2 chất sát khuẩn có vai trò sát khuẩn, còn glyceril sẽ có vai trò làm mềm da tay của mình. Và để cho lượng dung dịch nước sát khuẩn này lên được 1 lít, số lượng còn lại chúng ta sẽ bổ sung thêm nước cất. Nước này nếu như các gia đình không có sẵn nước cất thì chúng ta có thể sử dụng nước đun sôi để nguội. Sau khi khi pha xong chúng ta phải lắc nhẹ để các các thành phần được hòa vào nhau. Bây giờ chúng ta đã có được dung dịch sát khuẩn.

PV: Trong quá trình điều chế này chúng ta có lưu ý gì cho các hộ gia đình khi điều chế tại nhà không?

Thạc sĩ Lê Thị Lệ Hằng: Dung dịch này sau khi pha chế xong chúng ta nên chiết ra những bình đựng nhỏ để dễ sử dụng. Chúng ta cần lưu ý phải để sau 3 ngày, tức là 72h kể từ lúc pha chế rồi mới sử dụng. Thời gian cách ly này là để tiêu diệt các vi sinh vật còn tồn đọng trong dụng cụ mình sử dụng và lượng nước đun sôi để nguội được pha vào dung dịch cũng được cồn và oxy già diệt khuẩn. Các bạn lưu ý khi pha dung dịch này cần thao tác nhanh vì cồn là chất rất dễ bay hơi. Sau khi chúng ta bỏ hợp chất vào trong lọ chúng ta nên đậy nắp thật kỹ, và khi chiết ra những bình nhỏ nên chọn những bình có khả năng đậy kín hoặc khóa van sau khi sử dụng, vì nó sẽ đảm bảo được hợp chất trong này không bị bay hơi. (40s)

PV: Xin cảm ơn chị Hằng đã chia sẽ những thông tin vừa rồi. Hy vọng rằng, với những hướng dẫn về quy trình pha chế nước sát khuẩn này sẽ giúp cho mỗi gia đình có thể tự điều chế được dung dịch diệt khuẩn ngay tại chính ngôi nhà của mình.

Hoàng Lợi – Quang Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *