(kontumtv.vn) – Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ và Quyết định 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ  phê duyệt Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020, đến nay chương trình cho vay xuất khẩu lao động tại 2 huyện nghèo Tu Mơ Rông và Kon Plông của tỉnh Kon Tum  đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy vậy, để phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi này, thực tế cũng tồn tại những vấn đề cần quan tâm giải quyết.

Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020 theo Quyết định số 71 của  Thủ tướng Chính phủ đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng lao động và tăng số lượng lao động ở các huyện nghèo tham gia xuất khẩu lao động, tăng thu nhập, thực hiện  giảm nghèo bền vững. Thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, lao động tham gia xuất khẩu lao động được vay vốn để đảm bảo chi phí ban đầu  với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hiện hành đối với hộ nghèo cùng các điều kiện ưu đãi. Ông Nguyễn Văn Chung, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tu Mơ Rông nói rõ: Điều kiện vay vốn là đồng bào DTTS tại huyện nghèo, mức vay theo chi phí  do công ty tuyển lao động đưa ra nhưng không quá 30 triệu đồng. Còn thời hạn thì cũng cho vay trên căn cứ  hợp đồng lao động ở nước ngoài  của lao động với công ty, nhưng không quá 3 năm. Quá trình sang nước ngoài lao động thì  công ty tuyển lao động kiểm soát  khoản vay và lao động cam kết là  hàng tháng chuyển tiền về trả lãi và trả gốc dần cho ngân hàng.

Từ năm 2010 đến nay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Kon Tum đã cho 276 lao động ở 2 huyện Tu Mơ Rông và Kon PLông đi xuất khẩu lao động vay vốn với tổng số tiền hơn 6,3 tỷ đồng.  Đa số lao động được vay vốn đều được đưa đi làm việc ở nước ngoài, thực hiện đúng hợp đồng lao động, có thu nhập ổn định, sau thời hạn xuất khẩu lao động đã  hoàn trả tiền lãi, tiền gốc vay ngân hàng và có thêm nhu nhập giúp đỡ gia đình  giảm nghèo. Tuy vậy, trong quá trình cho vay xuất khẩu lao động, bản thân người lao động và ngân hàng đã  gặp phải những khó khăn, vướng mắc. Ông Nguyễn Văn Chung cho biết: Một số trường hợp công ty đưa đi lao động, sau khi giải ngân rồi, ngân hàng chuyển tiền cho công ty rồi thì công ty lại không đưa lao động đi kịp thời. Trong thời gian đó bà con đã có nghề nghiệp khác hay là họ cưới vợ, cưới chồng vậy là không đi nữa. Hiện nay số vốn  này cũng chưa thu hồi được.

Gia đình ông A Toan ở làng Kon HNông, xã Đăk Tờ Kan có con trai là A Tih đã vay 20 triệu đồng từ NHCSXH vào tháng 10/2010, nhưng sau đó không được đơn vị tuyển dụng là Công ty Cổ phần Dịch vụ Xuất khẩu lao động và Chuyên gia Thanh Hóa (gọi tắt là LEESCO) tổ chức đi xuất khẩu lao động. A Tih lấy vợ, chuyển đến sống tại xã Đăk PXi, huyện Đăk Hà, nên cho đến giờ, gia đình  vẫn phải trả khoản tiền lãi 65.000 đ/ tháng cho Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tu Mơ Rông. Riêng  số tiền gốc 20 triệu thì vẫn chưa biết giải quyết cách nào.

Gần 5 năm qua, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tu Mơ Rông đã cho vay 3,7 tỷ đồng, giúp 165 lao động đi xuất khẩu chủ yếu tại thị trường Malaisia. song đến nay, còn 260 triệu đồng tiền gốc nợ quá hạn của 13 lao động vay vốn và hơn 50 triệu đồng tiền lãi tạm tính của 10 lao động chưa thu hồi do hợp đồng  giữa đơn vị tuyển dụng lao động và người lao động không được thực hiện.

Những năm qua, trong số 276 lao động của 2 huyện Tu Mơ Rông và Kon PLông được vay vốn đi xuất khẩu lao động, hầu hết đảm bảo thực hiện hợp đồng lao động ký kết nên bước đầu đã có 157 lao động thanh toán vốn vay ngân hàng với tổng số tiền gần 3,4 tỷ đồng. Tuy vậy, trong số 119 lao động còn  dư nợ gần 3 tỷ đồng, ngoài số lao động chưa đến hạn thì đáng lưu ý là tình trạng nợ quá hạn tồn tại do doanh nghiệp tuyển dụng lao động đã thu tiền nhưng không đưa đi xuất khẩu lao động theo hợp đồng đã ký kết. Ông Nguyễn Văn Tú, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Kon Tum phản ánh: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn còn khoảng trên 40 lao động do tuyển lao động mà không đưa đi, hoặc  thay đổi không đi nữa, còn nợ  trên 300 triệu đồng quá hạn mà chưa thu hồi được. Chúng tôi đang phối hợp với chính quyền địa phương  làm việc với đơn vị tuyển dụng lao động để thanh lý hợp đồng, trả nợ cho ngân hàng.

Không chỉ nợ đọng quá hạn do tồn tại trong việc thực hiện hợp đồng xuất khẩu lao động, hiện nay, hạn chế trong sử dụng nguồn vốn theo Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ cũng là vấn đề đáng lưu tâm đối với NHCSXH tỉnh. Ông Nguyễn Văn Tú cho biết: Nguồn vốn cho vay thực hiện Quyết định 71 của Chính phủ thì NHCSXH đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu vay vốn. Hàng năm, NHCSXH Việt Nam chuyển về cho Kon Tum đều cho vay không hết. Như năm 2012, Trung ương chuyển cho Kon Tum là 3 tỷ đồng nhưng trong năm  đã không cho vay được, lại còn thu hồi  về, cuối năm lại phải chuyển lại cho Trung ương là 3,5 tỷ đồng. Năm 2013, Trung ương bổ sung nguồn vốn cho Kon Tum là 5,1 tỷ đồng, chúng tôi cũng không có đối tượng cho vay được, chủ yếu là thu hối về, cuối năm lại phải trả cho Trung ương  5,6 tỉ đồng.

Tình trạng thừa vốn xuất khẩu lao động tại địa bàn tỉnh Kon Tum thời gian qua chắc chắn không chỉ do một phần ảnh hưởng của tình trạng bất khả thi đối với một số hợp đồng đưa lao động đi làm việc nước ngoài của đơn vị tuyển dụng, mà còn chịu tác động từ không ít nguyên nhân khác, mà trước hết là nhu cầu thực tế trong lĩnh vực xuất khẩu lao động của các địa phương và bản thân người lao động tại các huyện nghèo còn hạn hẹp.

Thực hiện Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động theo Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ là điều kiện thuận lợi giúp các huyện nghèo  thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tuy vậy, để phát huy hiệu quả chính sách thiết thực này, thì vẫn còn là khoảng cách đối với từng địa phương, đơn vị. Từ thực tế triển khai Đề án tại địa bàn tỉnh thời gian qua, cần thiết, Ban đại diện  NHCSXH tỉnh Kon Tum và các ngành chức năng tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, làm cơ sở tăng cường các giải pháp khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững tại địa bàn trong thời gian tới.

                                                                               Nghĩa Hà – Thanh Hà 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *