(kontumtv.vn) – Kon Tum là địa phương có địa hình đồi núi dốc lớn, bị chia cắt bởi nhiều sông suối, đồng thời do ảnh hưởng bởi hiện tượng thời tiết cực đoan, trong những năm gần đây phải chịu ảnh hưởng rất lớn từ các cơn mưa bão, gây thiệt hại lớn về người  và của cũng như các công trình giao thông, thủy lợi.

Trong năm 2014, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã xảy ra mưa lớn kéo dài, kèm gió lốc, dông sét đã làm cho 3 người bị chết và 19 người bị thương. Các tuyến giao thông trọng điểm quốc lộ, tỉnh lộ, công trình thủy lợi đã bị hư hỏng bồi lấp ở nhiều nơi. Ước tổng thiệt hại khoảng 26 tỷ đồng. So với những năm về trước thì mức độ thiệt hại giảm xuống đáng kể. Có được như vậy, nhờ từ đầu năm các cấp ngành từ Trung ương đến địa phương đã có sự vào cuộc quyết liệt bằng nhiều hình thức như tập huấn, tuyên truyền và đã nâng cao được ý thức, cảnh báo đến người dân về phòng chống bão lũ. Ông Lê Thanh Hà, Văn phòng Thường trực BCH Phòng chống lụt bão và Giảm  nhẹ thiên tai tỉnh Kon Tum nói: “Các cán bộ từ các huyện đến các xã đã hiểu được mức độ nguy hiểm của thiên tai gây ra trong mùa mưa bão và nhận thức được tình hình thiệt hại do mưa bão gây ra là rất lớn, từ đó đã có phương án dự phòng con người cũng như vật tư để phục vụ trong công tác phòng chống lụt bão khi có xảy ra”.

Giao thông mùa lũ
Giao thông mùa lũ

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn, trong năm 2015 mùa mưa bão sẽ diễn biến bất thường và khó lường hơn so với các năm. Do ảnh hưởng hiện tượng enninô khá lớn, nên trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7, tình hình mưa lũ chưa xảy ra ở diện rộng, nhưng dông sét, lốc xoáy, mưa đá có thể xảy ra rất nhiều. Trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 có mưa lũ và được dự báo là sẽ có mưa lũ lớn trên các sông, đặc biệt là lưu vực sông Đăk Bla và sông Pô Kô. Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum dự báo: “Các vùng trũng thấp của lưu vực sông Pô Kô như khu vực cầu Diên Bình của Đăk Tô, khu vực thành phố Kon Tum, khu vực hạ lưu của thủy điện Plei Krông, các huyện như Kon Plông, Tu mơ rông, Đăk Glei phải quan tâm đến nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Cần phải có biện pháp phòng tránh cho người dân sớm, cần thiết thì phải di cư một số hộ dân ở những nơi nguy hiểm đến nơi an toàn hơn”.

Trong năm 2015, thời tiết được cho cực đoan nhưng không trái với quy luật nên các cấp chính quyền cần phải chủ động hơn so với mọi năm. Đặc biệt cần thiết phải có sự diễn tập, chuẩn bị các phương án ứng phó với các tác động biến đổi khí hậu và thiên tai có thể xảy ra. Ông Lê Thanh Hà đề nghị: “Các đơn vị, các huyện, thành phố báo cáo về công tác rút kinh nghiệm, chuẩn bị kiểm tra lại các vật tư phòng chống lũ bão, như rà soát lại các hồ đập có khả năng ảnh hưởng trong mùa mưa bão. Các cầu, nhất là cầu các tuyến giao thông và những điểm thường sạt lở thì cần phải có phương án và vật tư dự phòng khi có sự cố xảy ra để khắc phục kịp thời”.

Khi mùa mưa bão đang đến gần, các cấp, ngành, địa phương cần có phương án tối ưu nhất, chuẩn bị mọi phương tiện, nhân lực, đồng thời nâng cao nhận thức trong nhân dân trước những nguy cơ bão lũ xảy ra, có như vậy mới hạn chế được mức thấp nhất thiệt hại do bão lũ gây ra.

                                                                    Duy Phong – Quang Mẫn 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *