(kontumtv.vn) – Theo báo cáo của Chi Cục Thủy lợi tỉnh Kon Tum, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 11 ha cây trồng bị hạn và hơn 2.000 ha cây trồng có nguy cơ hạn hán trong thời gian tới. Tìm hiểu những giải pháp phòng chống hạn, phóng viên Đài PT – TH tỉnh có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Hà, Trưởng Phòng Phòng chống thiên tai, Chi Cục Thủy lợi tỉnh. 

PV: Thưa ông, ông cho biết tình hình hạn hán đối với cây trồng trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào?

Ông Lê Thanh Hà: Theo số liệu báo cáo của các huyện, thành phố, cũng như Ban quản lý khai thác công trình thủy lợi những đơn vị quản lý các hồ đập để mà phục vụ tưới thì bữa nay các hồ đập mực nước cũng đang xuống. Diện tích hạn đến bữa nay theo các công trình phục vụ do các hồ đập đảm nhiệm thì cũng chưa xảy ra nhiều, chỉ có xảy ra một số diện tích cục bộ ở huyện Ngọc Hồi theo báo cáo là 5 ha, huyện Đăk Tô 4 ha, huyện Kon Rẫy 2 ha là ở các khe suối đồng bào họ tự sản xuất canh tác. Ngoài ra diện tích các hồ chứa hiện nay ở mực nước thấp nhưng vẫn còn đảm bảo mực nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Ông Lê Thanh Hà trả lời phỏng vấn của PV
Ông Lê Thanh Hà trả lời phỏng vấn của PV

PV: Trước diễn biến khó lường của thời tiết, ngành NN&PTNT tỉnh có dự báo về tình hình hạn hán trong thời gian tới như thế nào?

 Ông Lê Thanh Hà: Vì mực nước sông, suối cũng giảm dần, nay các hồ đập có khả năng giảm từ 15 đến 50% theo những năm cùng kỳ. Nếu tình hình nắng nóng xảy ra tới cuối tháng 4, đầu tháng 5 không có mưa thì diện tích cây trồng sẽ bị xảy ra hạn trên diện rộng, khoảng hơn 2.000 ha; trong đó khoảng 900 hecta lúa nước, khoảng 1.400 ha cây công nghiệp và khoảng 15 đến 20 ha cây hoa màu khác.

PV: Thưa ông, trước nguy cơ xảy ra hạn hán thì ngành NN&PTNT đã đề ra những giải pháp cụ thể như thế nào? Và ông có khuyến cáo như thế nào để người dân cùng thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống hạn?

Ông Lê Thanh Hà: Tình hình hiện nay thì ngành NN&PTNT cũng đề nghị UBND các huyện, thành phố, cũng như Ban Quản lý khai thác công trình thủy lợi thực hiện kế hoạch phòng chống hạn đã được UBND tỉnh phê duyệt cuối năm 2018, kế hoạch 3420. Thì đề nghị các huyện tuyên truyền rộng rãi xuống các xã, các địa bàn thường xảy ra hạn và rà soát lại các diện tích mà UBND tỉnh cũng đã có kế hoạch chuyển đổi cây trồng từ năm 2015 đến nay, xem bà con gieo trồng như thế nào và đặc biệt quan tâm khuyến cáo bà con thực hiện theo kế hoạch sản xuất của ngành chỉ đạo. Thứ hai nữa là đề xuất các đơn vị quản lý đầu mối các công trình thủy lợi, công trình cấp nước tưới thì phải quản lý chặt chẽ nguồn nước đầu nguồn, có lịch tưới luôn phiên và có lịch phục vụ nước sinh hoạt cho bà con theo luân phiên chứ không sử dụng tràn lan, tránh thất thoát nước gây lãng phí trong khi nguồn nước đang bị cạn kiệt. Các hồ chứa nước thì các đơn vị cần tích nước, nâng cao nguồn nước, tận dụng nguồn nước triệt để để phục vụ trong tình hình nắng nóng, hạn hán có thể xảy ra trong tháng 4 và đầu tháng 5 tới.

PV: Cảm ơn ông đã tham gia cuộc trao đổi này.

 

Ngọc Chí – Huỳnh Đại

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *