(kontumtv.vn) – Hàng năm, cứ đến ngày 10/8 – Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin, các cấp, ngành, địa phương lại tổ chức nhiều hoạt động chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Tại tỉnh Kon Tum, ngay từ cuối tháng 7, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp đã tổ chức thăm hỏi, trao tặng quà cho các nạn nhân nhiễm chất độc hóa học; đồng thời tích cực vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay vì nạn nhân da cam.

Dịp này, 200 suất quà đã được trao tận tay các nạn nhân da cam trên địa bàn tỉnh. Đây là nguồn động viên tinh thần ý nghĩa để các gia đình vượt qua khó khăn, vươn lên hòa nhập với cộng đồng. Ông Đào Trường Bay, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Kon Tum nói: “Có nhiều đối tượng nạn nhân. Đối với kháng chiến thì chúng tôi hỗ trợ theo phương châm là tri ân, thăm hỏi các ngày lễ, Tết và khi các bác ốm đau, bệnh tật đi viện phẫu thuật mà gặp khó khăn về tài chính thì cũng sẽ hỗ trợ. Hội đều vận động từ các nguồn, có thể Tỉnh Hội hỗ trợ cấp xuống hoặc chúng tôi nhận từ các nhà hảo tâm, nhà tài trợ ở các nơi trên địa bàn”.

Tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam
Tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam

Cùng với thăm hỏi, tặng quà, từ đầu năm Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tập trung triển khai nhiều hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ các nạn nhân. Đã có gần 1 ngàn lượt nạn nhân nhiễm chất độc hóa học trong kháng chiến chống Mỹ trên địa bàn tỉnh được các cấp Hội hỗ trợ sửa chữa, xây nhà ở mới và nhất là hỗ trợ bò giống chăn nuôi và vốn để lao động, sản xuất. Bà Phạm Thị Xuân Thu (tổ dân phố 02, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum) nói: “Hội hỗ trợ giúp gia đình tôi được 10 triệu. Từ tiền đó thì về cũng mua bán hàng tạp hóa. Thu chi thì cũng đủ qua ngày. Khi cháu nó bị đau ốm thì cũng có đồng tiền để mua thuốc”.

Hiện nay, tỉnh Kon Tum có gần 1 ngàn nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin được hưởng chế độ trợ cấp chất độc da cam hàng tháng; trong đó, khoảng 730 người từng hoạt động kháng chiến và hơn 250 nạn nhân là con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Ông Trịnh Quang Thạo (thôn Kon Tu 2, xã Đăk Bla, thành phố Kon Tum) cho biết: “Được hưởng chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước cũng là một phần động lực, một phần hỗ trợ để cho gia đình bớt khó khăn. Mong rằng Đảng và Nhà nước có những chính sách ưu đãi hơn nữa đối với những người đã được hưởng mà trợ cấp còn ít ỏi hoặc những người tham gia kháng chiến nhưng chưa giám định được cũng được hưởng một phần để an ủi họ”.

Thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Kon Tum cho thấy, hiện trên địa bàn tỉnh có gần 5 ngàn người nghi bị phơi nhiễm chất độc hóa học chưa được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ theo quy định Nhà nước. Trong số này, có những người từng tham gia kháng chiến chống Mỹ nhưng bị mất hoặc thất lạc giấy tờ nên không đủ điều kiện giám định Y khoa để được công nhận là nạn nhân chất độc da cam/dioxin; hoặc có nhiều trường hợp là thế hệ thứ 3 bị nhiễm chất độc hóa học hiện vẫn đang đợi để được hưởng chế độ. Ông Đào Trường Bay – Ủy viên Ban Thường vụ Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Kon Tum nói: “Chúng tôi đã nhiều lần và sẽ tiếp tục kiến nghị thứ nhất cần sớm đưa Chị thị 43 vào cuộc sống triển khai để tổ chức thực hiện để các cháu thế hệ thứ 3 là con, là cháu được hưởng chế độ càng sớm, càng tốt. Cái thứ 2 đề nghị Nhà nước cần sớm bổ sung danh mục bệnh tật của người kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bởi vì nhiều bệnh hiện nay trong danh mục không có nhưng nhiều cụ kháng chiến chết vì cái bệnh ấy”.

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam thể hiện nghĩa cử cao đẹp và cũng là trách nhiệm của cả cộng đồng. Do vậy, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác vận động các nguồn lực xã hội, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam; kịp thời tri ân, động viên, cổ vũ, lan tỏa những tấm lòng vàng vì nạn nhân chất độc da cam.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *