(kontumtv.vn) – Do ảnh hưởng của cơn bão số 4, mưa lũ trên địa bàn tỉnh Kon Tum diễn biến rất phức tạp, gây thiệt hại lớn về kết cấu hạ tầng công cộng, nhà cửa, tài sản và hoa màu của nhân dân.

Do mực nước ở sông Đăk Tờ Kan dâng cao, cầu Đăk No ở xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô đã bị hư hỏng nặng. Hai ngày qua việc ngập lụt đã làm cho cầu Đăk No tại xã Ngọc Tụ bị tê liệt. Việc này đã làm cho xã Ngọc Tụ và xã Đăk Rơ Nga bị cô lập hoàn toàn. Theo người dân cho biết, từ năm 2009 cho đến nay thì đây là cơn bão gây thiệt hại lớn nhất trên địa bàn.

Chính quyền địa phương đã tiến hành cắm biển cảnh báo nguy hiểm, thiết lập rào chắn, không để người dân qua lại khu vực cầu Đăk No. Anh A Nao, Phó Công an xã Ngọc Tụ cho biết: “Ngay sau khi nước lũ ngập qua cầu thì lực lượng công an xã với dân quân tự vệ trực ở đây ngăn cản bà con không được qua lại, đề phòng nguy hiểm về tính mạng. Lực lượng trực ở đây 24/24”.

Cầu Đăk No bị hư hỏng do mưa lũ
Cầu Đăk No bị hư hỏng do mưa lũ

Ngoài ra, gần 21ha lúa và hoa màu của người dân trên địa bàn huyện Đăk Tô đã bị ngập và cuốn trôi, ước tổng thiệt hại trên 100 triệu đồng.

Tại huyện Tu Mơ Rông, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, cơn bão số 3 và cơn bão số 4 đã gây thiệt hại lớn về tài sản và hoa màu. Quốc lộ 40B đã bị sạt lở 15 điểm thuộc địa phận xã Tu Mơ Rông và xã Đăk Hà. Tỉnh lộ 672 sạt lở 3 điểm tại xã Măng Ri và Tê Xăng. Tuyến Nam Quảng Nam bị sạt lở 5 điểm; một số đoạn tại trung tâm hành chính – chính trị và tuyến đường đi 4 xã phía tây của huyện Tu Mơ Rông bị sạt lở taluy dương.

Ngoài ra, có 7 điểm bị sạt lở các tuyến đường liên thôn, nội thôn, đường đi khu sản xuất; 2 mố cầu treo bị sạt lở. Trong sáng 15/8, mưa lũ đã làm sạt lở bờ sông và mố cầu treo đi vào thôn Ngọc Năng 1 và thôn La Dông của xã Đăk Rơ Ông. Ông Lâm Quang Huy, Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Ông nói: “Xã tạm thời khắc phục  thuê máy đào để nắn lại dòng chảy, hạn chế bị sạt mố. Nếu mố cầu mà sạt thì sẽ cô lập 2 thôn Ngọc Năng 1 và thôn La Dông, khoảng 100 hộ dân qua lại. Sau khi đã nắn dòng rồi thì xã huy động lực lượng dân quân, công an, đội phòng chống bão lũ kè rọ đá vào, khắc phục để dân qua lại”.

Mưa bão đã làm cầu tràn ở thôn Kon Hia 3, xã Đăk Rơ Ông bị sập, hư hỏng nặng phần chân cầu không thể giao thông qua lại được. Toàn huyện có 36 con gia súc bị chết, 1 căn nhà bị tốc mái, 1 căn nhà bị sạt lở, 1 căn nhà bị vùi lấp. Công trình đập thủy lợi Đăk Ter của xã Đăk Hà bị trôi đập đầu mối. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị sạt lở, cuốn trôi trên 2,7 ha. Một số công trình hạ tầng khác trên địa bàn cũng đã bị ảnh hưởng, hư hỏng. Ông A Hơn, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Huyện tuyên truyền cho người dân ở các điểm xung yếu di dời khỏi điểm xung yếu nguy hiểm, không đi qua sông suối trong ngày mưa bão. Tổng số nhà bị sập hoàn toàn thì huyện đã vận động về nhà của các bà con ở, nếu không có thì về trụ sở xã, điểm sinh hoạt cộng đồng”.

Trong sáng 15/8, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Y Mửi đã đi kiểm tra và chỉ đạo các đơn vị chức năng của huyện Tu Mơ Rông nghiêm túc thực hiện các phương án phòng chống bão lũ và tìm kiếm cứu nạn, bám sát phương châm 4 tại chỗ; phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai kịp thời các phương án để sửa chữa và phân luồng giao thông tại các điểm sạt lở; đảm bảo lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân ở các vùng bị cô lập và bị ảnh hưởng nặng do bão lũ; khắc phục, sửa chữa các công trình hạ tầng bi hư hỏng; vận động người dân đưa gia súc về chuồng trại để chăm sóc và hỗ trợ kịp thời cho các hộ dân bị thiệt hại do bão lũ.

Tình hình bão lũ trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn còn đang diễn biến rất phức tạp và dự kiến sẽ còn diễn biến phức tạp hơn trong những ngày đến. Hiện tại thì các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đang triển khai các biện pháp phòng chống bão lũ và tìm kiếm cứu nạn theo các phương án đã được đề ra.

Tấn Thành – Thanh Hà

                                                                               

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *