Với tinh thần quyết tử “Chết để sống”, “Chết một người để cứu sống muôn người”, cuộc đấu tranh lưu huyết tại Ngục Kon Tum ngày 12/12/1931 của các chiến sĩ Cộng sản bị lao tù để chống lại chế độ khổ sai, giết người dã man của thực dân Pháp đối với tù chính trị đã đi vào lịch sử, làm nên một hình ảnh đẹp cho Ngục Kon Tum- Biểu tượng của lòng yêu nước, tinh thần quả cảm, kiên trung.

tctm

Du khách thắp nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc.

82 năm đã trôi qua, Khu di tích lịch sử Quốc gia Ngục Kon Tum bên bờ sông Đăk Bla yên bình vẫn thường xuyên đón khách lui tới. Càng gần đến ngày “Giỗ Ngục”- Ngày kỷ niệm cuộc đấu tranh Lưu huyết 12/12 hàng năm, số lượng khách đến thăm, viếng lại càng nhiều hơn. Chị Nguyễn Thị Huỳnh Phương- Cán bộ phụ trách hành chính Ban quản lý di tích tỉnh cho biết: Người dân Kon Tum mình cũng rất là ngưỡng mộ về các anh hùng liệt sỹ ở đây và kể cả khách tham quan. Thường là các người dân ở đây họ thường xuyên đến đông nhất là vào ngày lễ. Ví dụ như 30/4, 1/5 và ngày 27/7, ngày 22/12, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và đặc biệt nhất là ngày giỗ ngục, ngày đấu tranh lưu huyết ngày 12/12. Ở đây tổ chức giỗ ngục cho các cụ thì người dân thường xuyên đưa hoa quả và họ đến dâng hương cho các cụ.

Ngục Kon Tum được thực dân Pháp xây dựng từ những năm 1915- 1917. Ban đầu chỉ giam giữ những người thường phạm. Sau thất bại của phong trào Xô Viết -Nghệ Tĩnh 1930-1931, thực dân Pháp đã bắt bớ hàng loạt chiến sỹ Cộng sản đem lên giam giữ ở Kon Tum. Mục đích của chúng là lợi dụng nơi rừng thiêng nước độc, vùng xa xôi hẻo lánh để cách ly tư tưởng cộng sản; Giết dần, giết mòn những người tù chính trị mà không sợ mang tai tiếng, dư luận. Công trường làm đường Đăk Pét, Đăk Pao là công trường có số tù chết chiếm kỷ lục cao nhất lúc bấy giờ. Chỉ trong 6 tháng mùa khô năm 1931, đã có trên dưới 200 trong số 295 người phải bỏ mạng trên công trường này. Không chịu cúi đầu nhìn anh em  bị đẩy  vào con đường chết, những người tù chính trị đã liên kết lại để tìm cho nhau  con đường sống. Với  sự giúp sức của  hai Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Kon Tum lúc bấy giờ là Chi bộ Binh và Chi bộ Đường phố, các đội cảm tử, quyết tử  của tù chính trị lần lượt ra đời, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh “quyết tử”, phản đối việc bắt tù nhân đi làm đường 14 lần thứ hai. Đã rất nhiều lần giới thiệu với khách tham quan, nhưng mỗi khi nói về diễn biến của cuộc đấu tranh Lưu huyết, chị Trình Thị Mai- Nhân viên thuyết minh Khu di tích lịch sử quốc gia Ngục Kon Tum xúc động: Sáng ngày 12/12/1931, thực dân Pháp cho lính đem danh sách những người tù chính trị có tên gọi những người tù chính trị đấy trập trung riêng ra để chuẩn bị quần áo lên Đăk Pét, Đăk Pao làm đường lần thứ 2, thì 40 người tù có tên trong danh sách ấy, các cụ bảo nhau chạy hết vào nhà lao ngoài, đóng cửa chặt cứng lại hô vang khẩu hiệu: Đả đảo Thực dân Pháp, đả đảo đi Đăk Pét, Đăk Pao. Lúc đó thằng lính Mulet của Pháp nó hỏi rằng: Tại sao chúng mày lại chống đối, tại sao chúng mày lại không đi làm đường. Thì lúc đó có một đồng chí tên là Nguyễn Huy Lung ở Can Lộc- Hà Tĩnh đã đứng ra trả lời rằng: Chúng tao mới đi có 6 tháng mà chúng tao đã chết mất 2/3 số lượng người, cho nên hôm nay chúng tao cương quyết không đi, thà chúng tao chết trên cái đất Kon Tum này. Và khi thằng lính Mulet thấy tù chính trị có một thái độ rất là cương quyết nên nó không dám làm gì hết. Nó nhìn mặt đồng chí Nguyễn Huy Lung và số tù của đồng chí quay về báo cáo với Công sứ của chúng. 30 phút sau thì bọn Công sứ và binh lính nó kéo nhau ồ ạt đến, súng đạn sẵn sàng chĩa vào nhà lao ngoài. Và thằng lính Mulet của Pháp nó lại hỏi rằng: 299 đâu? Tức là số tù của đồng chí Nguyễn Huy Lung, thì cả nhà tù lúc bây giờ đồng thanh hô vang khẩu hiệu: “Không có 299. Đả đảo đi Đăk Pét, Đăk Pao. Đả đảo thực dân Pháp”. Và lúc đó có một đồng chí đứng đầu tiên cánh cửa của nhà tù, đó là đồng chí Trương Quang Trọng, quê ở Sơn Tịnh- Quảng Ngãi, đã phanh áo ra và chỉ vào ngực mình và nói rằng: Le voice 299. Tức là Tao là 299 đây, thì thằng lính lập tức nổ súng bắn đồng chí Trương Quang Trọng chết ngay tại chỗ. Và khi đồng chí Trương Quang Trọng chết thì đồng chí Nguyễn Huy Lung xông lên. Khi đồng chí Nguyễn Huy Lung vừa bước tới cánh cửa của nhà tù, thì thằng lính Mulet lại lập tức nổ súng bắn đồng chí chết. Khi đồng chí Trương Quang Trọng và đồng chí Nguyễn Huy Lung chết thì anh em ở phía sau rất là bức xúc xông lên, cứ mỗi người xông lên lại nhận một viên đạn của bọn kẻ thù. Chỉ trong có 10 phút đồng hồ, thực dân Pháp đã xả súng bắn 8 đồng chí chết và rất nhiều đồng chí bị thương, máu chảy lênh láng khắp nhà tù, cho nên tù chính trị chúng ta lúc bây giờ đã đặt tên cho cuộc đấu tranh đó là Lưu huyết.

  Trong niềm đau thương vô hạn, nỗi uất hận khôn cùng, tù nhân ngục Kon Tum càng siết chặt đội ngũ, sát cánh bên nhau, đấu tranh quyết liệt. Cùng với những yêu sách đưa ra, anh em tù chính trị kiên quyết đấu tranh tuyệt thực để phản đối đi làm đường, phản đối hành động giết người tàn bạo của kẻ địch. Nhận thấy không thể lay chuyển được tinh thần, ý chí  sắt đá của tù chính trị, sáng ngày 16-12-1931, thực dân Pháp một lần nữa nã súng tàn sát cuộc đấu tranh tuyệt thực làm cho 7 đồng chí hy sinh và 8 đồng chí bị thương, đồng thời lập tức áp giải, phân tán số tù nhân còn lại, dập tắt cuộc đấu tranh.

   Quá khứ đã lùi xa, nhưng hình ảnh những người tù chính trị ngã xuống vì công lý, nhân phẩm con người, vì độc lập, tự do cho đất nước luôn sống mãi trong trái tim người dân Kon Tum và  khách đến tham quan từ  mọi miền đất nước. Bà Thái Thị Bích Vân- Khách tham quan từ Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh xúc động cho biết: Là lần đầu tiên đến tham quan thì tôi rất là cảm động với sự hy sinh anh dũng của các bậc tiền bối cách mạng. Tôi cũng là người của quê hương Nghệ An- Hà Tĩnh mà vào đây trưng bày thấy toàn là người Nghệ An và Hà Tĩnh tôi vô cùng xúc động. Tôi thấy tinh thần anh dũng hy sinh của các cụ…. biết ơn sự hy sinh anh dũng của các cụ.

Mặc dù bị kẻ thù tàn bạo đàn áp dã man, song cuộc đấu tranh Lưu huyết tại Ngục Kon Tum đã có tiếng vang lớn trong dư luận thế giới, buộc thực dân Pháp phải thay đổi chế độ cai trị hà khắc và chấp nhận nhượng bộ theo yêu sách của anh em tù chính trị. Chế độ thực dân đã phải  từ bỏ việc xây dựng con đường 14, đóng cửa và giải tán bộ máy nhà Ngục Kon Tum vào năm 1934, thừa nhận sự thất bại trước tinh thần đấu tranh quyết tử của các tù chính trị nơi đây./.

Quang Mẫn – Ngọc Chí

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *