(kontumtv.vn) – Ngày 16/5/1974, căn cứ Đăk Pét, một trong những cứ điểm quan trọng còn sót lại của ngụy quyền Sài Gòn ở phía bắc tỉnh Kon Tum được giải phóng, góp phần quan trọng trong việc mở rộng và hoàn chỉnh vùng căn cứ giải phóng của tỉnh, thông đường hành lang chiến lược Trường Sơn, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc giải phóng Kon Tum, thống nhất đất nước. Sau 44 năm, Đăk Pét hôm nay đã có nhiều khởi sắc.

Với âm mưu khống chế đường tiếp tế, vận chuyển của ta từ Bắc vào, đồng thời chia rẽ nhân dân với cách mạng, ngụy quyền Sài Gòn xây dựng cứ điểm Đăk Pét gồm 1 tiểu đoàn biệt động quân và bộ máy chi khu được tổ chức làm 36 đồn với hơn 1.000 tên địch, trong đó có trên 600 quân chủ lực. Xác định tiêu diệt cứ điểm này là nhiệm vụ quan trọng, Tỉnh ủy Kon Tum phối hợp cùng Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên ra chỉ thị tấn công tiêu diệt cứ điểm này. Ngày 16/5/1974 ta phát lệnh tấn công và sau 4 giờ chiến đấu, chi khu Đăk Pét đã được giải phóng. Đăk Pét được giải phóng có ý nghĩa chiến lược trong công cuộc giải phóng tỉnh Kon Tum và là sự kiện trọng đại đối với quân và dân ở đây, trong đó có cựu chiến binh Trương Văn Phú (thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei). Bởi lẽ, từ năm 1971 cho đến năm 1973, đã nhiều lần ông cùng đồng đội đánh vào căn cứ Đăk Pét nhưng không thành công. Bước vào năm 1974, khi thế của ta lớn mạnh, địch rơi vào thế cô lập và hoảng loạn. Cựu Chiến binh Trương văn Phú kể: “Pháo mình bắn vào từ tối đến sáng, bắn pháo khoang, đến tám giờ sương mù hết là xe tăng mình vô thì mình giải phóng”.

Xã Đăk Pét ngày nay
Xã Đăk Pét ngày nay

Quê hương Đăk Pét, huyện Đăk Glei 44 năm sau ngày giải phóng giờ đã có nhiều đổi thay rõ nét, những ngày tháng gian khổ sống trong ách kìm kẹp của Mỹ Ngụy, ăn không đủ no, dép không có mang giờ đã là quá khứ. Trên nền cũ của đồn Đăk Pét xưa kia giờ được xây dựng thành khu hành chính của UBND huyện Đăk Glei. Vùng đất lắm bom, nhiều đạn, nhiều ấp chiến lược của Quận lỵ Đăk Pét xưa kia giờ đã là khu trung tâm đô thị sầm uất của xã Đăk Pét và thị trấn Đăk Glei hôm nay. Cựu chiến binh Đinh Thế Dơ, nguyên Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND huyện Đăk Glei nói: “Hiện nay đường giao thông tới từng xã, một số xã tới từng thôn, đời sống bà con đỡ rất nhiều. trao đổi hàng hóa thuận lợi, so với trước đây phát triển vượt bậc”.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng của chiến thắng Đăk Pét, ngày 20/6/2006 UBND tỉnh Kon Tum đã công nhận Di tích lịch sử cách mạng chiến thắng Đăk Pét là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Trên cơ sở đó, huyện Đăk Glei tiếp tục tôn tạo, phát triển khu di tích này để giáo dục truyền thống. Ông Trần Văn Trường, Trưởng Phòng VH&TT huyện Đăk Glei cho biết: “Hàng năm chúng tôi phối hợp với Phòng Giáo dục và Huyện Đoàn tổ chức cho các em các chương trình thiếu nhi giới thiệu sách, tổ chức chương trình về nguồn để giới thiệu, quảng bá về chiến thắng Đăk Pét để phát triển tham quan, du lịch, tôn tạo truyền thống văn hóa của địa phương”.

Đã 44 năm trôi qua nhưng ý nghĩa của chiến thắng Đăk Pét vẫn còn nguyên giá trị, đó là chiến thắng của tinh thần quyết tâm cao, chiến thắng của sự phối hợp tài tình giữa tiến công và nổi dậy của lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân.

Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *