(kontumtv.vn) – Tháng 6/2014, một số hộ nông dân trên địa bàn thành phố Kon Tum đã tham gia trồng rau theo Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP”do Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đến khi những hộ dân này thu hoạch rau màu thì thị trường tiêu thụ rau an toàn lại bấp bênh, không đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Sản xuất rau an toàn
Sản xuất rau an toàn

Ông  Đỗ Văn Luận  là 1 trong 3 hộ nông dân  của Tổ hợp tác rau  1/5, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum tham gia Dự án sản xuất rau an toàn. Ngoài được tập huấn các qui trình kỹ thuật, Dự án  đã  hỗ trợ hơn 60% chi phí để ông làm 1.000 mét vuông nhà màng thực hiện trồng rau an toàn. Theo cam kết, sản phẩm của ông làm ra phải cung ứng cho các điểm bán rau an toàn của Dự án. Tuy nhiên, hơn 3 tháng qua, sản phẩm thu hoạch thì nhiều nhưng các điểm bán rau an toàn của Dự án thì bán được  rất ít. Ông Luận nói: “Thực hiện trồng từ hôm tháng 6, đến nay đã vào qui trình sản xuất chặt chẽ rồi. Ngược lại thì sản phẩm của nông dân làm ra chưa tiếp cận được thị trường lý do rau an toàn còn mới quá, người dân chưa có những thông tin  rộng rãi để tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm rau an toàn. Hiện giờ thì rau vẫn ứ đọng trong vườn”.

Triển khai  thực hiện Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP”, Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum đã hỗ trợ kinh phí để 3 hộ dân tham gia Dự án làm 3.000 mét vuông nhà màng. Đồng thời hỗ trợ 50% giống để các hộ dân sản xuất. Ngoài ra, 3 hộ nông dân này còn thực hiện quy trình trồng rau an toàn ở diện tích khoảng 6.000 mét vuông đất canh tác khác. Tất cả quy trình sản xuất đều có cán bô kỹ thuật giám sát, hướng dẫn.

Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm của những hộ dân tham gia Dự án, Phòng kinh tế thành phố đã bố trí 2 điểm bán rau an toàn. Tuy nhiên, 2 cửa hàng bán rau an toàn này luôn vắng khách. Hiếm hoi lắm mới có một vài người khách đến xem nhưng cũng chẳng mua được là bao. Chính vì vậy mà sản phẩm của những  nông dân làm ra buộc phải bán đại  trà  ra  thị trường. Thậm chí, họ phải bán lẻ rau màu tại vườn. Ông Nguyễn Duy Điệp, Tổ trưởng Tổ sản xuất rau an toàn VietGap phường Thắng Lợi cho biết: “ Tại 2 điểm bán rau an toàn, do nhiều người chưa biết thành thử lượng rau chúng tôi ra có khi bán chậm lắm, tính ra sản lượng bán cũng chỉ được khoảng 1/5 hoặc 1/6 mà thôi”.

Thực hiện dự án sản xuất rau an toàn này là nhằm hướng đến mục tiêu từng bước phát triển rau an toàn thành sản phẩm chủ lực của thành phố Kon Tum. Tuy nhiên, nếu không có giải pháp thiết thực, cụ thể  để người dân tin tưởng, tiêu dùng  rau an toàn thì khả năng thực hiện mục tiêu đề ra là rất khó. Hiện nay có một nghịch lý là người tiêu dùng thực sự rất cần tìm rau an toàn để sử dụng, trong khi đó những người nông dân sản xuất rau an toàn thì lại không tìm được đường ra cho sản phẩm.

                                                          Thanh Tùng – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *