(kontumtv.vn) – Những năm gần đây, sâm Ngọc Linh được rất nhiều người biết đến là loài dược liệu đặc hữu quý hiếm và giá trị cao trên thế giới. Chúng ta hãy tìm hiểu về điều kiện sống tự nhiên của sâm Ngọc Linh và những khó khăn, vất vả của người tiên phong đi trồng sâm.

Từ xa xưa, sâm Ngọc Linh đã được phát hiện sống rất nhiều tại dãy núi Ngọc Linh, nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm, thời tiết mưa lạnh kéo dài từ 7- 8 tháng trong năm. Hiện nay, nguồn tài nguyên rừng tại dãy núi Ngọc Linh vẫn còn rất dồi dào và phong phú. Trong khu vực rừng nguyên sinh này, thảm thực vật rất đa dạng với nhiều tầng cây mọc xanh tốt quanh năm. Bên dưới những cánh rừng nguyên sinh, sâm Ngọc Linh được trồng theo từng luống và được công nhân bảo vệ rất nghiêm ngặt.

Trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng
Trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng

Ông A Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông là cán bộ quản lý tại vườn sâm cho biết, đến nay Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum đã phát triển được 470 ha. Ngoài diện tích sâm trồng dưới tán rừng, công ty đã phát triển vườn ươm cây sâm giống với số lượng lên đến trên 1 triệu cây. Các cây giống này được ươm từ hạt của cây trưởng thành. Cây giống sau hơn 1 năm, cứng cáp, khỏe mạnh, đạt tiêu chuẩn sẽ được đưa ra luống đất để trồng. Ông A Sỹ nói: “Trước khi có Công ty Sâm Ngọc Linh thì bà con ở đây hầu như chưa biết đi tìm và trồng, việc đó bà con không nghĩ đến. Trồng thì sợ mất, tại vì chưa có người nào dám đầu tư vào đây. Từ khi có Công  ty Sâm Ngọc Linh vô đây đầu tư, phát triển cây sâm thì bà con cũng đi tìm sâm rừng để bán, một số bán cho công ty, một số bà con trồng cho gia đình”.

Là người có thâm niên trong lĩnh vực trồng sâm Ngọc Linh, ông Nguyễn Đình Hồng, cán bộ kỹ thuật của công ty cho biết, để có được diện tích sâm lớn như ngày hôm nay, bản thân ông và những người tiên phong đi trồng sâm gặp rất nhiều khó khăn và không ít thất bại. Đó chính là những kinh nghiệm quý báu để công ty phát triển ổn định và bền vững như ngày hôm nay. Ông Nguyễn Đình Hồng cho biết: “Ngày đầu thì nhiều thất bại lắm, cách đây khoảng 5 – 7 năm, cứ gieo đến tháng 3, tháng 4 thì cây sâm tự nhiên chết hết, không biết nguyên nhân thế nào, mình đi học hỏi những người trồng trước thì người ta cũng không biết, tự nhiên cả luống sâm như bị hắt nước sôi đổ lên, nó bị nhũn hết. Mình từ từ cứ làm, đúc rút kinh nghiệm. Do thời tiết là 1, điều kiện chăm sóc, mấu chốt cơ bản để tồn tại cây sâm như hôm nay là phải sạch, xử lý trước môi trường đất để làm. Như mùn, chúng tôi phải cho xử lý trước hết, dùng vôi bột rồi một số phụ gia nữa để diệt hết  khuẩn, bệnh là từ trong đất ra, rồi thời tiết tác động nữa. Cây này rất khó, nắng nó cũng héo hắt, mưa quá cũng tự nó chết, cho nên mình phải theo dõi, thời điểm nào mình phải che, thời điểm nào mình phải mở nilon ra để cho nó phát triển

Để có được thành quả về bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh như hiện nay, có đóng góp rất lớn của đội ngũ công nhân công ty.

Tấn Thành – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *