(kontumtv.vn) – Hàng năm, các cấp ngành trên địa bàn tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng về bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ tầng khí quyển, bảo vệ tầng ôzôn nói riêng. Qua đó đã làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường sống, góp phần tích cực trong việc bảo vệ tầng ôzôn.

Trước đây, ở thôn Kroong Ktu, xã Kroong, thành phố Kon Tum, tình trạng phát đốt rừng làm nương rẫy, nuôi nhốt gia súc dưới gầm nhà, vệ sinh trong thôn không được đảm bảo… Năm 2006, được sự hỗ trợ từ Ủy ban Trung ương MTTQVN, thôn Kroong Ktu được chọn là một trong 2 khu dân cư điểm của tỉnh Kon Tum triển khai mô hình xây dựng “Làng văn hóa môi trường”, từ đó nhận thức của bà con trong thôn dần có sự đổi thay. Đường làng lúc nào cũng phong quang, sạch đẹp; 100% số hộ đều rào vườn, phát quang bụi rậm, tham gia trồng cây xanh; 100% số hộ tự giác không đốt rừng làm rẫy. Bà con trong thôn đã đoàn kết, chung tay giữ gìn môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp.  Ông A Pứi, Thôn trưởng Kroong Ktu nói: “Tôi tuyên truyền vận động để bà con hiểu được về vấn đề bảo vệ môi trường, tạo nếp sống, xanh, sạch, đẹp cho gia đình và làng xóm. Chúng ta hưởng ứng bảo vệ môi trường của nước ta cũng là bảo vệ môi trường toàn thế giới. Qua đó bà con cũng tích cực tham gia, bà con hiểu được vấn đề bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cuộc sống trong lành cho hiện tại và tương lai”.

Bảo vệ rừng
Bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống

Cùng với phương án giao khoán bảo vệ rừng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng những hình thức trực quan, sinh động, công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Người dân nhận giao khoán có ý thức bảo vệ rừng được giao, thường xuyên kiểm tra rừng và báo cáo các cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời khi có vi phạm; hạn chế được tình trạng phát rừng làm nương rẫy. Đặc biệt, người dân đã nhận thức bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống của chính mình, hạn chế lũ lụt, góp phần bảo vệ tầng ôzôn.Ông A Môc (thôn 10, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy) cho biết: “ Trước kia dân làng mình phát rẫy ngoài rừng, bây giờ nghe Nhà nước tuyên truyền thì bảo vệ rừng, chăm sóc rừg cho nó tốt đẹp, cũng là bảo vệ cuộc sống của dân làng và bảo vệ tầng ozôn”

Hưởng ứng chương trình hành động “Ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường”, Tỉnh Đoàn Kon Tum đã xây dựng kế hoạch hành động về “Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường”, tổ chức lồng ghép công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với việc tổ chức các phong trào thi đua, cuộc vận động tạo môi trường lành mạnh, hấp dẫn thu hút đông đảo thanh thiếu niên tham gia. Hàng tháng, Đoàn Thanh niên tổ chức các hoạt động “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”; ra quân làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm trong khu dân cư, thu gom, xử lý rác thải, trồng cây xanh; giới thiệu giải pháp, sáng kiến, đưa công nghệ bảo vệ môi trường vào các làng nghề để giải quyết ô nhiễm môi trường. Bạn Hoàng Thị Hương, sinh viên Khoa Sư phạm mầm non, Trường CĐSP Kon Tum chia sẻ: “ Nói về tầng ozon thì hiện nay đang là một vấn đề nóng được toàn cầu quan tâm. Theo em để có được một cuộc sống xanh thì chúng ta cần phải biết bảo vệ môi trường của mình, tiết kiệm điện nước trong sinh hoạt cũng như trong việc làm của mình. Thứ hai là chúng ta trồng thật nhiều cây xanh, đặc biệt chúng ta nên sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng giao thông cá nhân để góp phần nào đó hạn chế được khói ô nhiễm ra ngoài môi trường”.

Cùng với sự nỗ lực của các cấp, ngành, người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ môi trường, sống thân thiện với thiên nhiên, chuyển ý thức thành hành động cụ thể để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ôzôn, xây dựng môi trường sống ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Ngọc Chí – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *