(kontumtv.vn) – Phát huy vai trò nhiệm vụ được giao, cán bộ nhân viên Ban Quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen (Kon Plông, Kon Tum) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trở thành điểm sáng trong việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Vào những ngày giáp Tết Canh Tý, khi tiết trời ấm hơn, cũng là lúc không khí tại các nhà màn bên trong Ban Quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen – Kon Plông trở nên nhộn nhịp và tấp nập. Hàng ngàn chậu hoa quý mang thương hiệu hoa Măng Đen được khách hàng đến lấy để vận chuyển, cung ứng hoa Tết cho người dân thành phố Kon Tum và các tỉnh miền Trung, góp phần đem lại sắc xuân cho nhiều gia đình, nhiều cơ quan.

Trước đây, người dân Kon Tum muốn trang trí Tết bằng những loại hoa cao cấp như ly, lan hồ điệp, đen rô, hoa dạ yến thảo, dâu tây và một số loại hoa khác phải bỏ công sức tìm kiếm và chi phí rất cao để nhập hoa về từ Lâm Đồng và các tỉnh khác. Giờ đây, mọi thứ đã khác. Những loại hoa này đã được đội ngũ cán bộ kỹ thuật Ban Quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen gieo trồng tại chỗ với số lượng lớn nên giá thành hạ thấp hơn và chất lượng cũng đảm bảo hơn.

Nhiều giống rau, hoa, cây dược liệu đã được cung cấp ra thị thị trường
Nhiều giống rau, hoa, cây dược liệu đã được cung cấp ra thị thị trường

Các mặt hàng rau củ quả chất lượng cao phục vụ trong dịp Tết năm nay cũng được đơn vị cung ứng ra thị trường với khối lượng lớn. Theo đó, hàng tấn sản phẩm rau, củ, quả sạch được trồng trong nhà màn và hệ thống thủy canh được đóng gói để chuyển đến hệ thống siêu thị và các thành phố lớn trong cả nước.

Được thành lập theo Quyết định 710 ngày 11/7/2018 của UBND tỉnh Kon Tum trên cơ sở chuyển Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen và Ban Quản lý từ trực thuộc UBND tỉnh về trực thuộc UBND huyện Kon Plông, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen – Kon Plông có chức năng thực hiện các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, đào tạo nhân lực, ươm tạo và phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; tổ chức hoạt động dịch vụ giống, vật tư, tiêu thụ sản phẩm và các hoạt động khác theo quy định; thu hút đầu tư phát triển sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, đơn vị còn được giao nhiệm vụ giúp khởi nghiệp doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đầu tư kinh doanh hạ tầng. Trên cơ sở đó, đơn vị được giao quản lý, khai thác 170 ha với gần 350.000 m2 nhà màn và nhiều hạ tầng thiết yếu. Ban có 18 cán bộ, nhân viên, người lao động.

Đến nay, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là một trong những lĩnh vực mang tính đột phá của Ban quản lý. Hiện tại Ban đã hoàn thiện công tác nghiên cứu, xây dựng thành công giống đầu dòng nhiều loại hoa và dược liệu quý.

Trên cơ sở hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, Ban Quản lý Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen đã chuyển giao thành công nhiều mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào thực tiễn cho các doanh nghiệp trên địa bàn và cho bà con nông dân. Theo đó, các mô hình trồng dược liệu như sâm dây, đương quy, lan kim tuyến, bí nhật, cà chua bi, ớt chuông và nhiều sản phẩm rau đậu khác đã được sản xuất ở diện rộng, cung ứng rộng rãi ra thị trường và từng bước khẳng định được thương hiệu sản phẩm riêng có. Tiêu biểu như Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Măng Đen, khi đăng ký sản xuất với diện tích 2.400 m2 nhà màn đã được Ban hỗ trợ tích cực về công nghệ. Nhờ vậy sản phẩm cà chua che ri đều đặn được cung ứng cho thị trường.

Không chỉ được hỗ trợ về công nghệ, kỹ thuật, các doanh nghiệp khi đến đăng ký đầu tư, sản xuất tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen còn được tạo điều kiện tốt về sản xuất kinh doanh. Nhờ vậy, đã có 4 doanh nghiệp đăng ký đầu tư, sản xuất tại đây. Đồng thời, có khá nhiều doanh nghiệp đăng ký tìm hiểu cơ hội đầu tư vào khu nông nghiệp này.

Cũng trên cơ sở hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen đã trở thành địa chỉ quan trọng trong việc cung ứng giống cây trồng phục vụ cho chiến lược phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Bà Lê Thị Nga, Phó Giám đốc đơn vị này cho biết: “Hiện tại Ban đã nghiên cứu ứng dụng để nhân ra các loại giống quý hiếm hầu như trước đây chưa có như lan kim tuyến, một số lan hồ điệp, đen rô và một số loại như đặt hàng có thể nhân rộng với diện tích lớn trên địa bàn tỉnh, rồi một số loại như sâm dây có thể nhân giống bằng nhiều phương pháp, rồi đương quy và một số loại rau như bí Nhật có thể cung cấp giống để nhân ra diện rộng trên địa bàn huyện Kon Plông và tỉnh Kon Tum, Một số rau như xà lách, cà chua các loại giống có thể cung cấp ra thị trường với quy mô lớn”.

Mặc dù mới đi vào hoạt động trong thời gian ngắn, nhưng những mô hình, các loại cây trồng, các công trình nghiên cứu của ban đã có sức lan tỏa lớn, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ông Phạm Thanh, Giám đốc đơn vị nói: “Tập trung đẩy mạnh nghiên cứu về giống, về công nghệ để chuyển giao cho doanh nghiệp và cho người dân và liên kết giữa doanh nghiệp với người dân để tạo thành chuỗi sản xuất tiêu thụ, xây dựng các thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa để đi vào bán trong các hệ thống chính thống. Khai thác các cơ sở hạ tầng do Nhà nước đầu tư một cách hiệu quả trong khu này, sau đó mở rộng sang những khu khác, đó là một trong những nhiệm vụ trong thời gian sắp tới”.

Xuân Canh Tý 2020 đã về, cán bộ, nhân viên và người lao động Ban Quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen – Kon Plông thêm tự hào vì những sản phẩm đã góp phần làm cho sắc xuân của mọi gia đình đẹp hơn, bữa ăn ngày Tết ngon miệng hơn từ những sản phẩm sạch. Vui hơn khi Tết này nhiều gia đình nhờ áp dụng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao do Ban chuyển giao đã có thu nhập khá để đón xuân mới vui tươi, đầm ấm.

Văn Hiển – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *