(kontumtv.vn) – Chiều 2/7, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới Trần Thanh Nam làm Trưởng đoàn đã làm việc tại tỉnh Kon Tum. Nội dung làm việc nhằm đánh giá việc thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020; tình hình hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh.

Tham dự làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thế Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp.

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, đến hết tháng 6/2020, tỉnh Kon Tum có 26 xã đạt chuẩn 19 tiêu chí; trong đó, 24 xã được công nhận xã nông thôn mới, không có xã đạt dưới 8 tiêu chí. Dự kiến đến cuối năm nay, tỉnh có 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới và số tiêu chí đạt chuẩn bình quân là 14 tiêu chí.

Đến cuối năm 2019, tỉnh có trên 80 hợp tác xã nông nghiệp, tăng gần 70% so với năm 2018. Doanh thu bình quân hàng năm của các hợp tác xã đạt 940 triệu đồng với lợi nhuận bình quân 200 triệu đồng/hợp tác xã. 6 tháng đầu năm nay, hơn 20 hợp tác xã nông nghiệp đã được thành lập tại các địa phương trong tỉnh, đạt trên 100% kế hoạch giao.

Về Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, tỉnh đã xây dựng và ban hành Đề án Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của Đề án phấn đấu giai đoạn 2018 – 2030 quy hoạch phát triển 138 sản phẩm OCOP; trong đó, tập trung phát triển 85 sản phẩm chủ lực có lợi thế so sánh của địa phương đạt chuẩn cấp tỉnh từ 3 – 4 sao; phấn đấu đến năm 2025, mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 – 2 sản phẩm/năm được hỗ trợ thực hiện theo Chu trình OCOP.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp cho biết, hiện nay, kết quả thực Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Kon Tum tuy có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn chênh lệch so với toàn quốc và khu vực Tây Nguyên. Tỉnh còn 2 huyện chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới là Tu Mơ Rông và huyện Ia H’Drai. Toàn tỉnh hiện có 49 xã, gần 60 thôn, làng thuộc diện đặc biệt khó khăn. Tỉnh đề nghị Trung ương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về mặt chính sách và nguồn lực đầu tư, hỗ trợ triển khai thực hiện; đồng thời xem xét hỗ trợ xây dựng mô hình điểm xã nông thôn mới đối với xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; có cơ chế hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh tham gia Dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đề nghị thời gian tới, tỉnh Kon Tum tiếp tục rà soát, quy hoạch lại vùng nguyên liệu, tạo điều kiện hình thành nhiều hơn nữa các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp, từ đó, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ vào canh tác để tăng sản lượng, năng suất cây trồng; phát huy hơn nữa vai trò của hợp tác xã, nhất là đẩy mạnh liên kết hợp tác xã với hộ dân để tổ chức sản xuất đạt hiệu quả. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, từ nay đến năm 2025, tỉnh Kon Tum phải hoàn thành các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Với các xã, thôn, làng đặc biệt khó khăn, tỉnh nên xây dựng đề án riêng về xây dựng nông thôn mới cho từng địa bàn. Về những kiến nghị, đề xuất của tỉnh trong buổi làm việc, đoàn công tác sẽ tổng hợp, xem xét hướng hỗ trợ cụ thể để địa phương tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.

Thu Trang – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *