(kontumtv.vn) – Chiều 4/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội  tỉnh do bà Y Mửi – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về thực hiện chính sách, pháp luật giảm nghèo giai đoạn 2005-2012. Bà Lê Thị Kim Đơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban  Chỉ đạo Đề án giảm nghèo tỉnh, lãnh đạo một số sở, ban, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo Đề án giảm nghèo tỉnh và lãnh đạo UBND các huyện, thành phố đã làm việc với đoàn.

ddbqhlvvubndt

Các đại biểu dự buổi làm việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo.

Giai đoạn 2005-2012, toàn tỉnh đã có trên 116.300 lượt hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn với số tiển trên 645 tỉ đồng, trên 22.680 lao động được đào tạo nghề, 655 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trên 17.430 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở. Đối với chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù, toàn tỉnh có 266 công trình hạ tầng được đầu tư tại 2 huyện nghèo, 900 công trình hạ tầng được đầu tư tại các xã đặc biệt khó khăn và các thôn đặc biệt khó khăn từ nguồn vốn Trung ương, 57 công trình hạ tầng được đầu tư tại 20 xã trọng điểm đặc biệt khó khăn, trên 1.680 hộ nghèo được hỗ trợ cấp cây giống cao su và trên 7.200 hộ nghèo DTTS trên địa bàn 20 xã trọng điểm ĐBKK được cấp bù lãi suất 0,3%/ tháng từ nguồn kinh phí của tỉnh. Kết quả, giai đoạn 2005-2012, toàn tỉnh đã có 30.691 hộ thoát nghèo, bình quân tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm 4,70%/năm, đạt và vượt so với mục tiêu chương trình từng giai đoạn đề ra.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã đề nghị Đoàn ĐBQH có ý kiến đề xuất Chính phủ nâng mức cho vay hộ nghèo từ nguồn Ngân hàng Chính sách xã hội, nâng mức hỗ trợ đầu tư đối với 1 công trình hạ tầng như nhà ở, nước sinh hoạt, tiếp tục có chính sách giảm nghèo ưu tiên đối với các xã vùng 3 và điều chỉnh mức kinh phí hỗ trợ từ Trung ương về cho địa phương, tránh tình trạng cào bằng, sửa đổi chính sách 102 hỗ trợ trực tiếp người nghèo do nguồn hỗ trợ quá ít và nhỏ lẻ.

UBND tỉnh cũng đã đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tổng hợp các chính sách giảm nghèo có cùng mục tiêu, đối tượng để thống nhất giao cho một bộ, ngành quản lý đầu tư đồng bộ, tránh tình trạng chồng chéo, dàn trải không hiệu quả. Đồng thời ban hành chính sách pháp luật về giảm nghèo căn cứ thực trạng nghèo và nguyên nhân nghèo của từng vùng, địa phương, hộ nghèo để xây dựng các chính sách và thực hiện giải pháp phù hợp, hiệu quả, các công trình, dự án vừa và nhỏ nên giao quyền làm chủ đầu tư cho cấp cơ sở để thực hiện tốt hơn.

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Y Mửi khẳng định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Qua giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh cho thấy các địa phương đã có sự lồng ghép các nguồn lực, chương trình MTQG trong giảm nghèo, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về phát triển kinh tế gia đình. Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận: Nhận thức của bà con ở vùng sâu, vùng xa, từ tự cung tự cấp và những phong tục, tập quán lạc hậu thì hiện nay đã có nhận thức về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, về thi đua trong phát triển kinh tế hộ gia đình, thi đua để có cuộc sống ấm no, các con được đi học. Qua thực tế, bà con đã biết vận dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào các mô hình kinh tế của mình, nâng cao năng suất,  thu nhập cho gia đình.

 Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đề nghị các địa phương đánh giá lại công tác giảm nghèo để khắc phục những hạn chế, thiếu sót, thực hiện giảm nghèo tốt hơn trong thời gian đến; lưu ý các địa phương cần nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của địa phương, ưu tiên đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho người nghèo và chú trọng tìm giải pháp để giảm nghèo bền vững.

 

Tấn Thành – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *