(kontumtv.vn) – Kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, sau 29 năm thành lập lại tỉnh, (12/8/1991 – 12/8/2020), tỉnh Kon Tum đã đạt những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, sự đổi thay về diện mạo vùng DTTS từ nông nghiệp, nông thôn đến an sinh xã hội, được xem là thước đo quan trọng trong sự phát triển ổn định bền vững, đảm bảo an ninh chính trị của địa phương.

 DOI THAY KON TUM

Những con đường làng bê tông sạch sẽ, những con đường đi khu sản xuất được đầu tư hay những cây cầu treo dân sinh vững chắc bắc qua sông là những đổi thay nổi bật tại các vùng DTTS ngày nay. Được Đảng và Nhà nước quan tâm, đời sống sản xuất, sinh hoạt thường ngày của bà con được đảm bảo và thuận tiện hơn. Ông A Bliên ở thôn Trang Nó Kon Blo, xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy chia sẻ: “Từ năm 1990 đến nay, về việc cuộc sống của nhân dân thì nó sự thay đổi rất nhiều, rất tốt. Bởi vì đường đi nè, cầu treo nè, hồi trước là đi bộ, đi rất dở, lầy bây giờ có đường đi này thì đi rất là tốt. Thay đổi về phát triển kinh tế nữa, có nhiều cái đổi mới và phát triển rất nhanh”.

Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Kon Tum đã đầu tư, xây dựng, nâng cấp trên 1.600km đường giao thông nông thôn; xây dựng và sửa chữa 149 công trình thủy lợi, 190 trường học; kiên cố hóa 50km kênh mương nội đồng; 100% xã có điện lưới quốc gia, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Già A Brưk ở thôn Kon Klor, phường Thắng Lợi, TP Kon Tum bày tỏ niềm vui: “Điện đường trường trạm xuống từng thôn làng ĐBDTTS, lo cho con cháu đi học đầy đủ. Thứ hai nữa về chăm sóc sức khỏe của nhân dân là trạm y tế, ví dụ như có bệnh tật đau ốm là khám, chữa bệnh kịp thời. Và bà con đã có sự đầu tư trang thiết bị tiện nghi trong gia đình như là xe máy, tủ lạnh, ti vi tương đối đầy đủ để nắm được thông tin chung của xã hội, của nhà nước, của Đảng”.

Trong phát triển kinh tế hộ gia đình, tỉnh Kon Tum đã định hướng và đổi mới hình thức sản xuất gắn với tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Theo bà Y Maih ở làng Kon Jơ dri, xã Đăk Rơ Wa, TP. Kon Tum, trước đây bà con chỉ biết trồng lúa rẫy, từ ngày Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ bà con các giống cây trồng, hiện nay bà con đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang mía, bời lời, cà phê, cao su. Nhờ đó kinh tế của bà con hiện nay phát triển rõ rệt.

Ông Trần Văn Chương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum cho biết, triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Kon Tum đã huy động hơn 2.900 tỷ đồng từ các nguồn vốn của TƯ, địa phương, nguồn xã hội hóa để lồng ghép, đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ phát triển sản xuất theo liên kết chuỗi. Tính đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh đạt trên 41 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo 13,6%…góp phần đạt chuẩn các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh trong từng giai đoạn theo kế hoạch.

Kon Tum là tỉnh có đông ĐBDTTS sinh sống, cùng với thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng được quan tâm. Việc bảo tồn, phục dựng các lễ hội văn hóa truyền thống tốt đẹp được tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện, nhất là việc duy trì và giữ lại các nghề truyền thống gắn với tạo nguồn thu nhập cho người dân. Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, ông Hà Hồng Duy cho biết:“Các chính sách của nhà nước những giai đoạn thì hằng năm đều có điều chỉnh phù hợp với nhu cầu, những cái sự bức xúc của bà con, thì thông qua những chính sách như vậy thì đã góp phần rất lớn vào vấn đề bảo tồn văn hóa, những cái nghề  truyền thống của bà con. UBND tỉnh cũng đã ban hành quyết định, xây dựng đề án về bảo tồn các nghề truyền thống của 7 DTTS mà đến nay thì cũng đã triển khai là đến năm thứ 4, năm cuối của đề án và cũng sẽ tổng kết cái công tác hiệu quả của đề án”.

Cột mốc 29 năm thành lập lại tỉnh với những thành quả đạt được, đánh giá sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, Nhân dân và đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã chung sức, đồng lòng tạo nên sự thay đổi toàn diện về kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Trong đó đánh dấu sự chuyển mình từ phát triển nông nghiệp nông thôn thuần túy sang thị trường nông nghiệp thương mại với nhiều sản phẩm đặc trưng mang tầm quốc gia được nhiều người biết đến, từng bước tạo nên vị thế của tỉnh Kon Tum trong sự phát triển chung của đất nước.

                                                                                             Hơ Jan – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *