(kontumtv.vn) – Đăk Trăm và Văn Lem là 2 xã đặc biệt khó khăn của huyện Đăk Tô, có địa hình, điều kiện đất đai kém thuận lợi nên ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Thế nhưng với sự nỗ lực, đồng lòng của chính quyền và nhân dân, những vùng đất khó ngày nào của huyện Đăk Tô giờ đã có nhiều đổi thay tích cực, góp phần vào sự phát triển chung của huyện.

Sinh ra và lớn lên ở xã Đăk Trăm, vùng đất có địa hình đồi núi, dốc, đất đai kém màu mỡ nên cũng như bao hộ dân khác, chị Y Hình gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế. Năm 2012, chị Y Hình được hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật để trồng 4 sào cà phê và 1 ha bời lời; được định hướng phát triển chăn nuôi gia đình chị nuôi thêm trâu. Nhận thấy hiệu quả mang lại từ cây cà phê, chị Y Hình đã mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích, phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, đời sống gia đình chị được cải thiện đáng kể. Mỗi năm chị thu nhập từ 50 đến 60 triệu đồng. Chị Y Hình chia sẻ: “Trước đây thì khó khăn, xã cấp giống cho bà con, bà con được hưởng giống thì bà con trồng cà phê, trồng bời lời, bây giờ kinh tế cũng kha khá, cũng ổn định cuộc sống. Bà con trong làng ai cũng phấn khởi”.

Vườn cà phê gia đình chị Y Hinh
Vườn cà phê gia đình chị Y Hinh

Văn Lem cũng thuộc diện xã đặc biệt khó khăn, không nằm trong Đề án hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền và cà phê xứ lạnh của tỉnh, vì vậy huyện đã dành nhiều kinh phí, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ bà con phát triển cây cao su, bời lời và cà phê vối. Đến nay, đời sống của người dân ngày một nâng lên. Hệ thống điện, đường, trường, trạm trên địa bàn được đầu tư xây dựng, nâng cấp; nếp sống văn hóa từng bước hình thành. Ông A BLang (thôn Đăk Xanh, xã Văn Lem) nói: “Tôi thấy đất địa bàn Văn Lem khó khăn là thấy đất dốc. Khi có chủ trương của Đảng, Nhà nước triển khai cây công nghiệp, gia đình tôi mạnh dạn trồng thí điểm, bữa nay cũng thấy được một số kết quả, tuy không bằng như dưới kia nhưng thấy cũng tạm ổn, rất phấn khởi. Phải cố gắng làm thêm, tiếp tục làm, tuyên truyền cho bà con trong xã làm sao để xóa đói, giảm nghèo; xây dựng xã hội ngày càng phát triển lên vững mạnh hơn, để cho nhân dân ta được ấm no, hạnh phúc”.

Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi, hướng dẫn bà con chuyển từ hình thức thả rông sang chăn nuôi có chuồng trại, trồng cỏ để chăn nuôi; thay đổi hình thức vay vốn, hình thành các tổ vay vốn xoay vòng để giúp đỡ lẫn nhau, đồng thời mở các lớp tập huấn hỗ trợ kĩ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho bà con. Trong 2 năm 2016 và 2017, mỗi năm đàn bò của hai xã Văn Lem, Đăk Trăm tăng trên 40%. Có được những kết quả đáng mừng ấy, phải kể đến sự quan tâm  đầu tư của địa phương dành cho 2 xã và tinh thần nỗ lực, vượt khó vươn lên của chính người dân. Ông Ngô Văn Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô cho biết: “Hai xã Văn Lem, Đăk Trăm trong những năm qua phát triển tương đối tốt, góp phần trong công cuộc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện nói chung và của toàn tỉnh nói riêng; góp phần kéo khoảng cách thu nhập giữa xã đặc biệt khó khăn và xã thuận lợi trên địa bàn. Trong giai đoạn tới, huyện vẫn tiếp tục triển khai sử dụng nhiều nguồn vốn của địa phương, trong đó đặc biệt lồng ghép các nguồn vốn chương trình mục tiêu để hỗ trợ cho các hộ trên 2 xã này tiếp tục phát triển trên cơ sở chọn lựa những cây, con phù hợp với điều kiện trên địa bàn để phát triển đạt hiệu quả cao hơn”.

Tỷ lệ giảm nghèo của 2 xã Đăk Trăm, Văn Lem trong những năm qua mới chỉ dừng ở lại mức hơn 4% một năm nhưng những khởi sắc trên 2 vùng đất này đã phần nào minh chứng cho tinh thần vượt khó của nhân dân và các cấp chính quyền địa phương; là động lực để chính quyền và người dân 2 xã tiếp tục cố gắng, phấn đấu đưa Đăk Trăm, Văn Lem thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn.

Thanh Thủy – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *