(kontumtv.vn) – Là huyện biên giới mới thành lập, điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, song với sự hỗ trợ của các cấp, sự đồng lòng, chung sức của người dân, cùng những đóng góp của các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, huyện Ia H’Drai (Kon Tum) đang chuyển mình đổi thay từng ngày.

Đón chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ, vợ chồng anh Nguyễn Trọng Sỹ, chị Phan Thị Hồng Trương (thôn 8, xã Ia Tơi) hào hứng kể về cuộc sống của mình. Ngoài thu nhập của vợ chồng anh chị trên 15 triệu đồng/ tháng từ việc nhận khoán khai thác mủ cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray, gia đình còn có 4 ha cây điều trồng năm thứ 2, 4 con bò sinh sản. Đó là thành quả của vợ chồng anh chị sau 5 năm rời vùng đất Đô Lương, Nghệ An đến an cư lập nghiệp ở vùng biên giới đầy nắng gió Ia H’Drai. Chị Phan Thị Hồng Trương chia sẻ: “Cuộc sống 2 vợ chồng, con cái đảm bảo. Mọi quyền lợi hỗ trợ, vay vốn, rồi Công ty cho đất khe suối bờ lô, hợp thủy để gia đình có thêm thu nhập, tạo điều kiện như vậy thì thấy cuộc sống ổn định hơn. Tết này chắc lại được ăn Tết to đây vì năm nay ổn định hơn”.

Cũng như nhiều hộ gia đình khác, những ngày giữa tháng Chạp, vợ chồng anh Trương Văn Hào, chị Trương Thị Đờn đang khai thác đợt mủ cao su cuối cùng để có thời gian rảnh rang dọn dẹp nhà cửa, đón Tết cổ truyền dân tộc. Đây là năm thứ 5 gia đình anh chị đón Tết tại vùng biên giới Ia H’Drai. Gia đình hiện là một trong những hộ có kinh tế khá giả ở thôn 7, xã Ia Tơi. Ngoài nhận khoán chăm sóc, khai thác 18 ha cao su, gia đình được Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray tạo điều kiện tận dụng đất bờ lô, hợp thủy để trồng mỳ, trồng cây điều. Trung bình mỗi tháng vợ chồng anh chị thu nhập gần 20 triệu đồng. Anh Trương Văn Hào cho biết: “Nói chung cuộc sống bây giờ khác hơn ngày xưa, phát triển hơn. Công ty chăm sóc cho công nhân tốt hơn ngày xưa. Ngày xưa mới vào thì đường sá khó khăn, điện, đường, trường, trạm chưa có. Cuộc sống bây giờ so với 2012 thì ổn định hơn. Gia đình, con cái vào đây rồi thì chắc chắn yên tâm gắn bó với nơi đây”.

Năm 2007, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mo Ray là doanh nghiệp đầu tiên thành lập tại đây. Với mục tiêu phát triển kinh tế vùng biên, đơn vị cử người về tận Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa vận động người dân vào làm công nhân. Sau hơn 10 năm thành lập, đơn vị đã trồng gần 5.200 ha cao su; trong đó hơn 1500 ha đã cho khai thác, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho gần 600 lao động với mức thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/ người/ tháng. Có việc làm ổn định, hầu hết người lao động đã đưa cả gia đình lên vùng đất biên giới Ia H’Drai để lập nghiệp lâu dài. Ông Huỳnh Ngọc Hưng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray cho biết: “Phải nói là chúng tôi giai đoạn này có những chính sách cụ thể như là hỗ trợ, giao đất ở cho các hộ; kéo điện sinh hoạt về tại các khu dân cư. Bên cạnh đó các chế độ, chính sách cho công nhân như bảo hiểm y tế, BHXH, BHTN đầy đủ. Mặt khác, Công ty thành lập các nhà giữ trẻ cho bố mẹ các cháu yên tâm đi làm. Ngoài ra, Công ty đầu tư 1 trung tâm y tế để chăm sóc sức khỏe cho công nhân”.

Thực hiện Dự án mở rộng diện tích trồng mới 30.000 ha cao su ở Kon Tum, lần lượt các doanh nghiệp trồng cao su được thành lập tại đây, gồm Công ty TNHH MTV Cao su Sa Thầy, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Duy Tân, Chi nhánh Công ty 716 thuộc Binh đoàn 15… Đối với vùng đất mới, địa bàn phân bố rộng, dân cư thưa, việc trồng và chăm sóc cao su rất cần lao động, các công ty tuyển lao động ngoài địa phương vào làm việc, tạo điều kiện cho các hộ gia đình định cư lâu dài. Bên cạnh việc bố trí công việc, tạo thu nhập ổn định, các doanh nghiệp cao su đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm, và thực hiện các chính sách hỗ trợ khác để giữ chân người lao động. Thượng tá Hoàng Công Tỏa, Bí thư Đảng ủy Chi nhánh Công ty 716, huyện Ia H’Drai nói: “Đảm bảo việc làm và thu nhập, đặc biệt thực hiện chủ trương chia diện tích bờ lô, hợp thủy cho người lao động canh tác và làm thêm 8 ha lúa nước, hỗ trợ giống, vốn cho người lao động canh tác lúa nước. Rồi làm nhà cho số lao động mới để ổn định cuộc sống ban đầu cho họ. Đến thời điểm hiện nay, đơn vị bước vào thời kỳ kinh doanh, thu nhập của người lao động bình quân đạt hơn 6 triệu/ người/ tháng, tình hình đời sống người lao động rất ổn định và xác định gắn bó lâu dài với đơn vị xây dựng địa bàn”.

Năm 2014 huyện Ia H’Drai được thành lập với 3 đơn vị hành chính gồm xã Ia Tơi, Ia Dom và Ia Đal, dân số gần 12.000 nhân khẩu, 90% trong số đó là công nhân của các doanh nghiệp cao su. Ngay sau khi thành lập, các xã rà soát quy hoạch 168 điểm dân cư rải rác ở các đội sản xuất thuộc các công ty cao su, tiến hành nhập khẩu cho công dân và triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế để họ yên tâm ổn định cuộc sống lâu dài.

Đi theo tiếng gọi xây dựng kinh tế mới vùng đất Ia H’Drai từ năm 2010, gia đình anh Lê Văn Sơn ban đầu là công nhân của Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray. Năm 2014 gia đình được nhập khẩu trở thành công dân của xã Ia Tơi, anh được tiếp cận nguồn vốn 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội chăn nuôi bò sinh sản. Đến nay đàn bò đã lên 8 con, thu nhập của gia đình cũng tăng lên nhờ có bò sinh sản. Anh  Sơn chia sẻ: “Vào đây điều kiện rất khó khăn, 2 vợ chồng làm cho công ty, sau tình hình sức khỏe kém nên ở nhà. Nhờ xã, chính quyền địa phương cho vay vốn để chăn nuôi, nói chung từ đầu đến giờ kinh tế cũng đỡ khó khăn hơn. Nói chung mỗi năm 3 con bò mẹ đẻ 3 con, giá thị trường 7 triệu/ con cũng hơn 20 triệu. Rồi mình làm điều, làm cây ngắn ngày nên cũng đỡ”.

Ngoài ra, các hội, đoàn thể xã Ia Tơi còn đứng ra nhận ủy thác cho gần 350 hộ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế, với tổng dư nợ trên 16 tỷ đồng. Hầu hết các hộ đều sử dụng nguồn  vốn đúng mục đích, hiệu quả kinh tế bước đầu đã rõ nét. Chị Đinh Thị Diện, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 8, xã Ia Tơi cho biết: “Tổ chúng tôi có 59 hộ vay, có 40 hộ vay nuôi bò sinh sản, 19 hộ trồng điều và cà phê. Hiện tại nuôi bò cũng cho bà con kinh tế, bớt khó khăn một chút. Mỗi năm bò sinh sản 1, đến 2 con, nhiều thì 3 con”.

Xã Ia Tơi có diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện Sê San rộng, chính lợi thế này mà từ những năm 2010 đã thu hút nhiều cư dân các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Trung Trung Bộ đến đây định cư, đánh bắt hải sản. Trước khi UBND xã Ia Tơi thành lập, các hộ dân này gặp nhiều khó khăn. Từ khi thành lập xã họ được quy hoạch về 1 khu vực cố định sinh sống, được nhập khẩu tại địa phương và dược hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Trước những ngày gần Tết Mậu Tuất 2018, 13/24 hộ gia đình đã được địa phương cấp đất ở thôn 7 và hỗ trợ mỗi hộ 50 triệu đồng để làm nhà. Ông Nguyễn Văn Triều, Xóm trưởng làng chài thôn 7, xã Ia Tơi phấn khởi: “Lúc xưa thì không ổn định, chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện giấy tờ hợp pháp, chia đất, Mặt trận tỉnh cũng hỗ trợ 50 triệu để bà con làm nhà ở đây. Mấy chú thấy đó, san lấp mặt bằng rõ ràng, tinh thần rất lớn, bà con làng chài rất phấn khởi. Có lẽ là quê hương thứ 2 của bà con rồi”.

Những ngày này, đi đâu, đến bất cứ gia đình nào ở huyện biên giới Ia HD’rai đều dễ dàng nhận thấy cuộc sống người dân đã đổi thay rất nhiều. Điện, đường, trường, trạm được đầu tư, xây dựng; hoạt động thương mại, dịch vụ từng bước hình thành và phát triển. Có được kết quả này là sự nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của người dân, nhất là những đóng góp của các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn.

Một mùa xuân nữa lại về, dẫu còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng tin tưởng rằng những chính sách phát triển kinh tế gắn với ổn định dân cư, nâng cao đời sống người dân sẽ sớm phát huy hiệu quả, đưa kinh tế vùng biên ngày một phát triển, đi lên, qua đó góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh khu vực biên giới huyện Ia H’Drai.

Ngọc Hòa – Duy Vĩ   

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *