(kontumtv.vn) – Cùng với sự đổi mới, phát triển của đất nước, của tỉnh, những năm qua, cán bộ và nhân dân huyện Kon Plông (Kon Tum) luôn phát huy tinh thần đoàn kết, truyền thống cách mạng, nỗ lực trong phát triển kinh tế – xã hội, tạo sự chuyển biến đáng kể trong đời sống của đồng bào các dân tộc nơi đây. Huyện đang tập trung đẩy mạnh xây dựng Khu Du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen, gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống, đưa ấm no đến dân làng.

Là người con Sê Đăng, tham gia cách mạng từ trước năm 1945, trải qua hai cuộc kháng chiến, rồi công cuộc xây dựng đất nước, ông Nguyễn Thanh Bình (làng Long Rủa, xã Măng Bút, huyện Kon Plông) nhận thức rất rõ về giá trị của hòa bình, độc lập, về sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và sự thay đổi trong đời sống của dân làng. Hàng ngày, ông vẫn tích cực cùng các cựu chiến binh trong thôn tuyên truyền, vận động dân làng và thế hệ trẻ phát huy truyền thống cách mạng của cha ông, tích cực xây dựng quê hương, thôn làng ngày một phát triển. Ông Bình nói: “Ngày trước đường sá khó khăn, đi lại gian khổ lắm. Măng Bút bây giờ thay đổi nhiều. Nói chung trong 33 làng, 12 thôn đã xây thủy lợi vào ruộng, rồi đã xây cái đường này, từ đây cho đến xã Ngọc Yêu đều có đường bê tông, đi xe máy được hết”.

Người dân vùng sâu Kon Plông đã biết phát triển cây công nghiệp, trồng cà phê xứ lạnh
Người dân vùng sâu Kon Plông đã biết phát triển cây công nghiệp, trồng cà phê xứ lạnh

Từng là huyện đặc biệt khó khăn, giao thông đi lại cách trở nhất tỉnh, trước đây, khi nói đến Kon Plông, đến những tuyến đường Măng Bút, Đăk Ring, Đăk Nên, hay Ngọc Tem, Xã Hiếu, Pờ Ê, mọi người đều ngao ngán vì đường trơn trợt, lầy lội, phải thường xuyên đi bộ, chống gậy, lội suối. Thế nhưng, kể từ khi các tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 24, Tỉnh lộ 676 đi các xã Măng Cành, Đăk Tăng, Măng Bút, Đăk Ring, Đăk Nên và đường Trường Sơn Đông đi ngang qua xã Hiếu, Ngọc Tem được đầu tư nâng cấp hoàn thành, hiện nay, tất cả các xã trong huyện Kon Plông đã có đường nhựa, đường bê tông, ô tô đi lại thông suốt trong 2 mùa. Hệ thống giao thông nông thôn từng bước được đầu tư, nâng cấp đến tận thôn, làng. Ông A Dân, Phó Chủ tịch UBND xã Măng Bút, huyện Kon Plông nói: “Trước kia nói chung đường sá rất khó khăn. Từ xã đến trung tâm thì phải đi mất 1 ngày rưỡi, phải đi bộ. Đi các thôn cũng khó khăn, không có ô tô vào đây, xe máy cũng không vào được. Hiện nay đường sá rất thuận lợi, không phải khổ như hồi xưa nữa. Bây giờ xuống Kon Tum đã có xe đò, một ngày 2 chuyến, rất thuận lợi cho công việc, trao đổi hàng hóa”.

Cùng với sự phát triển về kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, những năm gần đây, huyện Kon Plông là một trong 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh, gắn với Khu Du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen và hiện đang thu hút đầu tư phát triển mạnh các loại rau hoa xứ lạnh, xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của huyện. Ông Lê Đức Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: “Hiện nay huyện đã xậy dựng đề án thành lập Khu Nông nghiệp công nghệ cao, với quy mô 170 ha tại khu trung tâm huyện và mở rộng diện tích dự án rau hoa xứ lạnh 1.392 ha lên 3000 ha. Về hướng lâu dài hơn thì tỉnh cũng đã xin ý kiến của Bộ Nông nghiệp thành lập vùng nông nghiệp công nghệ cao tại Măng Đen, quy mô trên dưới 10.000 ha”.

Sau khi phát triển được rau hoa xứ lạnh, hiện nay, Kon Plông không chỉ thu hút được các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có quy mô lớn vào đầu tư, mà việc thu hút, phát triển du lịch đã có nhiều khởi sắc so với trước. Ông Đỗ Hoàng Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn- Măng Đen nói: “Thời gian gần đây chúng tôi đã tiếp xúc rất nhiều đoàn khách đến với công ty. Chúng tôi có khách sạn Hoa Hồng, Hoa Sim, Trung tâm hội nghị, giờ này thì đã đầy khách, thường là chúng tôi không còn sức chứa nữa. Do vậy năm nay chúng tôi đang xin phép để đầu tư 1 khách sạn 40 phòng để chứa được vài trăm khách. Bên cạnh đó chúng tôi nâng cấp các khách sạn đang hoạt động, phục hồi lại sở thú và cũng sẽ xây dựng khu  resort của hồ Tong Đam để đón khách”.

Cùng với phát triển Khu Du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen gắn với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiện nay huyện Kon Plông đang tập trung chỉ đạo, khuyến khích nhân dân phát triển mạnh các loại cây trồng, vật nuôi thế mạnh của huyện phù hợp với từng vùng như cây cà phê xứ lạnh, bời lời, keo lai, cây dược liệu, chăn nuôi trâu, bò, dê, heo địa phương để không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/năm.

Quang Mẫn – Duy Phong   

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *